Tự nhiên mắt bị mờ là cảm giác mắt nhìn vật xung quanh bị mất nét khiến bạn khó có thể nhìn rõ ràng các chi tiết, đôi khi cần nheo mắt lại mới có thể nhìn thấy rõ hơn.
Dưới đây là một số nguyên nhân khiến mắt đột nhiên bị mờ mà bạn có thể tham khảo:
Thị lực bị giảm có thể là do lão hóa hoặc một số tình trạng sức khỏe. Hoặc đơn giản hơn có thể là tự nhiên mắt bị mờ sau một khoảng thời gian dài nhìn vào màn hình máy tính,... Mỗi một tình trạng khác nhau sẽ có những biện pháp can thiệp khác nhau.
1. Khô mắt
Mắt nhìn mờ, đặc biệt là vào buổi sáng sau khi thức dậy có thể là biểu hiện của tình trạng khô mắt. Khô mắt có thể do: khí hậu khô, không tháo kính áp tròng trước khi ngủ, nhìn vào điện thoại, máy tính liên tục,...
2. Dị ứng
Dị ứng có thể là nguyên nhân khiến mắt bị kích ứng, ngứa và dẫn tới mờ mắt. Dị ứng mắt có thể được gọi là tình trạng viêm kết mạc dị ứng.
Các biểu hiện khác của dị ứng có thể bao gồm chảy nước mũi, nghẹt mũi hoặc hắt hơi.
3. Mỏi mắt
Tình trạng mỏi mắt có thể xảy ra sau khi bạn tập trung nhìn vào một thứ gì đó trong thời gian dài mà không chớp mắt như máy tính, điện thoại di động,...
4. Trầy xước giác mạc (Corneal abrasion)
Trầy xước giác mạc là tình trạng giác mạc của mắt có vết xước, vết cắt hoặc các tổn thương nhỏ đến từ móng tay, cành cây, cọ mắt, kính áp tròng,...
Nếu tổn thương xước giác mạc nhỏ thì có thể tự lành sau một đến hai ngày, nhưng với các vết xước lớn hơn có thể cần tới can thiệp y tế khác.
Đọc thêm: Nhấn mí mắt có hại không? Tác hại của việc nhấn mí mắt
5. Thời tiết
Đôi khi việc nhiệt độ xuống quá thấp có thể khiến các mạch máu trong mắt bị co lại, tầm nhìn trở nên mờ hơn.
Không khí lạnh bao giờ cũng khô hơn so với thời tiết ấm áp, khí khô này có thể khiến mắt tự nhiên bị mờ.
6. Các tật khúc xạ
Các tật khúc xạ là vấn đề về mắt thường gặp. Chúng bao gồm:
- Viễn thị
- Cận thị
- Loạn thị (nhìn mờ hoặc méo mó)
- Lão thị (mất khả năng tập trung nhìn những vật ở gần, có thể đến tự nhiên do quá trình lão hóa).
Các tật khúc xạ thường được điều chỉnh bằng kính gọng đeo mắt, kính áp tròng hoặc phẫu thuật.
7. Viêm kết mạc
Viêm kết mạc hay còn gọi là đau mắt đỏ là tình trạng nhiễm trùng thành ngoài mắt. Viêm kết mạc có thể dẫn tới ngứa mắt, đau mắt và mờ mắt.
Đọc thêm: Viêm giác mạc mắt kiêng ăn gì?
Đau mắt đỏ có thể do virus, vi khuẩn hoặc dị ứng gây ra. Nếu nguyên nhân là do vi khuẩn, bạn cần phải sử dụng thuốc nhỏ mắt có chứa kháng sinh để điều trị nhiễm trùng.
8. Các bệnh về mắt có thể khiến tự nhiên mắt bị mờ
Có nhiều bệnh về mắt có thể gây mờ mắt như:
- Đục thủy tinh thể
- Thoái hóa điểm vàng do lão hóa
- Tổn thương dây thần kinh thị giác
- Bệnh tăng nhãn áp
- Viêm màng bồ đào
- Mắt lác
- Hội chứng khô mắt
...
9. Tiểu đường
Bệnh tiểu đường là một bệnh do rối loạn chuyển hóa có liên quan tới lượng đường máu cao, nếu biến chứng có thể gây ảnh hưởng tới mắt, nặng có thể dẫn tới mù lòa. Thông thường bệnh võng mạc tiểu đường (DR) có thể gây ra mờ mắt do các tổn thương mạch máu tại võng mạc tăng nặng.
Để điều trị bệnh, cần sử dụng thuốc kiểm soát đường máu. thuốc điều trị mắt hoặc can thiệp phẫu thuật.
10. Bệnh Graves (bệnh bướu độc lan tỏa)
Bệnh có nguyên nhân phổ biến là do cường giáp, nếu không được điều trị có thể gây ra các triệu chứng về mắt, bao gồm nhìn mờ và song thị (nhìn đôi).
11. Huyết áp cao
Huyết áp cao có thể gây tác động tiêu cực tới toàn bộ cơ thể, bao gồm các mạch máu nhỏ của mắt.
Huyết áp cao có thể khiến mạch máu của võng mạc bị thu hẹp, lưu lượng máu bị hạn chế và sưng lên. Theo thời gian, điều này có thể khiến mạch máu tại võng mạc bị hỏng và dẫn tới các vấn đề về thị lực. Đây được gọi là bệnh võng mạc do tăng huyết áp (HR)
Một số phương pháp tự nhiên giúp khắc phục tình trạng tự nhiên mắt bị mờ
Tùy thuộc vào nguyên nhân khiến mắt của bạn bị mờ là gì, nếu đơn giản bạn có thể tham khảo một số phương pháp tự nhiên và thay đổi lối sống dưới đây để cải thiện:
1. Nghỉ ngơi
Đôi mắt luôn nhạy cảm và cũng cần được nghỉ ngơi giống như các phần khác của cơ thể. Vì thế mà hãy đảm bảo bạn ngủ đủ giấc. Nếu như bạn có công việc cần ngồi trước màn hình máy tính liên tục thì hãy giải lao khoảng 20 phút một lần.
2. Làm trơn mắt
Nếu mắt bị mờ do khô thì bạn có thể chớp mắt vài lần hoặc sử dụng một miếng gạc ấm để mát-xa mí mắt một cách nhẹ nhàng. Điều này có thể kích thích các tuyến meibomius ở mí mắt.
Các loại thuốc nhỏ mắt nhân tạo cũng là một gợi ý hoặc sử dụng máy tạo độ ẩm nếu không khí quá khô. Đồng thời hạn chế để không khí từ quạt, điều hòa phả trực tiếp vào mắt, nhất là vào ban đêm.
3. Bỏ thuốc lá
Hút thuốc có thể góp phần làm tăng nguy cơ mắc các bệnh về mắt bao gồm đục thủy tinh thể, tổn thương dây thần kinh thị giác,...
Ngoài ra, khói thuốc lá cũng có thể làm tình trạng khô mắt thêm nặng hơn.
4. Tránh xa các dị nguyên
Để ngăn ngừa và điều trị dị ứng hiệu quả thì việc tránh xa các dị nguyên hay còn gọi là các nguồn dị ứng là điều rất quan trọng.
Nếu như bạn không tiếp xúc với dị nguyên mà tình trạng mắt không được cải thiện, bạn cần tới thăm khám bác sĩ sớm.
5. Bổ sung acid béo Omega-3
Nghiên cứu cho thấy acid béo Omega-3 có tác động tích cực tới những người đang bị khô mắt. Tuy nhiên, bạn cần nói chuyện với các chuyên gia y tế trước khi bổ sung bởi nếu quá nhiều có thể dẫn tới tăng nguy cơ chảy máu.
6. Bảo vệ mắt
Bảo vệ mắt trước tia UV là điều cần thiết. Hãy đeo kính râm có tác dụng ngăn cả tia UVA và UVB.
Ngoài ra, kính râm cũng có tác dụng trong thời tiết lạnh, khô,... hay nói cách khác, kính râm hữu ích trong việc cản gió làm cay mắt.
7. Vệ sinh sạch sẽ kính áp tròng
Đôi khi kính áp tròng không được vệ sinh sạch sẽ có thể gây mờ, xước mắt,.. Vì thế hãy đảm bảo nếu đeo kính áp tròng, hãy rửa tay và vệ sinh kính áp tròng đúng cách theo hướng dẫn của nhà sản xuất.
Đặc biệt, không được đeo kính áp tròng đi ngủ.
Khi nào mờ mắt cần thăm khám bác sĩ?
Nếu như tình trạng tự nhiên mắt bị mờ biến mất sau khi chớp mắt hoặc thử khắc phục tại nhà thì bạn không cần ngay lập tức tới gặp bác sĩ. Nhưng nếu như bạn nhận thấy tình trạng thị lực ngày càng giảm và tình trạng mờ vẫn còn kéo dài thì cần thăm khám sớm để được bác sĩ chuyên khoa mắt đánh giá cụ thể.
Ngoài ra nếu như bạn tự nhiên bị mờ mắt và có các biểu hiện sau đây:
- Nhức đầu dữ dội
- Gặp khó khăn trong phát âm
- Mất kiểm soát cơ thể
- Mặt xệ xuống
Thì đây có thể là dấu hiệu của một cơn đột quỵ. Hãy nhanh chóng tìm kiếm sự trợ giúp.
Nguồn: Healthline
https://afamily.vn/tu-nhien-mat-bi-mo-la-benh-gi-khi-nao-can-kham-bac-si-2022011418243306.chn
Link gốc: https://phapluat.suckhoedoisong.vn/tu-nhien-mat-bi-mo-la-benh-gi-khi-nao-can-kham-bac-si-1622218011011127.htm
Theo ttvn.vn
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.