Khi con đến độ tuổi ăn dặm, không ít mẹ cảm thấy hào hứng vì chuẩn bị cùng con bước vào một hành trình mới. Nhiều mẹ tỏ ra sốt sắng, muốn con được ăn thử nhiều loại đồ ăn khác nhau nên đã vô tư cho bé ăn thử món này, món khác. Tuy nhiên nếu như trẻ chưa sẵn sàng với việc tiếp nhận những đồ ăn mới, đặc biệt là đồ ăn thô và khả năng nuốt của bé chưa tốt thì có thể dẫn đến việc bé bị hóc nghẹn.
Câu chuyện của bà mẹ trẻ Trần Thị Thanh Thủy (29 tuổi, hiện đang sống tại TP.HCM) dưới đây là một ví dụ hết sức cụ thể để cảnh báo cho các bậc phụ huynh, nếu không cẩn thận có thể sẽ gây ra những hậu quả vô cùng khó lường.
Nguyên văn chia sẻ của chị Thanh Thủy:
"Chuyện đã qua ổn thỏa rồi nhưng sao trong lòng mình vẫn còn ám ảnh lúc đó quá! Mình kể cho các mẹ đang có con dưới 6 tháng tuổi rút kinh nghiệm nhé!
Chuyện là thế này, mình vừa sắm ít đồ ăn dặm cho con để vài ngày nữa đúng 6 tháng thì cho bé ăn. Nhưng hôm nay không hiểu sao mình lại lấy bánh cho con mình ăn. Mình cứ nghĩ bánh cho bé 6 tháng mà con mình vài ngày nữa cũng 6 tháng thì chắc là ăn được nên vô tư cho con cầm ăn rồi chụp hình, quay video.
Con cầm miếng bánh cho vào miệng 1 lát cho mềm ra rồi nuốt, thấy con ăn được mình cũng mừng. Đến khi con ngậm tan tầm 1 khúc bánh là lúc đó mình thấy khuôn mặt bé bắt đầu có dấu hiệu bất ổn, biến sắc hoàn toàn từ trắng hồng chuyển sang tím tái, mắt đỏ, thở sâu, nhìn dáng vẻ rất mệt mỏi.
Phản xạ tự nhiên của một người mẹ khiến mình giật chiếc bánh trên tay bé vứt đi rồi vội ôm con để vuốt ngực nhưng không hết, càng lúc con càng thở khó hơn. Một lát sau mắt con tự nhiên chảy nước mắt dù không khóc, miệng nhiều nước miếng chảy ra từng dòng. Mình sờ mũi con thì thấy bé yếu, gần như không thở nổi. Vậy là mình cuống cuồng hét lên cầu cứu.
Ở nhà lúc đó chỉ có hai mẹ con, ở chung cư nữa nên không ai nghe, mẹ chồng mình đi chợ nên lại khóa cửa ngoài mình tìm mãi mà không thấy chìa khóa. Con mình mỗi lúc càng thở yếu hơn, người tím tái, nước mắt vẫn chảy ra, mặt không có một chút cảm xúc gì. Mình lay người con mà bé cũng không nhìn mẹ mà chỉ đơ ra, chân tay thõng xuống. Tim mình như nghẹt thở, chân tay cũng bủn rủn theo, muốn lấy điện thoại gọi cho mọi người cũng khó.
Lý trí không cho phép mình yếu đuối trong lúc này. Mình vội dốc đầu con sấp xuống rồi vỗ lưng, vỗ thật mạnh vì lúc đó không còn biết gì nữa. Mình vỗ 5,6 cái rất mạnh rồi ngửa con ra lấy hơi thật sâu thổi vào miệng bé mấy cái, rồi lại dốc đầu con xuống vỗ tiếp. Vừa vỗ mình vừa lấy điện thoại tìm số gọi mẹ chồng về vì chợ cũng ở gần nhà.
Chị Thủy và con trai.
Bà nội vừa về tới thì cũng đúng lúc con trai mình “hức” lên một tiếng rồi “e, e”, mặt bé hồng hào trở lại. Mình ôm con mà mừng như thể vừa đẻ nó ra thêm lần nữa, không nói được thành tiếng, mãi sau khi đã hoàn hồn mới hôn con tới tấp. Bà nội bé cũng một phen hú vía không kém mình.
Qua đây mình cũng khuyến cáo luôn các mẹ có con dưới 6 tháng tuổi, nếu có ý định cho bé ăn bánh ăn dặm thì không nên chọn loại bánh như bánh quy vì bánh có thể tan nhưng rất đặc dẫn đến ứ đọng lại trong cổ họng bé. Bé còn nhỏ nên chưa quen phản xạ nuốt, dễ nghẹn và dẫn đến bị hóc. Như trường hợp đã xảy ra với con mình, may mà lúc đó mình còn có thể đủ mạnh mẽ để cứu con khỏi bàn tay tử thần. Nếu lúc đó mình yếu đuối thì không hiểu bây giờ mọi chuyện thế nào nữa".
Để tránh việc bé bị hóc nghẹn khi ăn dặm, bố mẹ cần lưu ý một số vấn đề sau đây:
- Chọn những loại thực phẩm phù hợp với giai đoạn bé đang học về kỹ năng nhai, nuốt.
- Cho bé ngồi thẳng khi ăn.
- Không có bé ăn nguyên hạt, cắt nhỏ những loại trái cây có lõi hạt.
- Không cho ai khác ngoài bé đút thức ăn vào miệng bé.
- Không bao giờ được cho bé ngồi ăn một mình.
Khi trẻ có dấu hiệu đột ngột ho sặc sụa nhiều, biểu hiện tím tái và khó thở bố mẹ lập tức tìm cách sơ cứu cho con.
Cách 1: Với trẻ dưới 1 tuổi
- Cho trẻ nằm sấp trên cánh tay trái của người sơ cứu, đầu hướng xuống đất. Lưu ý giữ chắc để cổ và đầu trẻ khỏi bị tuột. Dùng gót bàn tay phải vỗ mạnh 5 cái vào vùng lưng giữa 2 xương bả vai của trẻ.
- Sau đó lật trẻ từ tay trái qua tay phải của người sơ cứu. Quan sát em bé xem có hồng hào chưa, có thở, khóc được chưa. Kiểm tra miệng trẻ xem có dị vật nào không và lấy ra. Nếu dị vật vẫn chưa ra ngoài hoặc trẻ vẫn chưa thở thì làm tiếp biện pháp ấn ngực. Lấy 2 ngón tay ấn vào vùng thượng vị (vùng trên rốn và dưới xương ức). Ấn mạnh 5 cái theo chiều từ trên xuống dưới liên tiếp.
- Kiểm tra xem bé đã thở, khóc lại chưa, nếu chưa tiếp tục lặp lại động tác này cho đến khi xe cấp cứu tới.
Cách 2: Với trẻ trên 2 tuổi
- Trường hợp trẻ còn tỉnh: Để cho trẻ đứng. Người sơ cứu đứng phía sau lưng hoặc quỳ gối, choàng 2 tay ra phía trước ngang thắt lưng. Một tay nắm thành nắm đấm, một tay chồng lên tay còn lại, đặt ngay vào vị trí ở vùng thượng vị, dưới xương ức của trẻ.
Ấn mạnh theo hướng từ dưới lên trên 5 cái thật mạnh liên tiếp. Nếu chưa hóc dị vật ra thì có thể lặp lại biện pháp này từ 6 đến 10 lần.
- Trường hợp trẻ hôn mê, bất tỉnh: Đặt trẻ nằm ngửa. Người sơ cứu quỳ gối, tựa hai chân hai bên đùi trẻ. Nắm 2 bàn tay thành nắm đấm, đột ngột ấn vào dưới xương ức của trẻ. Ấn mạnh từ dưới lên trên 5 cái liên tiếp.
Trong tình huống bệnh nhân hôn mê và không thở được thì trước tiên phải bắt đầu bằng hà hơi thổi ngạt 2 cái.
Nếu dị vật vẫn chưa ra, trẻ vẫn chưa thở được thì cần thì kết hợp vừa hà hơi thổi ngạt vừa dùng tay ấn, cho đến khi dị vật văng ra hoặc bệnh nhân khóc, thở được, hồng hào hơn.
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.