Dù tính cách, thói quen khác nhau nhưng hầu hết các mẹ đều có chung nhận định: các bé ở nhà đang chơi rất ngoan, nhưng mỗi khi thấy mẹ ở bên là bé lập tức lên cơn quấy khóc, khó chịu ra mặt và quấn lấy mẹ không rời.
Có mẹ kể đôi khi vì bận việc nên muốn rời khỏi nhà khoảng vài phút, thế nhưng không hiểu sao bé kiên quyết không cho mẹ rời đi và tỏ vẻ như sắp trải qua một trận "sinh ly tử biệt". Chỉ cần gặp chuyện không vừa ý, bé sẽ khóc thút thít "ăn vạ" khiến mẹ khổ tâm vô cùng. Rốt cuộc nguyên nhân là tại sao?
1. Trước 3 tuổi, mẹ là người thân thuộc với bé nhất
Kể từ khi mẹ mang nặng đẻ đau cho đến khi bé chào đời, bé vẫn luôn uống dòng sữa mát lành của mẹ, nằm bên cạnh mẹ. Trên thế giới này, người thân thuộc nhất với bé chính là mẹ và bé cũng đã quen với mùi hương ngọt ngào của mẹ.
Trước khi trở thành một cá thể tự lập, bé sẽ trải qua một thời gian rất dài để trưởng thành. Trong giai đoạn này, mẹ không nên đẩy bé ra khỏi mình, mẹ cần cho bé thêm thời gian để thích ứng trước khi rời xa vòng tay của mẹ.
2. Bé không cần kiêng dè điều gì trước mặt mẹ
Các chuyên gia nhi khoa của Hoa Kỳ đã chỉ ra: Khi mẹ không ở nhà, bé sẽ tỏ vẻ ngoan ngoãn như thiên thần trước mặt bảo mẫu hoặc người nhà của bé. Đây không phải dấu hiệu chứng tỏ bé đã trưởng thành, mà bé chưa đủ tin tưởng người đối diện nên không dám thăm dò điểm giới hạn của người khác.
Không tỏ ra hư trước mặt người khác là cách bé đang tự bảo vệ chính mình, đây cũng là biểu hiện cho thấy bé đã phần nào lớn lên. Bé hiểu rằng, trước mặt mẹ nếu bé quấy khóc và nhõng nhẽo thì bé vẫn được mẹ tha thứ. Nhưng đối với người khác, bé không dám chắc sẽ được bao dung, thứ tha như điều mẹ vẫn làm.
3. Bé che giấu ấm ức trong lòng và tìm người bộc lộ cảm xúc
Trải nghiệm này chúng ta sẽ thường thấy ở công sở. Khi chúng ta chịu ấm ức tại công sở sẽ không biểu hiện ngay trước mặt sếp hoặc đồng nghiệp. Thay vào đó, chúng ta sẽ trút hết những cảm xúc ấm ức lên người thân của mình. Trẻ con cũng giống như người lớn, chúng sẽ mang những cảm xúc không vui bộc lộ với người thân thiết nhất.
4. Bé cảm thấy lo lắng khi tách rời mẹ
Ngày nay, nhiều người mẹ vừa bận rộn việc công sở, vừa phải lo toan việc nhà. Thời gian mẹ dành cho bé chỉ vỏn vẹn vài tiếng đồng hồ, do đó khi bé không thấy mẹ, bé sẽ tự hỏi: "Mẹ đâu rồi?", "Mẹ có trở về với bé không?", "Mẹ không yêu bé nữa sao?".
Đó là lý do mỗi khi mẹ rời khỏi bé, bé sẽ nảy sinh cảm giác ly biệt nên lập tức tỏ vẻ sợ hãi. Đây chẳng qua là trạng thái bé muốn nhận được sự quan tâm của mẹ.
Suy cho cùng, trẻ tỏ vẻ quấy khóc, nhõng nhẽo trước mặt mẹ chính là đang phơi bày bản chất thật của mình. Thay vì buồn bực vì con không ngoan khi có mẹ ở bên, mẹ nên cảm thấy hạnh phúc bởi ít nhất trẻ đang mở rộng cánh cửa tâm hồn để mẹ bước vào thế giới của con.
Mẹ nên hành xử thế nào với những bé tỏ vẻ không ngoan khi mẹ ở bên?
Trước tiên, mẹ cần phải hiểu rằng, những bé thích ở nhà, thích bộc lộ cảm xúc với người nhà là do bé được người thân thấu hiểu và lắng nghe. Những đứa trẻ được mẹ thấu hiểu khi lớn lên sẽ biết cách thể hiện khi hòa nhập với xã hội. Mẹ hãy lắng nghe, thấu hiểu, bầu bạn với trẻ, đây là cách thiết lập tình mẹ con hài hòa và bền vững nhất.
Những đứa trẻ tỏ ra sợ hãi mỗi khi mẹ rời khỏi nhà, là bởi bé không biết rõ khi nào mẹ biến mất, khi nào mẹ sẽ trở về. Để hóa giải cảm xúc lo lắng, bất an của trẻ, mẹ cần thông báo cụ thể mốc thời gian mẹ sẽ trở về. Chẳng hạn: "Sau khi con ăn xong, mẹ sẽ trở về", "Sau khi con ngủ trưa, mẹ sẽ trở về", "Mẹ đi làm đây, đến chiều mẹ sẽ trở về".
Điều cuối cùng, các mẹ cần tỏ ra nhẫn nại với bé. Cho dù bé ngỗ nghịch, quấy khóc thì mẹ vẫn nên kiểm soát cơn giận của chính mình. Khi mẹ dịu dàng và lắng nghe cảm xúc của bé, bé sẽ cảm nhận cảm giác an toàn khi ở bên mẹ.
Link bài gốc: http://helino.ttvn.vn/helino/vi-sao-dua-tre-nao-cung-dang-ngoan-nhu-thien-than-nhung-he-thay-me-la-lap-tuc-nhong-nheo-2220191312212959583.htm
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.