Thời tiết thay đổi thất thường là điều kiện gia tăng các ca bệnh hô hấp, đặc biệt là bệnh viêm mũi, viêm xoang.
Viêm xoang là tình trạng nhiễm trùng của màng niêm mạc lót trong lòng các xoang gây ra bởi vi trùng, siêu vi trùng hay dị ứng dẫn tới phù nề, thu hẹp đường kính các lỗ xoang làm cho mủ và dịch viêm ứ đọng trong xoang do không thoát được ra ngoài.
Viêm xoang là một bệnh lý nhiễm trùng nên thường có những dấu hiệu như đau nhức, sốt, chảy dịch, nghẹt mũi hay điếc mũi. Triệu chứng của nó không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng sống của người bệnh mà nếu nó trở nên nặng có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm ở mắt, tai, não, mạch máu...
Bên cạnh đó, có rất nhiều sai lầm có thể bạn đang mắc khiến viêm xoang sẽ trở lên nặng hơn.
3 sai lầm mà bác sĩ cảnh báo không nên phạm phải khi điều trị viêm xoang
1. Lạm dụng thuốc
Theo bác sĩ Nguyễn Lan Hương (Bệnh viện Ung Bướu Hưng Việt) trong điều trị viêm xoang, viêm mũi không nên lạm dụng thuốc vì có thể làm nhờn kháng sinh.
"Viêm mũi dị ứng với dấu hiệu phổ biến là ngạt mũi, sổ mũi thì chỉ cần điều trị bằng thuốc dị ứng và thuốc xịt tại chỗ là sẽ ổn. Chỉ có những trường hợp bội nhiễm vi khuẩn, xuất hiện mủ thì mới cần phải uống kháng sinh. Tuy nhiên nếu người bệnh tự ý đi mua thuốc mà không được khám, sẽ dẫn đến việc không nắm rõ tình trạng bệnh, cũng như dùng thuốc kháng sinh không cần thiết. Sai lầm này tạo điều kiện cho các vi khuẩn gây bệnh kháng lại với kháng sinh, vô tình khiến bệnh trở nên nghiêm trọng hơn", bác sĩ Lan Hương nói.
Theo bác sĩ, trước khi dùng thuốc, người bệnh nên đến cơ sở y tế khám để bác sĩ chẩn đoán xem là viêm mũi dị ứng hay là viêm mũi xoang nhiễm khuẩn, từ đó kê thuốc điều trị cho đúng.
2. Lạm dụng việc rửa mũi
Trong đợt điều trị, người bệnh viêm mũi, xiêm xoang rửa mũi sẽ tăng hiệu quả điều trị. Tuy nhiên, nên rửa mũi theo hướng dẫn của bác sĩ, tránh việc rửa quá nhiều gây khô mũi và rửa mũi sai cách. Đặc biệt là khi mũi đang ngạt mà bơm nước muối sinh lý vào mũi thì sẽ khó chảy ra ngoài, thậm chí nước muối sẽ tràn ra tai. Điều đó có thể khiến viêm xoang không khỏi mà lại thêm viêm tai vì dịch mủ.
3. Lạm dụng xịt mũi khi bị viêm xoang
Theo bác sĩ Lan Hương, xịt mũi có thể chia ra làm 2 loại là thuốc xịt nước muối và xịt thuốc chống viêm. Với các loại xịt nước muối thì mọi người nên rửa theo hướng dẫn của bác sĩ, tránh việc dùng quá nhiều gây khô mũi.
Còn xịt thuốc chống viêm, thì chia ra nhiều loại, có loại là thuốc xịt co mạch tại chỗ, có loại có thành phần kháng sinh, chống viêm. Cần lưu ý là thuốc xịt co mạch không được dùng quá 7 ngày nếu không sẽ dễ phụ thuộc vào thuốc.
Ngoài ra, một số thuốc xịt chống viêm có corticoid cũng không được dùng kéo dài vì sẽ gây ra tác dụng phụ ví dụ như suy thượng thận.
Bác sĩ khuyên mọi người khi có dấu hiệu chảy nước mũi, ngạt mũi, đau đầu, đau quanh hốc mắt, gò má... thì nên đến bệnh viện khám để được chẩn đoán đúng tình trạng viêm mũi và có hướng xử lý phù hợp, hiệu quả nhất.
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.