Triết lý vệ sinh cực đỉnh của người Nhật, lý do đứng sau cảnh quan sạch “như lau như li” đáng ngưỡng mộ tại đất nước Mặt trời mọc

Nếu ghé thăm Nhật Bản, bạn hiếm khi thấy thùng rác hay người dọn vệ sinh nhưng mọi chỗ vẫn cứ sạch bóng. Vậy lý do nào để họ tạo nên được môi trường sống tuyệt vời đến thế?

Nhật Bản là một quốc gia liên tục phải đối mặt với thiên tai. Hiện tại, họ cũng đang vất vả vì siêu bão Hagibis. Tuy nhiên, không ai than trách mà đều tự giác xắn tay, dọn dẹp hậu quả. Tất cả điều này chính là nhờ triết lý vệ sinh đáng ngưỡng mộ của người dân xứ sở Mặt trời mọc mà nhiều quốc gia khác cần học hỏi.

         

 

   

         

 

   

         

 

   

         

 

   

Tinh thần trách nhiệm từ thời ấu thơ

Không có bất cứ nơi nào, con người lại tự ý thức hơn ở Nhật Bản. Nếu đến xứ sở hoa anh đào, cái đầu tiên chào đón là cảnh quan sạch "như li như lau". Mặc dù hiếm khi người Nhật đặt thùng rác ngoài hè phố, cũng chẳng mấy lúc xuất hiện người quét rác cặm cụi quét quáy ngoài đường, tất cả vẫn cứ là rất sạch sẽ.

"Trong suốt 12 năm học sinh, từ tiểu học đến trung học, chúng tôi đều xem tự dọn dẹp là nghĩa vụ đương nhiên," - Maiko Awane, trợ lý giám đốc văn phòng chính quyền Hiroshima, Tokyo cho biết.

         

 

   

         

 

   

         

 

   

         

 

   

Từ khi còn bé, trẻ em Nhật đã ý thức giữ gìn vệ sinh chung

Khắp Nhật Bản, trước khi chuông tan học reo, giáo viên phụ trách tiết cuối sẽ phân công dọn dẹp rõ ràng. Ví dụ như, dãy 1-2 quét lớp, dãy 3-4 quét hành lang và cầu thang, dãy 5 dọn nhà vệ sinh.

Tất nhiên là nhóm bị xếp dọn nhà vệ sinh sẽ than trời, nhưng rồi các em vẫn đứng lên lấy cây lau nhà, giẻ lau và xô từ tủ đồ, rồi nhanh chóng tiến về phía toilet và dọn rửa.

"Ở nhà, cha mẹ cũng dạy bảo chúng tôi như thế. Sẽ là rất xấu nếu như một đứa trẻ không biết giữ vệ sinh riêng và vệ sinh chung sạch sẽ," – Awane nói thêm.

Dọn dẹp là một phần của sự nề nếp

Ở trường, các thầy cô giáo nghiêm túc giáo dục ý thức vệ sinh chung. Vì phải tự tay dọn dẹp, chẳng ai lại đi "thừa giấy vẽ voi", xả rác ra để rồi phải quay lại nhặt.

"Đôi khi, tôi cũng ghét phải quét dọn trường," - Chika Hayashi, một dịch giả tự do nhớ lại. "Nhưng tôi vẫn làm như một thói quen. Chúng tôi đều tự biết, làm sạch trường lớp là một hành vi tốt. Đó cũng là khởi đầu cho ý thức trách nhiệm với môi trường của mỗi người."

Triết lý vệ sinh cực đỉnh của người Nhật, lý do đứng sau cảnh quan sạch “như lau như li” đáng ngưỡng mộ tại đất nước Mặt trời mọc - Ảnh 3.

Mọi công dân Nhật đều tự nguyện dọn dẹp "trong nhà ngoài ngõ"

Cho dù là trên lớp hay ở nhà, mọi học sinh Nhật đều tự giác bỏ giày vào tủ. Khi đến nhà bạn chơi, việc đầu tiên họ làm cũng là tháo giày ra, để bên ngoài. Ý thức tự giác từ trong nhà theo ra ngoài phố, mở rộng trên toàn đất nước. Dù là giữa lễ hội tưng bừng hay đang ở bất cứ đâu, người Nhật đều "rác ai nấy giữ" cho đến khi thấy thùng rác và bỏ vào.

Đối với vệ sinh công cộng, người Nhật cũng vô cùng trách nhiệm. Cứ khoảng 8h, các nhân viên văn phòng và cửa hàng lại bỏ chút thời gian, dọn sạch lòng lề đường trước mặt. Mỗi tháng, trẻ em trong khu phố lại tổ chức nhặt rác trên toàn bộ các con đường đến trường. Người lớn cũng thường xuyên tổ chức các sự kiện vệ sinh đường phố. Nhờ đó, đâu đâu trên nước Nhật cũng sạch tinh tươm.

Triết lý vệ sinh cực đỉnh của người Nhật, lý do đứng sau cảnh quan sạch “như lau như li” đáng ngưỡng mộ tại đất nước Mặt trời mọc - Ảnh 4.
Triết lý vệ sinh cực đỉnh của người Nhật, lý do đứng sau cảnh quan sạch “như lau như li” đáng ngưỡng mộ tại đất nước Mặt trời mọc - Ảnh 5.

Đặc biệt, người Nhật ý thức giữ gìn vệ sinh không chỉ vì bản thân mà còn vì cộng đồng. Chỉ cần chớm ho hay cảm cúm, ai nấy liền lấy khẩu trang y tế ra đeo, tránh lây nhiễm virus gây bệnh cho người xung quanh.

Ý thức từ tín ngưỡng khiết tịnh Phật giáo

Không phải chỉ trong đời sống hiện đại người Nhật mới sạch sẽ đến độ đáng ngưỡng mộ, mà từ xưa họ đã vậy. Thời tiết nóng nực có lẽ cũng là một nguyên nhân.

Tại Nhật Bản, mùa hè cực kỳ khó chịu. Cái nóng và ẩm quện vào nhau, tạo môi trường hoàn hảo cho vi khuẩn sinh sôi. Thức ăn sớm ôi thỉu. Bệnh tật dễ phát triển. Bởi vậy, giữ gìn vệ sinh sạch sẽ là giải pháp hiệu quả nhất để tránh các vấn đề phiền phức này.

Tuy nhiên, khí hậu không phải là lý do chính. Nguồn gốc của lối sống sạch đến từ tâm niệm. Có ít nhất 34% cư dân Nhật theo đạo Phật, mà cốt lõi của tôn giáo này là sự khiết tịnh.

         

 

   

         

 

   

         

 

   

         

 

   

Trà đạo và Thiền là hai biểu hiện sạch sẽ, khiết tịnh nhất

Vào khoảng thế kỷ 12-13, Phật giáo từ Trung Quốc vượt biển, lan vào quốc đảo Phù Tang. Nghi thức "Thiền" xuất hiện. Ngoại trừ việc ngồi bất động, chiêm niệm, "thiền" còn bao gồm các "bài tập" thường nhật như giữ gìn sự sạch sẽ, ăn uống…

"Thiền là toàn bộ các hoạt động sinh hoạt mỗi ngày," – trụ trì Eriko Kuwagaki, chùa Shinshoji, Fukuyama, Hiroshima giải thích. "Gột sạch bụi bẩn cả trên thể xác lẫn tinh thần là một phần quan trọng."

Ở Nhật, "thiền" còn đi liền với trà đạo. Trong cuốn sách The Book of Tea (Bách khoa Trà), tác giả Okakura Kakuro (1962-1913) từng viết, trong phòng trà, tất cả phải sạch sẽ tuyệt đối. Chỉ cần để sót một hạt bụi trong góc tối nhất cũng không xứng đáng làm chủ trà.

Cứ việc ghé vào bất cứ quán trà đạo nào ở Nhật, bạn đều có thể thấy nhân viên mặc kimono, cầm cuộn băng dính cặm cụi "nhặt" sạch từng hạt bụi một.

Kết hợp quan niệm coi trọng sự sạch sẽ của Thần đạo

Người Nhật không phải dân tộc duy nhất theo Phật giáo, càng không phải người đầu tiên lĩnh hội giáo lý đạo Phật. Sở dĩ họ "kiết tịnh" tuyệt đối đến vậy, còn vì một đạo lý khác. Trước khi Phật giáo đến Nhật, người Phù Tang đã có tín ngưỡng riêng: Thần đạo (Shinto).

Trong Thần đạo, nghi thức quan trọng nhất là "thanh tẩy kegare". Kegare có nghĩa là tạp chất hoặc bụi bẩn, bao gồm tất cả những gì "bẩn thỉu, gây khó chịu", ví dụ như bệnh tật, chết chóc… Họ quan niệm chỉ cần một cá nhân kegare, cả cộng đồng liền bị tác động.

         

 

   

         

 

   

         

 

   

         

 

   

Mọi tín đồ Thần đạo đều lấy "sống sạch" làm đầu

Để loại bỏ kegare, việc đầu tiên là phải sinh hoạt sạch sẽ. Tự ý thức sống sạch là vì bản thân, và cũng vì mọi người. Mọi tín đồ Thần đạo đều tự giác rửa tay và súc miệng tại bồn nước bằng đá trước lối vào đền. Khi Phật giáo đến Nhật, tôn giáo này cũng "vừa khớp" với quan niệm sống sạch. 

Chính bởi sự kết hợp sạch gấp đôi ấy, người Nhật đã sạch lại càng sạch hơn.

Sạch sẽ là một lối sống đẹp. Chỉ cần ở nước Nhật một thời gian, bạn sẽ "nhiễm" thói sống sạch này ngay lập tức. Chẳng người Nhật nào lại xì mũi giữa nơi công cộng hay vứt rác bừa bãi. Mỗi hộ gia đình còn cẩn thận phân loại rác ra thành hẳn 10 loại khác nhau, tạo điều kiện tái chế hoàn toàn.

Trong thế giới kết nối rộng khắp ngày nay, rất có thể là sớm thôi, lối sống sạch sẽ này của Nhật Bản cũng nối gót Pokémon hay sushi mà vượt biển, "càn quét" toàn cầu.

Tham khảo BBC

 

Theo Trí Thức Trẻ

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang