Toàn thành phố có 117 trường THPT công lập không chuyên, trong đó trường có tỉ lệ chọi cao nhất là THPT Yên Hòa, quận Cầu Giấy với 1/3,11. Trường này năm nay có hơn 2.200 học sinh đăng ký dự tuyển gồm 3 nguyện vọng, trong đó nguyện vọng 1 là 2.097 học sinh. Năm ngoái, trường dẫn đầu về tỉ lệ chọi là Tiểu học, THCS -THPT Khương Hạ với 1/3.55. Tốp 10 trường có tỉ lệ chọi cao nhất không phải là những trường có điểm tuyển sinh đầu vào lớp 10 hằng năm cao nhất.
Trong khi đó, các trường ở ngoại thành, điểm tuyển sinh đầu vào thấp, số lượng học sinh đăng ký nguyện vọng 1 thậm chí còn thấp hơn chỉ tiêu tuyển sinh. Ví dụ, Trường THPT Minh Quang, huyện Ba Vì tuyển 540 chỉ tiêu cho năm học tới trong khi nguyện vọng 1 chỉ có 342 học sinh đăng ký, tỉ lệ chọi (1/0,63). Nhiều trường khác cũng rơi vào tình trạng tương tự như: THPT Nguyễn Quốc Trinh, Bắc Lương Sơn, THPT Đại Cường, THPT Bất Bạt, THPT Đại Hoàng…
Điều đáng nói, trường có số lượng học sinh đăng ký dự tuyển nhiều nhất năm nay là THPT Tự Lập với 9.020 với 3 nguyện vọng, trong đó nguyện vọng 1 chỉ có 438 em nhưng nguyện vọng 3 lên tới con số hơn 6.000. Nhìn chung, các trường có điểm tuyển sinh đầu vào lớp 10 ở mức trung bình hoặc thấp càng có số lượng học sinh đăng ký nguyện vọng 2, nguyện vọng 3 cao. Tốp này năm nay gồm các trường như THPT Bất Bạt, THPT Đại Mỗ, THPT Chương Mỹ B, THPT Nguyễn Văn Trỗi.
Nguyện vọng trường ngoại thành tăng
Theo các chuyên gia, nhà giáo, tỉ lệ chọi vào các trường THPT qua từng năm là việc khó đoán định. Nếu như năm ngoái, tỉ lệ chọi cao nhất rơi vào một trường mới thành lập, có điểm tuyển sinh đầu vào mức trung bình ở quận Thanh Xuân thì năm nay lại rơi vào Trường THPT Yên Hoà (Cầu Giấy), nơi hằng năm có điểm tuyển sinh cao tốp đầu của thành phố. Có trường năm ngoái điểm tuyển sinh cao nhất, nhì năm nay có thể nhiều em “ngại” nên né tránh. Tuy nhiên, với sự tư vấn của giáo viên, học sinh đăng ký vào trường tốp đầu thường là những em có học lực tốt, tự tin bước vào cuộc đua.
Bà Nguyễn Thị Vân Hồng, Hiệu trưởng Trường THCS Bế Văn Đàn, quận Đống Đa nói rằng, học sinh đã đăng ký các nguyện vọng thời điểm này không thay đổi được gì nhưng việc công bố tỉ lệ chọi vào từng trường THPT là căn cứ rất quan trọng và cần thiết để học sinh biết nhằm có sự nỗ lực, bứt phá hơn trong giai đoạn nước rút trước kỳ thi. Sau khi biết số lượng học sinh dự tuyển vào từng trường, tỉ lệ chọi, học sinh có thể so sánh với tỉ lệ chọi của trường THPT năm ngoái để biết số lượng học sinh đăng ký tăng, giảm, sự cạnh tranh ra sao.
Trường có tỉ lệ chọi cao gồm: THPT Lê Quý Đôn – Hà Đông (1/2,9); Trường THPT Trần Hưng Đạo – Hà Đông (1/2.55); Trường THPT Nhân Chính - Cầu Giấy (1/2,24); Trường THPT Hoàng Văn Thụ (1/2,38); THPT Khương Hạ - Thanh Xuân (1/2,34); THPT Sơn Tây (1/2,3), THPT Đại Mỗ (1/2,24), THPT Nguyễn Thị Minh Khai (1/2,18), THPT Nguyễn Văn Cừ (1/2,15). Các trường tốp đầu hằng năm có điểm tuyển sinh lớp 10 cao năm nay tỉ lệ chọi khá cao như: THPT Phan Đình Phùng, tỉ lệ chọi 1/2,23; THPT Tây Hồ tỉ lệ chọi 1/1,94; THPT Nhân Chính tỉ lệ chọi 1/ 2,16; THPT Yên Hòa 1/ 2,29; THPT Chu Văn An có tỉ lệ chọi 1/1,61. Trường THPT Kim Liên có 1.455 học sinh đăng ký, trong đó nguyện vọng 1 là 1.410, nguyện vọng 2 là 37 và nguyện vọng 3 là 8 em, tỉ lệ chọi là 1/ 2.62; Trường THPT Việt Đức có 1.317 học sinh đăng ký cả 3 nguyện vọng, trong đó nguyện vọng 1 là 1.227 em, tỉ lệ chọi 1/1,51.
Cũng theo bà Hồng, những năm gần đây cùng với việc tăng nhanh dân số cơ học, số lượng học sinh tốt nghiệp THCS, dự thi vào lớp 10 cũng tăng. Cùng với đó, chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập không cao nên việc thi đỗ vào một trường nào đó trở thành mục tiêu của đại đa số học sinh và phụ huynh. Lí do là trường công lập có đội ngũ chuẩn chỉ, mức học phí phù hợp với túi tiền của nhiều gia đình.
“Có thể lo lắng, áp lực thi trượt các trường tốp trên thậm chí là trường tốp giữa ở các quận nội đô nên nhiều em tràn về các trường ngoại thành đăng ký nguyện vọng 2, nguyện vọng 3 như một giải pháp an toàn cho mình. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến các trường ngoại thành có số lượng học sinh đăng ký nguyện vọng 2,3 rất nhiều”, bà Vân Hồng nói.
TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội đồng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng ( Hà Nội ) cho rằng, trong cuộc đua căng thẳng, sự cạnh tranh cao để vào lớp 10 công lập, nhiều em đã cảm thấy trường nội đô khó khăn nên dạt về trường ngoại thành. Tuy nhiên khi học sinh nội đô chọn đặt nguyện vọng 2,3 vào trường cách xa hàng chục cây số cũng có thể chỉ là lựa chọn mang tính chất “cho có”, đỗ cũng không học. Tuy nhiên, các trường THCS sẽ tăng tỉ lệ học sinh đỗ trường THPT. Về phía các trường ngoại thành, khi có lượng lớn học sinh đổ về có thể sẽ tăng điểm chuẩn vì có nhiều sự lựa chọn.
Trên 1 triệu thí sinh hoàn thành đăng kí dự thi tốt nghiệp THPT năm 2024
Theo Cục trưởng Cục Quản lí chất lượng, Bộ GD&ĐT Huỳnh Văn Chương, tính đến 17h00 hôm qua, kết thúc 9 ngày đăng kí thi tốt nghiệp THPT năm 2024 trực tuyến. Trên hệ thống ghi nhận có trên 1 triệu thí sinh đăng kí dự thi. So với năm 2023, số lượng này có tăng nhưng không đáng kể. Nhưng số lượng thí sinh tự do đăng kí dự thi cao hơn năm trước tới gần 8 nghìn em. Các tỉnh, thành phố có số thí sinh đăng kí dự thi nhiều nhất gồm: Hà Nội gần 110 nghìn thí sinh; TPHCM trên 88 nghìn thí sinh; Thanh Hóa là gần 39 nghìn thí sinh. Các tỉnh có số thí sinh đăng kí dự thi ít nhất gồm: Kon Tum trên 5 nghìn thí sinh; Lai Châu: 4,2 nghìn thí sinh; Bắc Kạn: 3,1 nghìn thí sinh.
Ông Chương khẳng định đến thời điểm hiện tại về phía Bộ GD&ĐT và các ban ngành đã ban hành đầy đủ các văn bản hướng dẫn cũng như tổ chức các đợt tập huấn về kì thi. 63 tỉnh thành đã thành lập Ban chỉ đạo thi tốt nghiệp THPT năm 2024. Ông Chương lưu ý đối với các Sở GD&ĐT và các trường nơi thí sinh đăng kí dự thi thực hiện rà soát, kiểm tra, chỉnh sửa thông tin của thí sinh (nếu có) từ ngày 11-17/5. NGHIÊM HUÊ
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.