Mỗi đứa trẻ sở hữu một nét tính cách khác biệt, tùy vào việc quan sát con hàng ngày mà bố mẹ sẽ đưa ra các phương pháp giáo dục sao cho phù hợp. Mọi người thường đánh giá một đứa trẻ có ngoan ngoãn hay không thông qua những lời nói và hành động của chúng. Một đứa trẻ hiểu biết chắc chắn đã nhận được sự giáo dục cực kỳ tốt từ gia đình, đặc biệt là bố mẹ.
Người ta thường nói con cái chính là tấm gương phản chiếu của bố mẹ. Nhìn cách mà một đứa trẻ ứng xử với mọi chuyện có thể đánh giá được bố mẹ đã giáo dục chúng như thế nào. Dù có sự khác biệt nhưng trên thực tế, nếu một đứa trẻ thường xuyên nói ra những câu này thể hiện chúng có tính cách ngoan ngoãn, thông minh, hiểu chuyện và nhận được sự giáo dục tốt từ gia đình.
1. Con cảm ơn mẹ
Lời cảm ơn thường rất dễ nói với người ngoài, khi nhận được sự giúp đỡ hoặc thấy biết ơn về điều gì đó, thế nhưng lại rất khó để mở lời với những người thân của mình. Nhiều trẻ có xu hướng thường được bố mẹ bao bọc, làm hết cho mọi thứ từ A đến Z nên đôi khi cho rằng bản thân nghiễm nhiên được nhận điều như vậy.
Về lâu dài, trẻ có xu hướng không biết nói lời cảm ơn với bố mẹ hay anh chị em của mình. Tuy nhiên, nếu là một bà mẹ thông minh sẽ biết dạy con nói lời cảm ơn khi nhận được sự giúp đỡ, dù cho người đó là ai. Việc bé có thể nói ra lời cảm ơn với mẹ không chỉ giúp con nhận thức được việc đang nhận được sự giúp đỡ mà còn khiến mối quan hệ giữa hai mẹ con trở nên tốt hơn.
Hãy dạy con biết nói lời cảm ơn trong bất kì tình huống nào con nhận được sự giúp đỡ. Tất nhiên, để làm được điều đó, bố mẹ cũng cần làm gương cho con cái, nói lời cảm ơn với con khi nhờ con làm giúp một việc gì đó. Đừng bao giờ coi đó là việc mà con phải làm, hãy gửi lời cảm ơn tới con khi bé tặng mẹ một bông hoa hay một tấm thiệp ngọt ngào nào đó, hay đơn giản là khi con đã làm được một việc tốt cho mọi người.
2. Con xin lỗi vì đã làm mẹ buồn
Tương tự như lời cảm ơn, lời xin lỗi không dễ dàng để nói ra. Ở các gia đình hiện nay, xu hướng để trẻ nói ra lời xin lỗi thường là do bố mẹ bắt ép chứ không phải các con tự muốn vậy. Thế nên, những đứa trẻ có thể tự mình nói ra lời này thường rất tình cảm, hiểu biết và tiếp thu kiến thức rất nhanh. Việc con mạnh dạn bày tỏ lỗi lầm cũng là một điều đáng được khen ngợi.
Một đứa trẻ biết nói ra lời xin lỗi là khi chúng đã nhận thức được hành vi không đúng của mình, từ đó sửa đổi, nhận lỗi chứ không hề trốn tránh trách nhiệm. Những đứa trẻ như vậy trong tương lai sẽ biết đúng/ sai, phải/ trái, đối xử với người khác tinh tế để không gây ra tổn thương cho họ.
Dạy con biết nói lời xin lỗi trong các trường hợp làm sai như đánh bạn, làm hỏng đồ của ai đó, không may làm đau người khác, hoặc làm một việc gì đó chưa đúng... là hoàn toàn cần thiết. Học được cách nói lời xin lỗi, trẻ cũng trở nên biết mình biết ta, tự tin và xử lý tình huống một cách cẩn thận và có trách nhiệm hơn.
3. Con sẽ thử làm cái này
Trong cuộc sống, trẻ sẽ phải đối mặt với rất nhiều tình huống khác nhau, bao gồm cả thách thức lẫn khó khăn. Việc trẻ có tự tin đối mặt hay sợ hãi, nhút nhát trong cách xử lý cũng thể hiện thái độ và tính cách của con. Một đứa trẻ không nao núng trước việc khó, dù kết quả có thất bại hay thành công cũng xứng đáng nhận được lời khen ngợi.
Đứng trước tình huống khó, nhiều trẻ có xu hướng băn khoăn ''không biết có làm nổi không nữa'', ''khó quá bỏ thôi mẹ ạ''... thì một số khác chắc chắn ''con nhất định sẽ thử xem sao''. Việc này không chỉ thử thách khả năng của con mà còn thể hiện sự không ngại khó, ngại khổ cho bất kì công việc nào trong tương lai. Đây là một đức tính tốt cần được duy trì.
Sau mỗi lần như vậy, nếu thành công con chắc chắn cảm thấy rất hạnh phúc vì đã vượt qua chính bản thân mình. Còn nếu thất bại thì cũng sẽ là một bài học cho con, lần sau nhất định sẽ cố gắng nhiều hơn. Một đứa trẻ suy nghĩ được như vậy chứng tỏ đã được nuôi dạy rất tốt, bố mẹ nên cảm thấy may mắn vì phương pháp giáo dục của mình có hiệu quả.
4. Con chưa biết, mẹ hướng dẫn con với
Câu này nghe tưởng bình thường nhưng thực ra thể hiện rất nhiều tính cách của con. Với những đứa trẻ tự cao, tự đại sẽ rất khó để chúng thừa nhận không biết điều gì đó. Một số khác vì cái tôi mà thấy khó sẽ lặng lẽ bỏ, hoặc nói là ''con chẳng thích chơi món đồ đó nữa đâu'' chứ không chịu tìm cách giải quyết hay nhờ bố mẹ giúp đỡ.
Chính vì thế khi con thoải mái thừa nhận rằng mình chưa biết hoặc không biết làm chuyện gì, mẹ nên vui mừng thay vì lo lắng. Đừng quá áp lực rằng việc nhỏ như vậy mà con chưa biết làm, thực ra con vẫn là một đứa trẻ và vẫn cần phải học hỏi thêm rất nhiều điều. Đặc biệt hơn, con cần nỗ lực hết sức để đạt kết quả cao hơn.
Nhờ trẻ chủ động hỏi han, mẹ cũng phát hiện con đang thiếu lỗ hổng ở mảng kiến thức nào, từ đó bồi đắp giúp trẻ giỏi hơn. Bên cạnh đó, sau mỗi lần được ngồi cùng với nhau để tìm ra cách giải quyết, mối quan hệ giữa hai mẹ con cũng tốt hơn nhiều. Một đứa bé hiểu biết như vậy cũng là nhờ mẹ đã dạy dỗ chu đáo.
5. Lên lên con muốn trở thành...
Nếu con chẳng bao giờ thổ lộ với mẹ về ước muốn trong tương lai thì hãy cố gắng khơi gợi điều đó nhé. Một đứa trẻ có hoài bão, biết xác định mục tiêu và đam mê không chỉ rất tự tin mà còn luôn nỗ lực hết sức để đạt được điều bản thân mơ ước. Biết mơ ước cũng là khẳng định con đã hình thành tư duy suy nghĩ, quan sát từ rất sớm.
Ngoài ra, việc trẻ chia sẻ ước mơ với mẹ cũng chứng tỏ bạn là một người mẹ tuyệt vời vì luôn ở bên cạnh chia sẻ, động viên và cổ vũ tinh thần cho con. Nếu trẻ thường xuyên nói những điều trên, mẹ nên vui mừng vì hành trình dạy con của mình đã gặt hái được những thành quả không nhỏ. Hãy tiếp tục phát huy các mẹ nhé.
https://afamily.vn/tre-thuong-xuyen-noi-5-cau-nay-chung-to-me-da-day-con-rat-tot-xung-dang-la-mot-ba-me-tuyet-voi-20220527120844372.chn
Theo afamily.vn
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.