1. Với các em nhỏ phải đi học hoặc công nhân/nhân viên văn phòng có cần đeo khẩu trang trong lớp/văn phòng không?
PGS.TS Trần Đắc Phu (Nguyên Cục trưởng Cục y tế dự phòng) cho biết, đeo khẩu trang giúp phòng chống bệnh đường hô hấp rất tốt nhưng chúng ta phải xác định ở mức độ nào, nguy cơ nào, trường hợp nào, lúc nào thì dùng khẩu trang.
Hiện nay, dịch chưa lây lan mạnh mẽ trong cộng đồng, người dân nên dùng khẩu trang ở nơi có nguy cơ lây lan cao như khi đi phương tiện công cộng, đến bệnh viện. Nếu ngồi trong lớp học, văn phòng làm việc thì không cần thiết phải đeo khẩu trang vì cũng có thể gây bí thở... Điều quan trọng là khi ho, hắt hơi cần dùng mặt trong khuỷu tay che miệng, tránh lây nhiễm virus cho người khác.
2. Nên rửa tay bằng nước rửa tay sát khuẩn, nhưng trong đó lại có cồn, có an toàn với trẻ em để loại trừ virus corona không?
PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng (Nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai) nhận định, cồn 70% có tính sát khuẩn nhanh, không cần rửa lại với nước an toàn với cả trẻ em lẫn người lớn. Nhưng nếu có thời gian thì tốt nhất nên rửa bằng nước và xà phòng thường, không cần sát khuẩn lại bằng cồn để diệt khuẩn cũng như diệt các loại virus khác nhau.
3. Với con nhỏ, tôi có cần phải hạn chế ôm hay tiếp xúc gần con vì tôi đi làm, tiếp xúc với nhiều người trong ngày không?
Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, hiện nay trẻ nhỏ được nghỉ học ở nhà để phòng chống dịch bệnh corona trong khi người lớn vẫn phải đi làm bình thường, phải tiếp xúc với nhiều người. Điều này không đảm bảo tuyệt đối cơ thể bạn không bị lây nhiễm virus qua quần áo, đầu tóc... nên tốt nhất hạn chế tiếp xúc với con cái, đặc biệt hạn chế thể hiện sự yêu thương như ôm hôn. Trong quá khứ chúng ta từng chứng kiến bao vụ trẻ thiệt mạng chỉ vì một cái ôm hôn của người lớn rồi phải không?
4. Con tôi ở nhà trẻ thường xuyên tiếp xúc với đồ chơi chung thì tỉ lệ mắc có cao không?
PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng cho rằng, đồ chơi là thứ đồ dùng trẻ nhỏ rất thích cầm nắm, chơi đùa cùng với các bạn khác. Chưa kể trẻ nhỏ không có ý thức bảo vệ sức khỏe, thường xuyên cầm bằng tay từ bé này sang bé khác.
Thêm vào đó, khả năng cho đồ chơi vào miệng ngậm rồi lại cầm chơi, chuyển cho bé khác và quy trình tiếp diễn... Điều đó cho thấy tỉ lệ mắc bệnh do nhiễm virus cực lớn, không loại trừ virus corona vốn được nhận định có thể lây truyền qua nước bọt, hắt hơi, cầm nắm tay...
5. Trường hợp trẻ em dưới 1 tuổi nhiễm virus corona có nguy hiểm không?
Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, bất cứ trẻ em nào dưới 1 tuổi bị nhiễm loại virus gì cũng đều rất nguy hiểm, cha mẹ không được chủ quan. Tuy nhiên, để nói trẻ dưới 1 tuổi nhiễm virus corona nguy hiểm ở mức độ nào thì không thể nói trước. Đây là chủng virus corona mới, chưa từng gặp trước đây.
Hơn nữa, kể từ khi dịch bùng phát đến giờ cũng chưa ghi nhận bệnh nhi nào tử vong. Đặc biệt, số bệnh nhân tử vong chủ yếu là nam giới trong độ tuổi trung niên. Do đó, cha mẹ không cần quá lo lắng nhưng cũng không được chủ quan. Nếu trẻ có biểu hiện nhiễm virus corona thì hãy cấp báo đến cơ sở y tế gần nhất để theo dõi và điều trị kịp thời.
Link bài gốc: http://baodansinh.vn/virus-corona-dan-hoi-nhanh-chuyen-gia-dap-gon-nhung-van-de-lien-quan-den-tre-nho-222020527511448.htm
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.