Tròn 2 năm phát hiện ca Covid-19 đầu tiên, Việt Nam vượt 2 triệu ca

Ngày 23/1/2020, Việt Nam chính thức bước vào cuộc chiến Covid-19 khi ghi nhận 2 ca nhiễm đầu tiên. Đến nay, cả nước đã vượt 2 triệu ca mắc.

Bộ Y tế tối 23/1 ghi nhận thêm 14.978 ca mắc Covid-19. Như vậy, tròn 2 năm kể từ khi ca nhiễm đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam, đến nay cả nước có tổng 2.141.422 ca, đứng thứ 28/224 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong đó, 1.804.849 ca được điều trị khỏi, 36.719 bệnh nhân tử vong do Covid-19 (chiếm tỷ lệ 1,7% so với tổng số ca nhiễm).

Cách đây 2 năm, ngày 23/1/2020 (tức 29 Tết Canh Tý), Việt Nam chính thức bước vào cuộc chiến chống Covid-19. Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) xác nhận 2 bệnh nhân Covid-19 đầu tiên, là hai cha con người Vũ Hán, Trung Quốc.

Tròn 2 năm phát hiện ca Covid-19 đầu tiên, Việt Nam vượt 2 triệu ca - Ảnh 1.

Diễn biến dịch Covid-19 tại Việt Nam trong một tháng qua (Nguồn: Bộ Y tế)

Từ đó đến nay, Việt Nam trải qua 4 đợt dịch Covid-19. Dịch lan ra toàn bộ 63 tỉnh, thành.

Giai đoạn 1 (từ 23/1 đến 24/7/2020): 415 ca (106 ca trong nước và 309 ca nhập cảnh).

Giai đoạn 2 (từ 25/7/2020 đến 27/1/2021): 1.136 ca (554 ca trong nước và 582 ca nhập cảnh).

Giai đoạn 3 (từ 28/1 đến 26/4/2021): 1.301 ca (910 ca trong nước và 391 ca nhập cảnh).

Giai đoạn 4 (từ 27/4/2021): 2.138.570 ca (2.134.788 ca trong nước và 3.782 ca nhập cảnh).

Đến nay, Việt Nam đã ghi nhận 135 ca mắc Covid-19 do biến chủng Omicron tại 10 tỉnh/ thành. Cụ thể: Hà Nội (14), Quảng Nam (27), TP.HCM (68), Hải Dương (1), Hải Phòng (1), Thanh Hóa (2), Đà Nẵng (8), Khánh Hòa (11), Long An (1), Quảng Ninh (2).

Cả nước cũng đã tiêm được 175.898.450 liều vaccine Covid-19, trong đó 78.865.726 liều mũi 1, 73.881.549 liều mũi 2 và 23.151.175 liều mũi 3.

Tròn 2 năm phát hiện ca Covid-19 đầu tiên, Việt Nam vượt 2 triệu ca - Ảnh 2.

Tròn 2 năm, Việt Nam ghi nhận ca Covid-19 đầu tiên

Trong hai năm qua, Việt Nam đã chuyển nhiều chiến lược phòng, chống dịch Covid-19. Hiện, cả nước đang triển khai "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 trong tình hình mới". Các địa phương không "ngăn sông cấm chợ", giãn cách xã hội như trước đây, mà thay vào đó tạo điều kiện để người dân phát triển kinh tế - xã hội.

Bộ Y tế chỉ đạo các địa phương tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ nhiễm Covid-19 tại cộng đồng. Những người có biểu hiện ho, sốt để kịp thời khoanh vùng, cách ly, xử lý triệt để ổ dịch không để lây lan, bùng phát rộng. Đồng thời triển khai tốt các hoạt động y tế, tránh lây nhiễm chéo trong cách ly, khu phong tỏa.

Trước thềm Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, Bộ Y tế ban hành công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, yêu cầu tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong nước được về quê đón Tết.

Các địa phương hướng dẫn người dân về quê phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch Covid-19, gồm 5K và tự theo dõi sức khỏe,… nhất là việc "không cách ly y tế" đối với người dân.

Tại Hội nghị trực tuyến triển khai công tác y tế năm 2022, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhận định chưa thể kiểm soát được hoàn toàn dịch bệnh. Dịch vẫn diễn biến phức tạp với hơn 15.000 ca nhiễm mới và hơn 150 trường hợp tử vong mỗi ngày. Việt Nam đã ghi nhận ca bệnh nhiễm biến chủng Omicron trong cộng đồng và nguy cơ lây lan trên diện rộng rất cao.

Ngành Y tế xác định nhiệm vụ trước mắt và ưu tiên hàng đầu là tiếp tục tập trung cao nhất cho công tác phòng, chống dịch; ưu tiên mục tiêu giảm ca nặng, giảm tử vong; nhanh chóng hoàn thành việc tiêm đủ 3 mũi vaccine cho người từ 18 tuổi trở lên và triển khai chiến dịch tiêm chủng mùa Xuân.

 

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang