Trong thời gian cho con bú mà người mẹ mang thai có mất sữa không?

(lamchame.vn) - Rất nhiều chị em rơi vào hoàn cảnh đang nuôi con bú thì phát hiện có thai. Và quyết định cùng lúc chăm sóc 2 sinh linh bé nhỏ không phải là chuyện đơn giản. Ngay lập tức một loạt câu hỏi và lo lắng chạy qua đầu: Có thai khi cho con bú có mất sữa không? Làm sao để đảm bảo sức khỏe cùng lúc cho cả mẹ, trẻ và thai nhi?

Phụ nữ đang cho con bú mà mang thai có mất sữa không?

Một điều đặc biệt là cơ thể người mẹ vẫn tiếp tục tiết ra sữa cho con bú trong khi mang thai, đảm bảo việc cho con bú. Đa phần trường hợp đang cho con bú có thai không mất sữa, tuy nhiên chất lượng và số lượng sữa có thể thay đổi:

– Trẻ có thể bú sữa non của mẹ: Vào các tháng thứ 4 hoặc 5, tuyến vú của mẹ bầu tiết ra sữa non có nhiều thành phần dinh dưỡng và cần thiết cho trẻ sơ sinh. Điều này khiến cho mùi vị cũng như số lượng sữa có một số thay đổi. Đôi khi chính những thay đổi này có thể khiến bé tự thôi bú. Lúc này, tùy vào nhu cầu của bé mà mẹ quyết định nên hay không cho con cai sữa.

– Chất lượng và số lượng sữa thay đổi: Khi mang thai, lượng hormone trong cơ thể tăng lên khiến cho mùi vị thay đổi, bớt ngon hơn, trẻ có thể sẽ không còn thích thú như trước, đồng thời thai phụ có thể bị ốm nghén nên ăn ít hơn do đó số lượng và chất lượng sữa mẹ cũng bị ảnh hưởng.

Ảnh minh họa

Làm gì để không bị mất sữa khi đang cho con bú mà mang thai

Trường hợp mẹ quyết định thực hiện đồng thời cả 2 việc là cho con bú và có thai để không mất sữa thì lời khuyên dành cho mẹ là:

– Đảm bảo chế độ ăn uống đầy đủ dưỡng chất theo thời gian và tuổi thai. Nếu bạn quyết định nuôi con bằng sữa mẹ dù mang thai, điều tối quan trọng là bạn phải ăn uống đầy đủ để đảm bảo sức khỏe cho bản thân, bé đang bú và thai nhi trong bụng. Lượng calorie cần bổ sung vào cơ thể tùy thuộc vào tuổi của bé đang bú. Bạn sẽ cần phải ăn thêm khoảng 500 calorie/ngày nếu bé đã ăn được thức ăn khác hoặc 650 calorie/ngày nếu bé dưới 6 tháng tuổi và bú mẹ hoàn toàn.

Sang thai kỳ thứ 2, bạn nâng lượng calorie cần bổ sung thêm 350 calorie và 450 calorie trong thai kỳ thứ 3. Nếu đang ở thai kỳ thứ nhất và cảm thấy khó ăn uống vì nghén, bạn có thể yên tâm vì lúc này, bạn không cần bổ sung thêm bất kỳ lượng calorie nào.

– Chế độ sinh hoạt, nghỉ ngơi điều độ. Trong thời gian này chị em nên chia sẻ công việc cho chồng hoặc người nhà để không bị thiếu ngủ hoặc mất sức quá nhiều.

– Không nên tự ý mua các loại thuốc, vitamin mà chưa có chỉ dẫn của bác sĩ.

– Khám thai đầy đủ, định kỳ.

Mang thai mà vẫn cho con bú có an toàn không?

Rất nhiều mẹ lo lắng cho bú trong khi mang thai sẽ gây ra các cơn co bóp tử cung. Tuy nhiên, nếu thai hoàn toàn bình thường, những cơn co bóp này không phải là vấn đề, khó có thể gây ra tình trạng sảy thai. Do oxytocin - hormone được sinh ra trong quá trình cho bú, có khả năng kích thích co bóp tử cung - thường được sản sinh ra một lượng rất nhỏ. Những cơn co bóp này vô hại với bào thai.

Bên cạnh đó, một lượng nhỏ hormone sản sinh trong thời kỳ mang bầu cũng sẽ được chuyển vào sữa mẹ. Tuy nhiên, những hormone này cũng không ảnh hưởng đến bé đang bú.
 

Ảnh minh họa

Dù việc nuôi con bằng sữa mẹ trong lúc mang bầu về cơ bản là an toàn, nhưng vẫn có một số trường hợp như dưới đây, người mẹ được khuyên nên chuyển sang cho con ăn dặm hoàn toàn:
- Mang bầu nguy cơ cao hoặc có nguy cơ đẻ non
- Mang thai đôi
- Được bác sĩ khuyến cáo nên hạn chế quan hệ tình dục trong thời gian mang bầu
- Bị chảy máu hoặc bị đau tử cung.

Một khía cạnh quan trọng khác cần được xem xét khi bạn phát hiện ra mình đã có bầu trong lúc đang cho con bú là liệu bé đang bú mẹ đã đủ lớn để ăn dặm hay chưa. Những yếu tố ảnh hưởng tới điều này gồm có tuổi, tính cách của bé cũng như phản ứng về mặt tâm lý, thể chất của bé với việc mang thai của mẹ.

Thông thường, nguồn sữa mẹ sẽ bị giảm trong tháng thứ 4 và thứ 5 của thai kỳ. Điều này dẫn đến việc thay đổi vị sữa và có thể khiến bé khó chịu và tự cai sữa sớm hơn bạn nghĩ.

Tương tự, bạn cũng có thể tự hỏi rằng bản thân đã sẵn sàng cai sữa, việc mang bầu ảnh hưởng thế nào đến mối quan hệ giữa bạn với đứa con lớn? Lúc này, bé bú mẹ chủ yếu vì dưỡng chất hay vì cảm giác dễ chịu?

Những cân nhắc trên là yếu tố quan trọng để bạn có kiểm soát sức khỏe cũng như sự phát triển lành mạnh của đứa con lớn trong trường hợp chúng chưa được 6 tháng tuổi - độ tuổi cần được bú mẹ hoàn toàn. Trong khi đó, những đứa trẻ đã ăn dặm có thể sẽ thích đồ ăn ngoài hơn bú mẹ khi thấy nguồn sữa bị giảm.

Trong những tháng cuối của thai kỳ, sự co bóp tử cung diễn ra mạnh hơn. Lúc đó, nếu bé đã có thể ăn dặm hoặc dùng sữa ngoài được thì mẹ nên cai sữa cho con.

Nuôi con bằng sữa mẹ trong lúc mang bầu là một quyết định gồm cả 2 yếu tố sức khỏe và cảm xúc. Nếu bạn sẵn sàng cả về thể chất lẫn tâm lý thì không có lý do gì ngăn bạn làm điều bạn muốn!

Link bài gốc:https://www.lamchame.com/forum/threads/trong-thoi-gian-cho-con-bu-ma-nguoi-me-mang-thai-co-mat-sua-khong.2483448/

Theo Thành viên diễn đàn lamchame.com tổng hợp

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang