Bạn có thể không tin rằng tủ lạnh là nơi để lưu trữ thực phẩm, tại sao nó lại bẩn như vậy? Theo "Báo cáo sức khỏe gia đình" của Hội đồng Vệ sinh Toàn cầu (Global Hygiene Council - GHC), có trung bình 11.4 triệu vi khuẩn trên mỗi cm vuông trong tủ lạnh, bẩn hơn cả nhà vệ sinh.
Nhiệt độ thấp của tủ lạnh hay tủ đông có thể ức chế sự sinh sản và hoạt động của vi khuẩn, khiến chúng bước vào "thời kỳ ngủ đông", nhưng nó không thể đóng vai trò khử trùng. Các vi khuẩn gây bệnh trong tủ lạnh chủ yếu là salmonella, listeria, escherichia coli, staphylococcus aureus... đều có thể tồn tại trong khoảng nhiệt độ từ 0-45 độ C.
Đó là lý do tại sao bạn được khuyến cáo nên cất trữ thức ăn trong các hộp, bao gói kín trước khi cho vào tủ lạnh để giảm ảnh hưởng của vi khuẩn đến thực phẩm. Tuy nhiên, có 3 loại thực phẩm thà bỏ đi chứ tuyệt đối không nên để vào tủ lạnh, nếu không nó sẽ khiến thức ăn bị hỏng, biến chất, ăn vào gây hại cho sức khỏe.
1. Trứng vỡ
Vỏ trứng rất dễ vỡ và nó có thể vỡ nếu bạn không cẩn thận. Lúc này, thật đáng tiếc khi phần trứng bị vứt đi. Trong trường hợp này, nhiều người sẽ cất phần lòng trắng và lòng đỏ trứng vỡ vào tủ lạnh để có thể lưu trữ, sử dụng sau. Tuy nhiên, salmonella rất có thể xuất hiện trong trứng vỡ hoặc trứng bị nứt vỏ.
Một khi cơ thể bị nhiễm salmonella, các triệu chứng như đau bụng và buồn nôn có thể xảy ra. Trong trường hợp nghiêm trọng, nó có thể khiến bạn bị tiêu chảy và dẫn đến mất nước.
Vì vậy, tốt nhất là nếu trứng bị vỡ, nứt vỏ nên được ăn luôn. Trong trường hợp bắt buộc phải bảo quản trứng vỡ trong tủ lạnh thì bạn nên sử dụng nó càng sớm càng tốt và cố gắng nấu trứng càng chín kĩ càng tốt bởi vi khuẩn gây bệnh này có thể bị tiêu diệt khi đun nóng ở nhiệt độ cao.
2. Sữa uống dở
Cách đây không lâu, một phụ nữ mang thai ở Hàng Châu (Trung Quốc) đã bị nhiễm khuẩn listeria do sử dụng sữa còn thừa từ hôm trước nhưng lại không được bọc, đóng kín để trong tủ lạnh, gây ra phản ứng ngộ độc nghiêm trọng, cuối cùng dẫn đến sảy thai.
Đó không phải là một trường hợp hiếm gặp, mùa hè là thời gian có tỷ lệ nhiễm vi khuẩn rất cao, do đó, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Quốc gia Trung Quốc đã đưa ra cảnh báo sớm về nguy cơ thực phẩm bị nhiễm listeria mỗi năm. Listeria có thể tồn tại trong một thời gian dài ở điều kiện nhiệt độ thấp, thông thường nó sẽ xuất hiện trong sữa, thịt sống, cá, tôm và các loại hải sản khác.
Listeria rất thông minh, nó sẽ chọn đối tượng gây bệnh chính là người già, phụ nữ mang thai, trẻ sơ sinh và những người có khả năng miễn dịch yếu. Một khi bị nhiễm bệnh, mọi người sẽ bị sốt, đau bụng, tiêu chảy, nôn mửa, đau cơ và các triệu chứng khác. Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh nhân có thể bị viêm màng não và nhiễm trùng huyết.
Để tránh gặp phải tình trạng này, tốt nhất bạn nên uống hết phần sữa đã mở nắp, nếu không tiêu thụ hết trong 1 lần sử dụng hãy đóng, bọc thật kín để hạn chế tối đa nguy cơ sữa bị vi khuẩn xâm nhập và tiêu thụ nốt phần còn lại đó càng sớm càng tốt.
3. Các món lạnh
Khi nhiều người ăn các món lạnh như salad, phần còn lại ăn không hết bỏ đi rất lãng phí, chỉ cần cho vào tủ lạnh để bảo quản là đã tiết kiệm được. Đó là suy nghĩ của nhiều người. Nhưng trên thực tế, đối với loại thực phẩm này, sau khi bỏ ra khỏi tủ lạnh, chúng ta thường sẽ ăn trực tiếp luôn mà không có sự đun nấu, làm nóng để tiêu diệt vi khuẩn, do đó, nguy cơ bị nhiễm vi khuẩn càng cao.
Thực phẩm lấy ra khỏi tủ lạnh phải được làm nóng và nấu chín rồi mới tiếp tục ăn để đảm bảo an toàn. Vào mùa hè, nhiệt độ cao, các món ăn lạnh lại không thể được làm nóng, vì thế, chúng cũng không thể được lưu trữ trong tủ lạnh, nếu không ăn hết thì tốt nhất nên bỏ đi.
Nguồn tham khảo: QQ, GHC, Healthline, Eat This
Link gốc: http://toquoc.vn/tu-lanh-la-noi-ban-thu-2-trong-ngoi-nha-3-loai-thuc-pham-tha-bo-di-chu-dung-nen-cho-vao-tu-lanh-2202010714442212.htm
Theo ttvn.vn
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.