Vợ muốn tự tử, chồng tưởng "giở trò": Tâm sự đáng sợ của những người mẹ trầm cảm sau sinh

Cụm từ “trầm cảm sau sinh” có lẽ không còn xa lạ, nhưng vẫn rất ít người thực sự quan tâm đến chứng bệnh đáng sợ đang ăn mòn tinh thần của những người phụ nữ sau khi vượt cạn.

Nhìn con chỉ muốn lấy chăn bịt miệng con...

Khi em bé ra đời, sau những phút giây hạnh phúc vỡ òa của cả gia đình trong những ngày đầu tiên, người mẹ chính thức bước vào một “cuộc chiến” vật lộn với sữa, với bỉm, với những đêm thức trắng chăm con, nghe tiếng khóc đến xé tai, quặn lòng để rồi ước mơ lớn nhất chỉ vẻn vẹn là được ngủ một giấc tròn đêm mà thôi.

Áp lực, trách nhiệm, mệt mỏi… tất cả dồn lên đôi vai nhỏ bé của người phụ nữ khiến họ bỗng chốc biến thành một con người khác, không còn vui tươi, không còn vô tư… họ luôn lo lắng, luôn sợ hãi, cô đơn và tủi thân. Những cảm xúc ấy càng trở nên đáng sợ hơn khi họ không có được sự chia sẻ và cảm thông.

Một người mẹ từng chia sẻ trên FB cá nhân: “Thời gian những ngày gần cuối và sau khi sinh mình stress nặng. Đặc biệt sau khi sinh lúc nào cũng cảm thấy ngột ngạt, khó thở, cảm giác chỉ muốn làm gì đó để đứa con biến mất. Lắm lúc nhìn con ngủ cứ có điều gì đó thôi thúc mình lấy chăn bịt miệng nó lại. Sau có ai hỏi sẽ bảo ngủ quên chăn đè lên làm nó ngạt thở. Giờ nghĩ lại khoảng thời gian đó vẫn thật đáng sợ.”

Cũng đã không ít những câu chuyện đau lòng xảy ra khi người mẹ tự tay sát hại con mình chỉ vì những phút không thể kiểm soát bản thân, do cơn trầm cảm sau sinh gây ra. Đến nay dư luận còn chưa hết bàng hoàng trước vụ việc người mẹ 33 tuổi ở Thạch Thất tự tay dìm chết con mình trong chậu nước. Kết luận ban đầu của cơ quan điều tra cho thấy người mẹ bị trầm cảm sau sinh.

Lại có những trường hợp, người mẹ chọn cách tự tử để giải thoát mình khỏi những dằn vặt, đau đớn không lối thoát trong tâm trí của mình. Có những người mẹ còn rất trẻ, như trường hợp của chị N.T.B.L sinh năm 1991 đã nhảy từ cầu Phù Đổng xuống để chấm dứt cuộc đời mình trong nỗi bàng hoàng và đau xót của gia đình.

Vợ ôm con tự tử, chồng vẫn nghĩ vợ “giở trò” để về nhà ngoại

Trầm cảm sau sinh là căn bệnh vô cùng nguy hiểm, nếu không phát hiện kịp thời thì có thể dẫn tới hậu quả đau lòng. Thế nhưng không ít người vẫn dửng dưng và coi đó là chuyện “không thể xảy ra” hoặc là “trò làm nũng” của chị em để đòi hỏi quyền lợi. Chính suy nghĩ lạnh lùng và vô tâm này đã đẩy những người phụ nữ đến bờ vực của sự tuyệt vọng và cô đơn, khiến họ hành động thiếu kiểm soát để giải phóng bản thân.

Như trường hợp của chị N.T.L (24 tuổi ở Thanh Hóa). Sau khi sinh con được hơn 1 tháng, chị bắt đầu có dấu hiệu buồn phiền, mệt mỏi và mất ngủ nhưng gia đình không phát hiện ra. Thậm chí khi chị nói chuyện với chồng thì anh này cho rằng chị “giả bộ” để đòi về ngoại. Đỉnh điểm của cơn trầm cảm là khi chị T.L ôm con ra cầu thang định nhảy xuống để tự tử. Rất may những người hàng xóm đã phát hiện và ngăn cản kịp thời. Sau đó, khi họ kể lại câu chuyện này, người chồng vẫn khăng khăng không tin và cho rằng chị “giở trò”.

Chính sự thiếu quan tâm đến đời sống tinh thần của những người mẹ cũng là một trong những nguyên nhân hàng đầu làm gia tăng tỉ lệ trầm cảm sau sinh. Cần biết rằng, sau khi trải qua quá trình vượt cạn đầy gian nan và đau đớn, những người mẹ rất cần sự quan tâm, chia sẻ và động viên từ người thân, gia đình để tiếp thêm sức mạnh giúp họ vượt qua những khó khăn, bỡ ngỡ bước đầu khi chăm sóc một đứa trẻ.

Hãy giúp vợ nhận biết triệu chứng trầm cảm sau sinh

Theo TS. BS Lê Thị Thu Hà (Bệnh viện Từ Dũ): “Trầm cảm sau sinh là tình trạng liên quan đến suy nghĩ và cảm giác mệt mỏi, buồn chán, lo lắng xuất hiện sau sinh. Những phụ nữ mắc bệnh trầm cảm sau sinh thường kèm theo trạng thái lo sợ con mình sẽ bị hại và bản thân mình là người mẹ xấu".

Trầm cảm sau sinh có thể nhẹ, vừa hoặc nặng, có thể thoáng qua hoặc kéo dài.

Tình trạng trầm cảm nhẹ, người mẹ thường bị sụt cân, suy nhược tinh thần, hoang tưởng… Nặng hơn, người mắc bệnh có ý nghĩ hay hành vi tự tử (41.2%).  Một số người rối loạn tâm thần, luôn có cảm giác bị hại nên tìm cách trả thù hay đối phó. Có những bà mẹ nghĩ con mình bị ma quỉ nhập nên tìm cách trừ tà, như vậy rất nguy hiểm đến tính mạng của bé. Ngay cả những người thân khác trong gia đình cũng vậy, có khi bà mẹ mang dao đâm người thân chỉ vì hoang tưởng bị hại.”

Dấu hiệu nhận biết sớm trầm cảm sau sinh

1. Suy nhược cơ thể

Sau sinh, nhiều phụ nữ cảm thấy rất đau khổ và tuyệt vọng. Họ thường khóc rất nhiều mà không vì một lý do cụ thể nào cả. Họ cũng luôn có cảm giác bị bỏ rơi và rất cô đơn. Với trạng thái suy nhược này, chị em thường trông rất mệt mỏi, thờ ơ với công việc nhà, thậm chí không màng tắm rửa hay chải chuốt.

2. Lo lắng

Những người rơi vào trạng thái trầm cảm luôn thấy lo lắng, bồn chồn về sức khỏe. Họ cảm thấy đau đầu, đôi khi đau ngực, đau lưng hay có cảm giác vấn đề về tim. Họ cũng thiếu tự tin vào bản thân, không muốn tiếp xúc hay gặp gỡ ai kể cả bạn bè thân thiết.

3. Rối loạn giấc ngủ

Người mắc trầm cảm sau sinh thường cảm thấy rất khó ngủ, thường xuyên mất ngủ, gặp ác mộng hoặc thức dậy giữa đêm.

4. Các triệu chứng tâm lý

Tâm trạng buồn bã

Giảm hứng thú hoạt động

Cảm thấy vô dụng hay tội lỗi

Khó tập trung hoặc không quyết đoán

Thường nghĩ đến cái chết và tự tử

Thay đổi khẩu vị và tăng hoặc giảm cân

Mất ngủ hoặc ngủ quá nhiều

Suy nghĩ, hành động, phản ứng chậm

Mệt mỏi, thiếu sinh lực

5. Điều trị trầm cảm sau sinh

Để điều trị trầm cảm sau sinh, yếu tố quan trọng chính là sự hỗ trợ từ phía người thân, gia đình. Những người phụ nữ này rất cần nhận được sự quan tâm, giúp đỡ, trò chuyện và trấn an để họ cảm thấy dễ chịu và bớt lo lắng hơn.

Không nên đối xử với những người này như một bệnh nhân, bởi điều đó sẽ khiến họ thấy tồi tệ hơn. Hãy cố gắng cư xử với họ như một người bình thường, khi cô ấy khỏe hãy để cô ấy làm mọi việc mình muốn, còn khi mệt mỏi hãy để cô ấy được nghỉ ngơi thật nhiều.

Bên cạnh đó, để điều trị hiệu quả cần sự hỗ trợ của các loại thuốc. Việc phát hiện bệnh sớm sẽ giúp quá trình điều trị đơn giản hơn. Các bác sĩ sẽ khám, nhận định mức độ nặng nhẹ của bệnh và chỉ định đơn thuốc phù hợp.

Ngoài ra, chị em khi bị trầm cảm có thể nhờ đến sự trợ giúp của các chuyên gia tâm lý. Việc tư vấn tâm lý có thể giúp chị em dễ dàng giải tỏa những bức bối và u uất trong lòng để giải phóng cơ thể.

(Tổng hợp)

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang