Bệnh viện đa khoa Hùng Vương (Phú Thọ) vừa tiếp nhận một trường hợp bé trai 6 tháng tuổi tới khám vì khối sưng vùng đầu. Theo bà của cháu bé, trước đó gia đình cho bé tập đi bằng loại xe tròn được buổi đầu thì bị ngã đập đầu xuống nền cứng. Sau khoảng 1 tuần, bé xuất hiện khối sưng vùng thái dương chẩm trái, gia đình đưa tới khám.
Sau khi thăm khám, chụp cắt lớp vi tính sọ não và siêu âm phần mềm vùng sưng ở đầu cho thấy hình ảnh ổ tụ máu ngoài màng cứng vùng thái dương - chẩm trái. Bệnh nhi đã được tư vấn nhập viện điều trị và hiện đang điều trị tại Khoa Chấn thương chỉnh hình.
Xe tập đi dạng tròn là loại xe thông dụng thường được các bố mẹ lựa chọn. Loại xe này bao gồm một bộ khung cứng đặt trên bánh xe, một tấm vải thoáng mát cho bé ngồi và khay nhựa có thể gắn đồ chơi để làm đồ giải trí cho trẻ. Xe tập đi thường được khuyến khích dùng cho trẻ em từ 5 đến 15 tháng tuổi.
Xe tròn nguy hiểm nhiều hơn tác dụng của nó. Ảnh minh họa.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh – Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM - cho biết hàng năm tại Bệnh viện này đều tiếp nhận trẻ nhập viện tai nạn từ xe tròn tập đi. BS Khanh cho biết trên thực tế có khoảng 10% số ca tai nạn chấn thương đầu nặng ở các bé có liên quan đến vật dụng này. Nhiều trường hợp bé bị ngã do xe tập đi lăn xuống bậc thềm cầu thang.
Còn theo bác sĩ Nhi khoa Trương Hoàng Hưng - sống tại Texas, Hoa Kỳ, những tai nạn từ xe tròn thường xuyên xảy ra.
Bác sĩ Hưng cho biết, ở Mỹ khuyến cáo không dùng vì nguy cơ gây tai nạn chết người, trẻ em chỉ biết đẩy đi mà không hề biết kiểm soát, nên sẽ lật nhào nếu va chạm vào chướng ngại vật gây chấn thương, thậm chí chết người. Nguy hiểm còn cao hơn khi chơi ngoài sân, trên vùng dốc hay cầu thang.
Riêng ở Mỹ, trong năm 2014 có 2.000 trường hợp cấp cứu do tai nạn liên quan tới xe tròn, 90% là chấn thương vùng đầu cổ, 1% bị vỡ xương sọ.
Canada đã cấm tiệt xe này từ năm 2014.
BS Hưng cho biết nhiều người nghĩ xe tròn sẽ giúp bé nhanh biết đi hơn nhưng thực tế hoàn toàn ngược lại xe tròn không làm mau biết đi mà còn làm chậm biết đi hơn. Tuy nhiên chưa có bằng chứng xe tròn làm tổn thương khớp háng hay gây chân vòng kiềng.
Trẻ ngồi xe tròn không hề học được cách giữ thăng bằng, là bước đầu tiên của học đi, cha mẹ quăng con vô chiếc xe, vừa là vú em vừa để tập đi, thật ra làm chậm lại quá trình tập đi mà còn gây nguy hiểm cho con.
Cách tốt nhất vẫn là cho trẻ tự chơi, nhiều tummy time (để bé sơ sinh nằm sấp để tránh bẹp đầu và tăng cường phát triển nhiều kỹ năng cho bé).
Cách tập đi tốt nhất là cho trẻ lần đi với dụng cụ chắc chắn để bám như ghế nặng với sự giám sát của cha mẹ hoặc trong tay của cha mẹ thân yêu.
Đặc biệt, không được bắt trẻ phải tập vật lý trị liệu từ 6 tháng để phát triển, leo trèo như lính đặc nhiệm, đó là một dạng bạo hành hoàn toàn không tốt cho trẻ - BS Hưng khuyến cáo.
Link gốc: http://phapluatbandoc.giadinh.net.vn/vu-be-6-thang-chan-thuong-dau-o-phu-tho-canada-cam-my-khuyen-khong-dung-xe-tron-tap-di-162200909154222337.htm
Theo ttvn.vn
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.