Vì sao thai nhi lại đạp trong bụng mẹ? Khi nào mẹ cảm nhận được bé đạp?

(lamchame.vn) - Bất kỳ mẹ bầu nào cũng đều mong muốn cảm nhận được những cú đạp đầu đời của con trong bụng mình. Đó là sợi dây liên kết thiêng liêng tình cảm mẹ con, ngoài ra còn giúp mẹ biết được con có đang phát triển khỏe mạnh. Vậy khi nào mẹ bầu cảm nhận được bé đạp?

Vì sao thai nhi lại đạp trong bụng mẹ?
Thai máy là hiện tượng thai nhi trong bụng mẹ có những cử động như co, duỗi, xoay trở, đạp chân..., tuần thai càng nhiều thì người mẹ càng dễ cảm nhận được những cử động thai này. Ở những tuần thai nhi còn nhỏ thì mẹ khó cảm nhận được. Nhiều mẹ cảm nhận thai máy như con cá nguẩy đuôi, như bắp rang nổ, vì vậy rất nhiều người mẹ nhầm tưởng mình đói bụng, đầy hơi. Nhưng kể từ những cử động đầu tiên ấy, bé sẽ ngày càng mạnh mẽ hơn và chẳng bao lâu sau mẹ sẽ dễ dàng xác định được đâu là những cử động thai.

 

Ảnh minh họa

Thai máy thể hiện tình hình sức khỏe của thai nhi trong bụng mẹ. Thai nhi khỏe mạnh thì sẽ có những cử động thai nhất định trong ngày (trừ khi thai nhi ngủ), nếu như số lần thai máy giảm đi thì đó chính là dấu hiệu cảnh báo thai nhi đang gặp vấn đề, trường hợp thai nhi không máy trong một vài ngày hay máy yếu thì rất có khả năng thai bị suy hoặc bị lưu thai, chính vì thế các bà mẹ mang thai phải đặc biệt lưu ý vấn đề này, theo dõi và đếm cử động thai mỗi ngày là việc làm cần thiết.

Thai bao nhiêu tuần thì đạp?
Theo các bác sĩ chuyên khoa, ở tuần thứ 9 của thai kỳ, các bé đã bắt đầu đạp trong bụng mẹ. Tuy nhiên, ở thời điểm đó, những chuyển động của bé chỉ được phát hiện khi siêu âm. Được biết, thông thường những người mang thai con thứ sẽ cảm nhận những cú đạp của con tốt hơn so với những người sinh con đầu lòng.

Khoảng tuần thứ 18, 19 của thai kì, mẹ thường xuyên nhận ra hoạt động của thai nhi qua những lần va chạm vào thành bụng. Có nhiều mẹ cảm nhận được sự chuyển động của con từ rất sớm khi mới ở tuần thứ 13 của thai kì.

Đến sau tuần thứ 24, các mẹ cảm nhận được bé đạp thường xuyên hơn. Trên thực tế thì bé không chỉ đạp mà còn có rất nhiều hoạt động khác như nấc, quơ tay, quay người, lộn nhào… Đa số các mẹ sẽ có cảm giác thai đạp nhiều vào buổi tối và buổi sáng.

Ảnh minh họa

Khi nằm nghiêng bên trái mẹ cảm thấy thai nhi đạp nhiều hơn bình thường. Ở tuần thứ 36 của thai kì, mẹ có thể cảm nhận bé giảm số lần đạp, điều này là do trọng lượng của bé ngày càng tăng, vì vậy không gian trong bụng mẹ trở nên chật hẹp.

Việc cảm nhận cử động của thai nhi không chỉ phụ thuộc vào tuổi thai mà còn tùy thuộc lượng nước ối nhiều hay ít, thành bụng mẹ dày hay mỏng. Thêm vào đó, các mẹ mang thai lần đầu sẽ chậm cảm nhận những cử động thai máy hơn so với các mẹ đã mang thai lần 2, lần 3.

Những tháng cuối của thai kì, mẹ bầu phải theo dõi số lượng máy của thai kỳ vì điều này nói lên sức khỏe của thai nhi. Mỗi lần theo dõi 1 giờ, trong lúc tỉnh thai nhi cử động 3-4 lần/một giờ, và cử động thai sẽ giảm dần khi gần đến ngày dự sinh. Nếu thai nhi máy ít hơn chuẩn này thì có thể bé đang ngủ hoặc có thể trẻ gặp rắc rối về súc khỏe, còn nếu thai nhi cử động quá nhiều thì rất có thể thi bị stress ảnh hưởng trực tiếp từ mẹ qua.

Nếu mẹ bầu ngồi hoặc nằm quá lâu ở một tư thế cũng có thể khiến thai nhi đạp nhiều, nhưng cú đạp này chứng tỏ bé đang khó chịu. Để mẹ và bé cảm thấy thoải mái nhất, mẹ bầu nên thay đổi tư thế. Khi nằm, mẹ có thể nằm nghiêng sang trái hoặc dùng một chiếc gối để kê dưới chân hoặc sau lưng để cả hai mẹ con cảm thấy được thoải mái nhất.

Ở những tháng cuối thai kỳ thai phụ hay nhầm lẫn giữa thai máy với cơn gò tử cung. Cơn gò tử cung sẽ làm toàn bộ phần bụng cứng chắc lên và có thể gây đau, trong khi đó thai máy chỉ tác động ở một vùng bụng mà thôi.


Thai nhi đạp thế nào là nguy hiểm?
Từ tuần 28 của thai kỳ trở đi, các bé đã có khả năng cử động khoảng 10 lần trong vòng 12 tiếng đồng hồ. Thậm chí, với những bé hiếu động thì số lần cử động này có thể lên tới khoảng 30 lần. Đây chính là thời điểm các bác sĩ sẽ tư vấn cho bạn cách theo dõi sức khỏe của bé bằng việc đếm số lần đạp của con.

Để xác định thai nhi có ổn hay không, mẹ bầu nên ghi nhớ số lần đạp của con bằng cách ghi chép lại. Mỗi lần theo dõi 1 giờ, trong lúc tỉnh thai nhi cử động 3-4 lần/ giờ và cử động thai sẽ giảm dần khi gần đến ngày dự sinh.

Mẹ hãy cộng tổng số lần thai cử động trong 12 giờ. Nếu trên 30 lần thì bình thường, nếu dưới 20 lần thì có thể thai nhi bị ngạt trong tử cung và dưới 10 lần thì đó là dấu hiệu cảnh báo bé đang gặp nguy hiểm.

Nếu thấy số lần bé đạp ít hơn bình thường, mẹ hãy thử uống một ly nước lạnh hoặc đi bộ xung quanh xem có chút thay đổi gì không. Nếu không có dấu hiệu gì của việc bé chuyển động thì mẹ phải đến gặp bác sĩ. Chỉ có bác sĩ chuyên khoa mới cho bạn câu trả lời chính xác nhất.

Ngoài ra mẹ cũng phải đi bệnh viện ngay nếu nhận thấy:
- Cảm thấy ít hơn 10 cử động trong vòng 2 tiếng.
- Giảm hoặc không cử động khi có các kích thích bên ngoài như tiếng ồn lớn, vỗ nhẹ vào bụng...
- Giảm dần các chuyển động trong hơn 2 ngày liên tiếp.

Theo Thành viên diễn đàn lamchame.com tổng hợp

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang