Viêm mũi dị ứng, căn bệnh ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng cuộc sống, 2 việc có thể làm để giảm triệu chứng khó chịu của bệnh

Viêm mũi dị ứng không đe dọa tính mạng nhưng biến chứng có thể xảy ra, gây ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng cuộc sống. Gần đây, theo một số nghiên cứu thống kê tỷ lệ viêm mũi dị ứng chiếm 10-20% dân số tùy quốc gia.

Viêm mũi dị ứng là gì

Viêm mũi dị ứng là tình trạng viêm của niêm mạc mũi, những triệu chứng bao gồm: Chảy nước mũi, nghẹt mũi, ngứa mũi. Triệu chứng cũng có thể biểu hiện ở mắt, ở tai, ở xoang và hầu họng.

Viêm mũi dị ứng thường khởi phát ở thời trẻ, thời niên thiếu và thời kỳ đầu của tuổi trưởng thành. Viêm mũi dị ứng thường khởi phát ở tuổi 8 đến 11 tuổi (40%), nhưng có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi. 80% trường hợp viêm mũi dị ứng tiến triển biểu hiện triệu chứng rõ ở độ tuổi 20.

Triệu chứng của viêm mũi dị ứng

Nhảy mũi, ngứa mũi, mắt, tai, chảy mũi, nghẹt mũi, mất mùi, nhức đầu, đau tai, chảy nước mắt, mắt đỏ, phù nề mắt, mệt mỏi, buồn ngủ, khó chịu…

Viêm mũi dị ứng, căn bệnh phổ biển có ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng cuộc sống - Ảnh 1.

Phân loại viêm mũi dị ứng

Viêm mũi dị ứng quanh năm: Những triệu chứng xuất hiện quanh năm.

Viêm mũi dị ứng theo mùa: Các triệu chứng chỉ xuất hiện vào những mùa đặc biệt hoặc triệu chứng có quanh năm nhưng lại năng hơn theo mùa (thường là mùa lạnh hoặc khi thay đổi thời tiết).

Viêm mũi dị ứng không thường xuyên: Xảy ra từng đợt khi có tiếp xúc với tác nhân dị ứng như bụi nhà, bụi môi trường, nấm mốc, phấn hoa… gây triệu chứng dị ứng từng đợt.

Viêm mũi dị ứng nghề nghiệp: Do tiếp xúc với tác nhân dị ứng tại nơi làm việc, tùy theo tính chất đặc thù của nghề nghiệp, có thể gây viêm mũi dị ứng theo từng đợt, theo mùa hoặc quanh năm…ví dụ bác sĩ thú y liên quan đến lông thú, nông dân liên quan đến thời vụ, thợ mộc liên quan đến bụi gỗ….

Các yếu tố xúc tác khởi phát triệu chứng của viêm mũi dị ứng

- Hít phải bụi phấn hoa ngoài trời, bào tử nấm mốc từ môi trường làm việc, đặc biệt là lông thú và bụi trong lúc lau nhà…

- Những yếu tố làm trầm trọng thêm triệu chứng của viêm mũi dị ứng chẳng hạn như khói thuốc lá, môi trường ô nhiễm và những chất nặng mùi…

Viêm mũi dị ứng, căn bệnh phổ biển có ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng cuộc sống - Ảnh 2.

Lông động vật nuôi cũng là một yếu tố khởi phát các triệu trứng của viêm mũi dị ứng

Đối tượng nào dễ mắc viêm mũi dị ứng

Yếu tố di truyền có vai trò lớn trong viêm mũi dị ứng, gia đình có cơ địa dị ứng thì bản thân có nhiều khả năng bị dị ứng. Nguy cơ viêm mũi dị ứng cao hơn nếu cả bố và mẹ có cơ địa dị ứng. Tuy nhiên, ngay cả những người không có gia đình có tiền sử dị ứng thì vẫn có thể bị viêm mũi dị ứng.

Những biện pháp làm giảm nhẹ triệu chứng của viêm mũi dị ứng

Tránh tiếp xúc với các yếu tố gây kích thích, khởi phát dị ứng:

- Vệ sinh nhà cửa, môi trường xung quanh sạch sẽ, thường xuyên giặt giũ, thay vỏ chăn ga gối nệm ít nhất là mỗi 2 tuần một lần bằng nước ấm hoặc phơi ngoài trời nắng to để diệt tất cả các loại mạt bụi.

- Đeo khẩu trang khi đi ra ngoài để tránh tiếp xúc với các loại phấn hoa hay nấm mốc trong không khí.

- Đối với dị ứng nghề nghiệp: nếu không thể tránh được thì nên đeo khẩu trang, mặt nạ để tránh hít phải bụi nghề nghiệp.

- Nên tránh tiếp xúc đối với chất kích thích làm nặng thêm tình trạng dị ứng như khói thuốc lá, chất nặng mùi, hương liệu, nước hoa, môi trường ô nhiễm.

Một số cách làm giảm triệu chứng gây khó chịu của viêm mũi dị ứng:

- Dùng thuốc: Thuốc kháng dị ứng và chống nghẹt mũi theo hướng dẫn của bác sỹ.

- Vệ sinh mũi họng thường xuyên bằng nước muối sinh lý hoặc nước muối pha loãng: Dung dịch nước muối tự pha hoặc nước muối sinh lý dạng vòi xịt có bán sẵn dùng để xịt mũi và ngậm súc họng thường xuyên giúp bạn giảm bớt khó chịu khi các triệu chứng của viêm mũi dị ứng khởi phát, mặt khác nó còn giúp dự phòng nhiễm khuẩn dẫn đến các bệnh hô hấp khác.

Theo Pháp luật và bạn đọc

 

 

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang