Trong mắt của người lớn, chia sẻ và nhường nhịn là đức tính mà một đứa trẻ ngoan phải có. Khi cha mẹ, ông bà bảo con cho bạn chơi cùng hoặc nhường cho em thì ngay lập tức con phải làm liền. Có như vậy, con mới được khen ngợi là "ngoan quá!", "giỏi quá!".
Tuy nhiên, mới đây, nhà tâm lý học người Trung Quốc có tên là Hạ Thiên đã gây chú ý mạng xã hội khi lên một diễn đàn làm cha mẹ của Trung Quốc, kêu gọi các cha mẹ khác: Hãy ngưng ngay việc dạy con "biết chia sẻ".
Cô Hạ Thiên cho biết: "Khoảnh khắc nhìn thấy mẹ chồng giật chiếc xe tải nhỏ ra khỏi tay con trai, tôi thật sự tức giận. Rõ ràng khi nhìn con nước mắt lưng tròng cố gắng giữ chặt để bảo vệ chiếc xe, ai cũng dễ dàng hiểu được là con không muốn chia sẻ món đồ chơi này với người khác. Thế nhưng, mẹ chồng tôi lại phớt lờ điều đó. Bà bỏ qua cảm xúc của cháu trai, và nhất quyết bắt buộc con trai tôi phải chia sẻ đồ chơi với em gái.
Thấy vậy, tôi bước đến bên con, xoa đầu và nói: "Nếu con không muốn chia sẻ đồ chơi với người khác, con có thể từ chối". Nghe xong, con trai tôi như được cởi tấm lòng, tự tin chạy đến và lấy lại chiếc xe từ tay của em. Mẹ chồng tôi trông thấy, bất mãn lẩm bẩm: "Đúng là một đứa trẻ độc đoán và ích kỷ…". Sau đó, bà còn nhìn tôi với ánh mắt tóe lửa rồi tức tối bỏ về phòng.
Tôi biết trong mắt những người lớn tuổi, những đứa trẻ không biết chia sẻ là những đứa trẻ ích kỷ, và những đứa trẻ không biết vâng lời người lớn là những đứa trẻ vô học.
Nhưng tôi không nghĩ như vậy!".
Vì sao lại ngưng dạy con biết chia sẻ?
1. Nhận thức về quyền quan trọng hơn thể diện và tình cảm
Bà mẹ Hạ Thiên kể: "Khi tôi còn là một đứa trẻ, tôi đã từng bị tổn thương ghê gớm bởi sự "sẻ chia" và "nhường nhịn". Những đứa con của bạn mẹ tôi luôn bị các món đồ chơi của tôi thu hút, và dù tôi muốn hay không, mẹ cũng sẽ tự ý lấy chúng đưa cho người khác.
Nếu tôi khóc lóc và lấy lại, mẹ sẽ ngay lập tức kéo tôi vào nhà tắm, cau mày và đe dọa: "Họ là khách. Chúng ta phải đối xử tốt với họ, và càng không được để người khác nghĩ rằng gia đình mình keo kiệt".
Cứ như thế, nếu người khác muốn bất cứ thứ gì của tôi thì tôi sẽ bị mất chúng. Điều này làm tôi vô cùng khó chịu. Nhưng nếu không đưa thì tôi lại sợ người khác khó chịu về mình.
Tâm lý vướng víu này gần như đã theo tôi suốt những năm trưởng thành. Tôi rõ ràng không muốn đổi chỗ ngồi với bạn, vì nếu đổi tôi sẽ không nhìn rõ bảng. Nhưng cũng chỉ vì sợ các bạn giận, hay các bạn nói mình ích kỷ, tôi lại đành miễn cưỡng chiều theo ý của họ.
Vừa đọc được vài trang của cuốn truyện yêu thích mới mua, tôi cũng bị các bạn cướp mất và truyền cho nhau đọc. Khi cuốn truyện trở về với "khổ chủ" thì nó đã nhàu nát, thậm chí rách bươm, nhưng tôi chỉ biết im lặng chứ nào dám nói gì.
Sau này, khi đã học ngành tâm lý, tôi mới biết rằng nếu bạn không dám từ chối yêu cầu của người khác, ngay cả khi yêu cầu ấy vượt quá sức chịu đựng của mình, thì có nghĩa là bạn chưa tìm được giá trị của bản thân. Bạn hy vọng sẽ thấy được giá trị của mình qua lời tán dương của người khác. Đây được xem là tính cách "dễ chịu" điển hình. Nguyên nhân hình thành nên tính cách này là do "ý thức quyền lực" và "ý thức ranh giới" đã không được hình thành ngay từ khi còn nhỏ.
Giống như trong tình huống của con trai tôi vừa kể trên, nếu tôi chọn "thể diện" và "tình cảm" thì tôi đã ủng hộ cách làm của mẹ chồng. Và con tôi sẽ trở thành một người khác – một người luôn phải sống trong cảm giác bị bắt nạt và hối hận vì bản thân đã quá rụt rè, bất lực".
2. Hãy để trẻ học cách "tự vệ"
Giáo sư tâm lý học Gene Disay, công tác tại trường Đại học Chicago (Mỹ), từng nói bản chất của trẻ em là ích kỷ. Và hành vi hào phóng sẽ phát triển khi trẻ lớn dần lên. Song, có một điều thú vị là hào phóng sẽ đến theo phương thức tự nhiên, còn cách từ chối người khác thì lại cần phải học.
Cách đây vài năm, đã từng có một vụ án gây xôn xao dư luận Trung Quốc. Đó là câu chuyện một cô gái trẻ 20 tuổi khởi kiện cậu em họ 10 tuổi vì tội ăn cắp. Theo lời nguyên cáo kể thì một người họ hàng đã dẫn cậu bé đến nhà chơi. Vì sợ con chán trong khi chờ người lớn đánh bài nên đã đưa cậu bé qua phòng của chị họ chơi điện tử.
Trở về nhà sau bữa ăn tối với bạn, cô bé "chết lặng" khi bước vào phòng. Đồ đạc trong phòng hầu như bị lục tung, đặc biệt chiếc tai nghe mà cô yêu thích nhất đã không cánh mà bay. Cô gái đã gục khóc tại chỗ và quyết định đi tìm em họ hỏi cho ra lẽ.
Bố của cô bé sợ mất mặt với người nhà nên ngăn cản lại và thuyết phục con quên chuyện này đi. Nhưng cô gái vẫn quyết tìm tung tích của chiếc tai nghe. Sau đó, gia đình của bé trai biết chuyện, họ liền nói rằng họ ném nó đi rồi. Họ còn mỉa mai cháu gái: "Lớn thế rồi mà còn chơi đồ con nít". Thậm chí, bố mẹ bé trai còn bảo nếu cháu muốn, họ sẽ cho cô tiền mua được 10 cái tai nghe như thế.
Bố cô gái xấu hổ bất lực nói với con bỏ qua chuyện này đi. Vì thương bố, cô đành cắn răng nuốt bực tức vào bụng.
Tuy nhiên, chiếc tai nghe trị giá 10.000 nhân dân tệ (khoảng 33 triệu đồng) cũng đã biến mất sau một lần đến chơi của cậu bé. Lần này, cô quyết định đưa vụ việc ra pháp luật.
Có một câu nói như thế này: "Khi bạn yếu đuối, những kẻ tồi tệ nhất thường xuất hiện. Nếu bạn không biết cách bảo vệ quyền lợi của mình, bạn sẽ sống mãi trong sự thỏa hiệp".
Trong các trường tiểu học ở Anh, có một từ thường được nhắc đến, đó là Quyết Đoán. Nghĩa là thẳng thắn, tích cực, kiên quyết để đối phương công nhận quyền của mình. Vì:
Chỉ khi trẻ bày tỏ suy nghĩ, cảm xúc, nhu cầu và ý kiến của mình một cách thẳng thắn, hợp tình hợp lý, thì con mới có thể hình thành mối quan hệ thoải mái với người khác.
Chỉ khi trẻ rõ ràng về ranh giới quyền của mình, con mới có thể tiếp tục thỏa thuận.
Chỉ khi trẻ biết tôn trọng nhu cầu của mình, con mới có tự tin vào bản thân.
Vì vậy, dạy con cách tự vệ, tôn trọng và yêu thương chính mình là điều quan trọng hơn bất cứ thứ gì khác.
3. Trẻ sẽ tự tin từ chối nếu có được sự bảo vệ của cha mẹ
Đã từng có người mẹ người Mỹ chia sẻ rằng khi cô cùng cậu con trai Carson bước vào công viên, thì ít nhất có 6 đứa trẻ tiến đến chỗ Carson. Bọn trẻ yêu cầu bé trai chia sẻ Transformers, lego và xe tải đồ chơi với chúng. Nhưng Carson không muốn cho mượn nên đã ôm chặt lấy các món đồ của mình và nhìn mẹ cầu cứu.
Thay vì thuyết phục con cho các bạn chơi cùng, thật ngạc nhiên, bà mẹ đã nói: "Nếu con không muốn con có quyền nói "không" với các bạn. Chỉ cần từ chối và không có gì khác nữa".
Không đạt được mục đích của mình, những đứa trẻ quay qua nói Carson là keo kiệt, bủn xỉn. Và mẹ của bé trai đã đáp lời rằng: "Đây là đồ chơi của bạn, và bạn không có nghĩa vụ phải chia sẻ nó với người khác. Nếu muốn, bạn sẽ tự cho con mượn". Carson nhìn mẹ với ánh mắt biết ơn và tự tin bước lên phía trước để bắt đầu trò chơi của mình.
Cha mẹ cần biết rằng bắt trẻ phải chia sẻ là buộc con phải hy sinh. Hy sinh tính chiếm hữu của bản thân để làm vừa lòng người khác. Và trẻ sẽ cảm thấy mình thật vô dụng, bất lực hay mình không xứng đáng với những món đồ đó. Về lâu dài, sự hy sinh này sẽ khiến trẻ từ chối mọi điều tố đẹp.
Ngược lại, cho phép con ích kỷ sẽ giúp cho "cái tôi" của trẻ ngày càng mạnh mẽ, làm chỗ dựa vững chắc cho bản thân.
Ngoài ra, chuyên gia giáo dục trẻ em người Mỹ, cô Janet Lansbury từng bày tỏ quan điểm trong cuốn sách "Ranh giới, Tự do" rằng: "Trẻ em cần có ranh giới. Nó giống như việc lái xe qua một cây cầu trong bóng tối. Nếu không có lan can ở hai bên thành cầu, người lái xe chỉ có thể nhích từng chút về phía trước một cách rụt rè. Nhưng nếu hai bên thành cầu có lan can, họ có thể lái xe qua một cách nhanh chóng và dễ dàng đầy tự tin"
Do đó, dạy con bảo vệ quyền của mình là món quà tốt nhất mà cha mẹ nên dành cho con.
Link gốc: http://nhipsongviet.toquoc.vn/tu-viec-ba-noi-giat-do-choi-tu-tay-chau-trai-dua-cho-chau-gai-nguoi-me-da-len-tieng-keu-goi-hay-ngung-day-con-biet-chia-se-222020279113723213.htm
Theo ttvn.vn
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.