Vì sao sống lành mạnh vẫn mắc ung thư phổi?

(lamchame.vn) - Mới đây, thông tin diễn viên Mai Phương, Lê Bình nhập viện vì ung thư phổi khiến nhiều người lo lắng về căn bệnh này. Ở Việt Nam, ung thư phổi là một trong những loại ung thư thường gặp nhất, không chỉ tấn công những người thường xuyên hút thuốc, ung thư phổi “không tha” cả những người có lối sống lành mạnh.

Tỷ lệ phụ nữ mắc bệnh ngày càng cao

Theo thống kê, đàn ông Việt Nam mắc ung thư phổi nhiều gấp 2,5 lần phụ nữ. Hút thuốc là nguyên nhân chính. Khói thuốc lá liên quan khoảng 90% ung thư phổi. Tuy nhiên, không chỉ những người hút thuốc mới mắc bệnh, những người thường xuyên hút thuốc lá thụ động tăng nguy cơ ung thư phổi 20-50%.

Thông tin nữ diễn viên Mai Phương bị ung thư phổi khiến nhiều người ngỡ ngàng

Thời gian gần đây, người ta phát hiện ra tỷ lệ mắc ung thư phổi ở nữ giới càng ngày càng tăng. Một nghiên cứu tại Trung Quốc đã chỉ ra rằng, nguyên nhân chủ yếu khiến chị em mắc ung thư phổi là từ khói dầu mỡ trong quá trình nấu ăn. Do đó, ngoài đối tượng hút thuốc lá hoặc thường xuyên hút thuốc lá thụ động thì những người làm công việc nấu nướng, thường xuyên nấu ăn trong bếp kín gió, không có quạt hút mùi…là đối tượng nguy cơ mắc ung thư phổi cao. Kế đến là những người làm việc trong môi trường ô nhiễm, trong hầm mỏ, nhà xưởng… Ngoài ra, người bị lao phổi, giãn phế quản, bệnh phổi mãn tính cũng nằm trong đối tượng nguy cơ mắc bệnh cao.

Ung thư phổi là loại ung thư “hiểm hóc”, khó điều trị. Khi phát hiện lúc ung thư giai đoạn khối u còn khu trú, chưa di căn thì tỷ lệ sống sau 5 năm là 50%. Tuy nhiên, do triệu chứng bệnh mơ hồ, nghèo nàn nên số người phát hiện bệnh ở giai đoạn này chỉ là 15%.

Những ai nên đi khám?

GS-BS Nguyễn Chấn Hùng, Chủ tịch hội Ung thư Việt Nam cho biết, nhiều triệu chứng của ung thư phổi mới đầu rất mập mờ, do đó dễ bị bỏ qua hoặc nhầm lẫn với bệnh khác, khiến khó phát hiện sớm. Ung thư phổi sớm có thể không có triệu chứng đặc hiệu. Mới đầu triệu chứng chỉ là ho húng hắng, dai dẳng - khá giống với triệu chứng cảm ho thông thường. Sau đó tới sưng phổi, nặng ngực, sụt cân vô cớ, không thèm ăn. Về lâu triệu chứng càng xấu hơn như đau vai đau lưng thường xuyên, ho ra máu, thở ngắn đi, khàn tiếng, đàm dính máu, phù vùng mặt cổ…Để có thể chẩn đoán ung thư phổi, bác sĩ phải dùng ống soi mềm đưa vào cuống phổi để xem và sinh thiết, nội soi phế quản. Nhiều trường hợp khó định bệnh, bác sĩ phải mở lồng ngực để sinh thiết.

Theo các chuyên gia ung thư, người dân cần đi khám sàng lọc định kỳ 2 lần/năm, những người trẻ có thể duy trì 1 lần/năm. Khi có dấu hiệu nghi ngờ, bệnh nhân cần tới chuyên ngành hô hấp khám kỹ và đưa ra biện pháp điều trị.

Trong đó, những đối tượng cần đi kiểm tra sức khỏe định kỳ để phát hiện ung thư phổi bao gồm:

-  Nam giới ngoài 50 tuổi.

-  Người có tiền sử nghiện thuốc lá, tiếp xúc nhiều khói thuốc.

-  Người nghiện rượu, bia.

-  Người thường xuyên tiếp xúc với các hóa chất độc hại.

-  Người sống và làm việc trong môi trường bị ô nhiễm.

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang