Nguy cơ viêm cơ tim
Mới đây, một công bố từ ĐH California - Davis (công bố chưa bình duyệt) về nguy cơ xảy ra biến chứng viêm cơ tim do tiêm vaccine ở nhóm 12-17 tuổi cho thấy nguy cơ với trẻ khỏe mạnh phải nhập viện do biến chứng này sau khi tiêm vaccine Pfizer/BioNTech còn cao hơn nguy cơ nhập viện do COVID-19.
Tuy vậy, trẻ có tối thiểu 1 bệnh nền thì nguy cơ này thấp hơn nguy cơ nhập viện do COVID-19. Nếu tính các tác dụng phụ viêm cơ tim, viêm màng ngoài tim, viêm màng ngoài tim co thắt, tức ngực thì nguy cơ tác dụng phụ với nam giới 12-15 tuổi sau khi tiêm 2 mũi Pfizer là xấp xỉ 1:6172, với nhóm 16-17 tuổi là 1:10.638. Với nữ giới thuộc 2 nhóm này thì nguy cơ lần lượt là 1:76.923 và 1:74.626.
Mặc dù phần lớn các trường hợp này triệu chứng có thể điều trị dứt điểm sau vài ngày nhưng nó cũng làm dấy lên lo ngại về các nguy cơ chưa biết rõ với nhóm tuổi này.
Trong khi một số vaccine đang được sử dụng dựa trên các công nghệ đã được kiểm chứng qua nhiều năm và sử dụng rộng rãi trên thế giới, các loại vaccine mới như vaccine mRNA hay adenovirus vector mới được sử dụng lần đầu ở con người nên các tác dụng phụ có thể xảy ra trong một vài năm sau khi tiêm vaccine, chúng ta không thể xác định trước được.
Theo TS Minh, việc tiêm vaccin cho trẻ em nên được cân nhắc - Ảnh Hải An.
Dưới 18 tuổi là nhóm có nguy cơ nhập viện thấp
Nhóm tuổi dưới 18 hiện nay vẫn trong nhóm có nguy cơ nhập viện và tử vong do COVID-19 thấp hơn người trưởng thành và môi trường có nguy cơ lây nhiễm cao nhất là trường học. Do đó, việc có nên tiêm vaccine sớm để các em đi học hay không cũng là vấn đề đang được cân nhắc ở nhiều quốc gia.
Một số quốc gia Châu Âu (Đức, Ý, Ireland, Phần Lan, Pháp, Tây Ban Nha, Đan Mạch, Thụy Điển, Thụy Sĩ) và Mỹ sử dụng các vaccine mRNA là Pfizer/BioNTech, Moderna cho trẻ em 12-17 tuổi, còn Trung Quốc đã chính thức sử dụng vaccine Sinovac (sắp tới là Sinopharm), UAE chính thức sử dụng vaccine Sinopharm cho nhóm tuổi từ 3 trở lên, Thái Lan, Chile và Campuchia cũng đang cân nhắc sử dụng Sinopharm và Sinovac cho nhóm tuổi từ 3 trở lên, từ 6 trở lên và nhóm 12-17 tuổi.
Chỉ có Cuba đã cho phép tiêm vaccine cho trẻ em từ 2 tuổi trở lên bằng vaccine mà Cuba đồng phát triển cùng Iran là Soberana 2 – một loại vaccine kết hợp 2 loại kháng nguyên và cũng là một loại vaccine công nghệ truyền thống.
Một số nước như Hàn Quốc, mặc dù chưa tiêm chủng cho trẻ em nhưng cũng đã dần mở cửa lại trường học. Nhật Bản cũng vẫn mở cửa trường học và chỉ có kế hoạch tiêm vaccine cho nhóm 12-17 tuổi vào kỳ nghỉ hè. Trong khi đó vaccine AstraZeneca (công nghệ adenovirus vector) đã phải ngừng thử nghiệm lâm sàng với trẻ em do lo ngại về nguy cơ đông máu sau khi tiêm vaccine.
Có thể thấy là các nước cho phép mở rộng chương trình tiêm chủng cho nhóm trẻ em có xu hướng mở rộng nhóm đối tượng xuống rất nhỏ tuổi khi dùng các vaccine dùng công nghệ truyền thống hơn, trong khi nhóm còn lại cẩn trọng hơn với giới hạn độ tuổi cao hơn. Mặt khác, việc mở cửa trường học khi vẫn chưa tiêm chủng cho học sinh vẫn có thể thực hiện được.
Do đó, tôi cho rằng không vội vàng tiêm vaccine cho nhóm 12-15 khi chưa thực hiện được >90% mũi 1 và >70% mũi 2 cho người lớn vì người lớn, đặc biệt là nhóm cao tuổi và bệnh nền có nguy cơ bệnh nặng và tử vong cao hơn.
Một số đề xuất khi tiêm vaccine phòng COVID-19 cho nhóm tuổi dưới 18 tuổi:
- Có thể cho phép tiêm vaccine cho nhóm 12-15 nếu mắc bệnh nền, đặc biệt là bệnh liên quan tới suy giảm miễn dịch.
- Có thể cho phép tiêm vaccine nhóm 16-18 để tạo điều kiện mở cửa lại các trường cấp 3, đi cùng với xây dựng mô hình phòng dịch trong trường học đảm bảo các nguyên tắc phòng dịch.
- Không ưu tiên sử dụng vaccine thế hệ mới như: Pfizer, Moderna, AstraZeneca cho nhóm này và tiếp tục theo dõi tình hình sử dụng trên thế giới để đánh giá các nguy cơ.
- Xem xét sử dụng các vaccine "truyền thống" hơn để tiêm chủng cho nhóm từ 18 trở xuống vào thời điểm thích hợp.
Các quyết định này phải dựa trên cơ sở thử nghiệm lâm sàng, có thể sử dụng từ kết quả kiểm nghiệm ở nơi khác. Hiện nay UAE đã có kết quả thử nghiệm lâm sàng tiêm chủng trẻ em từ 3 tuổi trở lên bằng vaccine Sinopharm, nước này và Trung Quốc cũng có các dữ liệu thực tế. Chúng ta cần xin tư vấn và kết quả của họ để cân nhắc chính sách vaccine trong nước.
Vaccine virus bất hoạt là nhóm vaccine đã được chứng minh tính an toàn sau thời gian dài và vẫn đang được sử dụng rộng rãi ở Việt Nam để tiêm chủng cho trẻ em (ho gà, thương hàn, tả, dịch hạch, bại liệt, bệnh dại, cúm, viêm gan A) nên có nhiều cơ sở hơn cho việc triển khai tiêm vaccine loại này cho trẻ em khi cần thiết.
- Lấy ý kiến khảo sát để lên kế hoạch tiêm chủng theo lộ trình cho các nhóm tuổi từ 18 trở xuống, cung cấp các thông tin về lợi ích và nguy cơ của các loại vaccine cho phụ huynh. Phụ huynh có nhu cầu tiêm chủng cho con được quyền lựa chọn loại vaccine và cam kết tự chịu trách nhiệm với quyết định của mình.
- Với các gia đình đang lo lắng cho con, có thể tiêm vaccine cúm mùa và phế cầu cho các cháu bên cạnh các vaccine trong chương trình tiêm chủng quốc gia, đây là cách tạo các đáp ứng miễn dịch chéo sẽ giúp các cháu đỡ gặp nguy hiểm hơn khi gặp virus. Những bé 0-3 tuổi thì nguồn kháng thể chính từ mẹ thông qua sữa, nên bà bầu và phụ nữ đang nuôi con bằng sữa mẹ cần được động viên để tiêm chủng đầy đủ.
Theo soha.vn
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.