"Vì sao người trẻ bây giờ càng ngày càng không thích kết hôn?"
Lúc tôi hỏi câu này, bạn thân tôi cắn một miếng hamburger thật to, nhồm nhoàm nói: "Không làm tao hạnh phúc được còn định chiếm một nửa cái bánh mì của tao á? Không có cửa đâu!".
Dị ứng với hôn nhân dường như đã trở thành trạng thái bình thường của người trẻ hiện đại.
Kết quả Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 cho thấy tỷ lệ ly hôn tại Việt Nam có xu hướng tăng trong 10 năm qua (năm 2009: 1,0%, năm 2019: 1,8%). Theo một nghiên cứu khác của TS Nguyễn Minh Hòa (ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn TP HCM), tỷ lệ ly hôn/kết hôn ở Việt Nam năm 2019 là 31,4%, tức là cứ ba cặp kết hôn lại có một cặp ly hôn.
Những con số này phần nào phản ánh thực trạng, 8X hối hận vì hôn nhân còn 9X thì sợ hãi không dám kết hôn. Bởi lẽ lớp vỏ bọc hoàn hảo của hôn nhân sau khi bị đập vỡ tan tành sẽ để lộ những hiện thực lạnh lẽo giá băng.
01
Một thống kê cách đây vài năm từng đưa ra con số: 70% đơn ly hôn do phụ nữ đứng tên.
Điều này có ý nghĩa gì? Mỗi năm, sẽ có cả chục nghìn đến trăm nghìn phụ nữ cảm thấy thất vọng, mệt mỏi vì chuyện hôn nhân của mình.
Người ta nói, trong tình yêu, liếc mắt nhìn nhau thấy rung động là chuyện rất dễ xảy ra, còn việc khó khăn là có thể gắn bó lâu dài. Tình yêu luôn rất dễ dàng, đôi ba câu tình tự tâm đầu ý hợp là đã nghĩ ngay đến chuyện bên nhau một đời. Thế nhưng khi một cuộc hôn nhân tan vỡ, người con gái sẽ phải chịu rất nhiều tổn thương. Đó là còn chưa kể nhiều cô gái luôn coi hôn nhân như một cuộc đầu tư tràn ngập tính rủi ro.
Có người từng nói:
"Kết hôn giống như việc ký hợp đồng trong kinh doanh. Song phương đều cần đưa ra tài nguyên mình có, nhưng tài nguyên mà bên nam và bên nữ có thể đưa ra lại không giống nhau. Đó có thể là cơ thể, là khả năng sinh nở, là ngoại hình, là quan hệ gia đình, cũng có thể là tiềm lực phát triển trong tương lai.
Thế nhưng thông thường, bên nữ sẽ phải trả giá sớm hơn khi họ cần sinh con đẻ cái, chăm sóc gia đình; còn vai trò của người đàn ông lại phát huy muộn hơn, vào khoảng độ sau 30-40 tuổi.
Như vậy, sẽ luôn có một bên phụ trách bón phân, một bên lại thu hoạch, điểm này là chưa công bằng".
Phải gánh vác nhiều rủi ro hơn, việc con gái chần chừ không muốn tiến tới hôn nhân là điều dễ hiểu.
02
Không chỉ kết hôn có rủi ro mà sau khi kết hôn, mang thai, sinh con, nuôi con... tất cả đều khiến con đường hôn nhân của con gái bấp bênh hơn.
Y học phân loại cảm giác đau đớn của con người thành 10 mức độ. Trong đó, đau đẻ có thể đạt tới mức cao nhất là mức 10, đau hơn khi bị gãy xương sườn hay đầu ngón tay bị kim đâm.
Trước đây, trên mạng từng chia sẻ về câu chuyện một người vợ đưa chồng đi làm thử thách trải nghiệm cảm giác đau bụng khi sinh con. Trước khi đeo dụng cụ lên, anh chồng này còn tỏ vẻ khinh khỉnh nhưng mới trải nghiệm đến mức 4, anh này đã liên tục xin đầu hàng, đồng thời không quên cảm thán: "Người làm mẹ thực sự vĩ đại!".
Đàn ông thường không tưởng tượng được cảm giác đau đớn ấy, luôn nghĩ rằng sinh con là việc dễ dàng. Thế nhưng sinh con có thể gây nguy hiểm cho tính mạng người phụ nữ, ai sẽ chịu trách nhiệm?
Từng có một sản phụ được đẩy vào phòng sinh, trước khi gây mê đã kéo áo bác sĩ van nài: "Nếu chẳng may xảy ra chuyện gì, cứu người lớn, ngoài kia nói gì bác sĩ cũng đừng nghe nhé". Mỗi lần đọc được tin này, tôi đều thấy xót xa, nhưng nó lại hiện thực đầy phũ phàng đấy.
Phụ nữ sinh con giống như dạo qua cửa tử một chuyến, không ai biết giây tiếp theo sẽ xảy ra chuyện gì. Mà sau khi sinh, phụ nữ còn phải chịu thêm rất nhiều nỗi đau khác nữa như mất ngủ, tắc sữa, trầm cảm...
Vì không cần đối diện nên phần lớn đàn ông sẽ không hiểu. Họ sẽ nghĩ "Đàn bà con gái ai mà chẳng thế, sao đến cô lại kêu ca đủ đường". Họ sẽ lấy cớ "Tôi phải nuôi gia đình" để trốn tránh trách nhiệm làm một người chồng, một người chà.
Lúc mang thai, chân tay người vợ sưng phù đi đứng khó khăn thì liên quan gì đến họ?
Lúc sinh con, người vợ đau bụng mười mấy tiếng, thở dốc mệt mỏi, họ có thể xót nhưng cũng chẳng làm gì thay được.
Lúc con tỉnh giấc vì đói, khóc oe oe lúc nửa đêm, người vợ phải dậy cho con bú, còn họ có thể sẽ chê con ồn ào mà trốn sang phòng khác ngủ mê say.
Lúc con lớn có thể chạy nhảy, người vợ sáng phải đi làm, chiều phải nấu cơm, dọn nhà, trông con... Thậm chí còn phải lo luôn cho đứa trẻ to xác là chồng mình.
Vì sao con gái bây giờ ngại kết hôn? Chẳng qua là vì họ thấy được những kết quả như thế này.
Trong quá khứ, ý nghĩa kinh tế học của hôn nhân là làm giảm chi phí cuộc sống. Còn hiện tại, hôn nhân không còn là nơi ẩn náu bình yên của con gái mà đã trở thành cái cớ cho những người đàn ông không thích gánh vác trách nhiệm.
Có một vài người ở bên nhau có thể giúp nhau cùng tiến bộ, và cũng có một vài người, ở bên nhau lại trở thành vật cản kéo chân đối phương.
03
Tôi từng đọc bài phỏng vấn của một luật sư ly hôn nổi tiếng. Vị luật sư này nói, trong tất cả các vụ ly hôn bà từng nhận, có một vụ khiến bà nhớ mãi chỉ vì một câu nói từ người chồng:
"Ly hôn thì ly hôn, trả lại nhẫn cho tôi".
Đàn ông bây giờ là vậy đấy, đừng nói là nhẫn vàng nhẫn bạc nhẫn kim cương, có đôi khi chỉ là cuộn giấy vệ sinh hay một túi rác họ cũng sẽ phân chia rạch ròi. Nhiều anh cho rằng đồ ai thì người ấy được quyền nhận về, đồ của tôi cô đừng hòng động vào, phải chăng họ chưa bao giờ nghĩ sự hy sinh suốt bao năm qua của vợ họ ai sẽ là người bồi thường ư?
Lúc yêu nhau thì thề non hẹn biển, lúc ly hôn lại tuyệt tình hết cỡ.
Hôn nhân không lâu bền không đáng sợ, đáng sợ là bên nhau đến gần cuối con đường rồi mới thấy được bộ mặt xấu xí nhất của người mình từng yêu.
Vì sao 9X bây giờ không thích kết hôn?
Không phải vì họ không tin vào tình yêu nữa mà là vì họ đã nhìn thấu bộ mặt của hôn nhân.
04
Có một câu nói tôi cảm thấy cực kì tâm đắc, đó chính là: "Trong cuộc đời mình, con gái nhất định phải đặt bản thân ở vị trí đầu tiên".
Bạn chính là bạn, bạn không phải tập tiếp theo của bố mẹ bạn, bạn không phải tập mở đầu cho con cái bạn, lại càng không phải tập bổ sung cho chồng bạn.
Con gái phải coi việc theo đuổi ước mơ, tham vọng cao xa hơn hôn nhân. Bởi lẽ hôn nhân đối với con gái giống như con dao 2 lưỡi. Nó có thể thỏa mãn khát vọng của bạn đối với tình yêu, đối với gia đình nhưng đồng thời, nó sẽ dễ dàng đẩy bạn vào hoàn cảnh nguy hiểm, sảy chân một cái là tứ cố vô thân. Chỉ khi bạn đủ mạnh mẽ đến độ không sợ ly hôn thì hôn nhân mới thực sự có ích.
Tôi hy vọng các cô gái luôn có đủ dũng khí để yêu một ai đó nhưng cũng đủ cả quyết tâm để có thể làm lại mọi thứ từ đầu.
Kết hôn chỉ là một câu hỏi mang tính lựa chọn của cuộc đời bạn chứ không phải câu hỏi bắt buộc phải có câu trả lời.
Bạn có thể tin vào hôn nhân và tin rằng bản thân xứng đáng có được một tình yêu tốt đẹp. Nhưng bạn cũng cần hiểu rằng cuộc đời này còn nhiều điều tốt đẹp lắm: ánh nắng ấm áp, trà sữa ngon lành, wifi căng đét, pin đầy vạch... Bạn cần gì phải chăm chăm với suy nghĩ nên kết hôn để cuộc đời viên mãn?
Hôn nhân chất lượng thấp chẳng bằng một mình mà sống chất lượng cao.
Khi bạn có bánh mì trong tay thì mới có thể an tâm mà chờ người sẽ mang tình yêu đến cho bạn.
Ảnh: Weibo
Link gốc: http://baodansinh.vn/vi-sao-con-gai-cang-ngay-cang-ngai-ket-hon-22020129235113235.htm
Theo ttvn.vn
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.