Ứng dụng mới giúp bệnh nhân phát hiện sớm khả năng di căn của 5 loại ung thư, tăng cơ hội sống

Ứng dụng hoạt động thông qua việc giải trình tự mẫu mô khối u và mẫu máu của bệnh nhân sau thời điểm phẫu thuật 2-4 tuần, giúp bác sĩ đánh giá hiệu quả điều trị và theo dõi tái phát của 5 loại ung thư.

Các thành viên của Viện Di truyền y học (TPHCM) vừa nghiên cứu và phát triển một ứng dụng mang tên K-TRACK. Đây là ứng dụng lâm sàng chung cho 5 loại ung thư vú, phổi, gan, dạ dày và đại trực tràng, giúp bác sĩ đánh giá hiệu quả điều trị và theo dõi tái phát ung thư thông qua phát hiện tồn dư tối thiểu của khối u.

Theo Viện Ung thư quốc gia Hoa Kỳ, kể cả sau khi được phẫu thuật triệt căn, khả năng cao vẫn có một lượng các tế bào ung thư tồn tại trong cơ thể (gọi là tồn dư tối thiểu của khối u) tạo thành các loại tái phát khác nhau như tái phát cục bộ, tái phát khu vực, tái phát xa (ung thư đã di căn).

Ứng dụng mới giúp bệnh nhân phát hiện sớm khả năng di căn của 5 loại ung thư, tăng cơ hội sống - Ảnh 1.

Bệnh nhân ung thư sau khi được phẫu thuật có nhiều nguy cơ tái phát (Ảnh minh họa).

Thống kê cho thấy, có 30-55% người mắc ung thư phổi không tế bào nhỏ (loại ung thư phổi phổ biến nhất) sẽ tái phát. Với ung thư phổi có tế bào nhỏ, tỷ lệ này thậm chí còn cao hơn với 7/10 trường hợp tái phát trong vòng 1-2 năm sau phẫu thuật.

Còn nguy cơ tái phát xa với ung thư vú dao động từ 10-41% trong thời gian 5-20 năm sau khi ngừng trị liệu. Tỷ lệ tái phát với ung thư dạ dày- một trong những loại ung thư gây tử vong cao nhất thế giới là 60-70% trong 2 năm kể từ khi thực hiện phẫu thuật triệt căn.

Chính vì vậy, người bệnh cần được chăm sóc chặt chẽ sau phẫu thuật. Bác sĩ cần theo dõi quá trình đáp ứng điều trị với từng cá nhân người bệnh, từ đó phát hiện sớm ung thư tái phát, tiên lượng và có phương án điều trị kịp thời, giúp cải thiện chất lượng và thời gian sống của bệnh nhân.

Hiện nay, các phương pháp thường dùng tầm soát và theo dõi trong điều trị ung thư như CT scan, MRI, PET, nội soi, scan, nhũ ảnh, X-quang... chủ yếu là các xét nghiệm hình ảnh học, nên bị giới hạn trong việc phát hiện các dấu vết của ung thư khi khối u còn rất nhỏ, chưa thể nhìn thấy bằng mắt thường. Nếu bị bỏ sót, nó vẫn có thể tiếp tục tăng sinh và gây ra ung thư tái phát.

Ứng dụng mới giúp bệnh nhân phát hiện sớm khả năng di căn của 5 loại ung thư, tăng cơ hội sống - Ảnh 2.

Ứng dụng K-TRACK hoạt động thông qua việc giải trình tự mẫu mô khối u và mẫu máu của bệnh nhân sau thời điểm phẫu thuật triệt căn 2-4 tuần (Ảnh minh họa).

Theo Viện Di truyền y học, ứng dụng K-TRACK là phương pháp khảo sát tồn dư tối thiểu của khối u ở các cơ quan gồm vú, phổi, gan, dạ dày và đại trực tràng, cung cấp thêm thông tin, bổ trợ cho các phương pháp theo dõi tái phát đang được sử dụng.

K-TRACK hoạt động thông qua việc giải trình tự mẫu mô khối u và mẫu máu của bệnh nhân sau thời điểm phẫu thuật triệt căn 2-4 tuần.

Ứng dụng này phân tích các đặc điểm riêng biệt của mẫu mô để tìm ra 5-6 loại đột biến sinh dưỡng đặc trưng nhất, sau đó tiến hành tách chiết các đoạn DNA mang đột biến và giải trình tự thế hệ mới tại độ phủ sâu lớn gấp 10.000 lần. Từ đó giúp phát hiện có hay không sự tồn tại của DNA ngoại bào được phóng thích từ khối u vào máu (ctDNA).

Với ưu điểm về độ nhạy cao, độ đặc hiệu tuyệt đối 100% cùng với việc tích hợp khảo sát đột biến cho điều trị đích, ứng dụng giúp hỗ trợ bác sĩ quyết định, theo dõi hiệu quả điều trị, tiên lượng và tầm soát sớm tái phát di căn ở giai đoạn sau phẫu thuật của bệnh nhân ung thư tốt hơn.

https://afamily.vn/ung-dung-moi-giup-benh-nhan-phat-hien-som-kha-nang-di-can-cua-5-loai-ung-thu-tang-co-hoi-song-20220601101153737.chn
 

 

Theo afamily.vn

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang