Tranh thủ lót dạ buổi trưa bằng gói bánh, anh C.N.L. (TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) cho biết, sẽ đi đến cùng để bóc trần sự thật "tự nguyện trong bắt buộc" của môn học iSmart (học Toán và Khoa học bằng tiếng Anh).
Suốt thời gian qua, anh đã tìm cách phản ánh thông tin trên đến cơ quan chức năng như: Đường dây nóng của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), Sở GD&ĐT tỉnh Đắk Lắk... nhưng chưa được.
Anh L. đang có 2 con học tại Trường Tiểu học Nguyễn Công Trứ và đều được nhà trường hướng dẫn học iSmart ngay khi nộp hồ sơ vào lớp 1.
Con học được thời gian, anh L. kiểm tra vở thì thấy không được bao nhiêu chữ. Anh hỏi con thì được biết cô giáo dạy hệ tuần hoàn, hô hấp, hệ thần kinh; sao hỏa, sao thổ... bằng Tiếng Anh nên con anh không hiểu.
Thời điểm này, anh L. đã muốn xin cho con thôi học iSmart vì mỗi tháng phải đóng 400 nghìn đồng/em (mỗi tuần học 2 tiết), nhưng học không hiệu quả. Dẫu vậy, anh sợ con bị “ảnh hưởng”, nên lại thôi.
Tuy nhiên, chất lượng học iSmart vẫn không cải thiện. Tại cuộc họp đầu năm học trước, một phụ huynh trong lớp đã kiên quyết xin cho con thôi học iSmart. Đến cuối năm học, anh L. cùng phụ huynh trong lớp ký đơn gửi lãnh đạo trường xin không cho con học iSmart.
Tuy vậy, lãnh đạo trường không có văn bản phúc đáp mà gọi từng phụ huynh lên vận động. Kết quả, 18 em trong lớp không học iSmart nên năm học 2023-2024 này bị tách lớp, ghép với các em ở lớp khác cũng không học iSmart.
Điều anh L. không chấp nhận là các em không học iSmart bị bố trí vào phòng có cơ sở vật chất kém, máy chiếu mờ, học sinh không thể sử dụng. Anh L. đề nghị sớm sửa chữa máy chiếu nhưng nhà trường không chốt thời gian hoàn thành; hội phụ huynh góp tiền mua ti vi mới xin lắp nhưng nhà trường không cho. Sau đó, nhà trường đồng ý cho lắp tạm nhưng vài hôm lại yêu cầu tháo gỡ ngay.
Anh L. phản ánh thêm, con thứ 2 đang học iSmart nhưng giờ học lại xếp vào tiết đầu giờ chiều của buổi thứ 3 và thứ 5 hàng tuần. Anh muốn cho con xin nghỉ iSmart nhưng rất lo ngại. Bởi con anh ở bán trú tại trường vào buổi trưa, nếu không cho học iSmart thì đầu giờ chiều đó, con anh ở ngoài lớp với ai...
“Tôi thấy việc học Tiếng Anh liên kết không hiệu quả, mà còn là gánh nặng cho các gia đình khó khăn khác khi phải đóng tiền học lên đến 400 nghìn đồng/tháng/học sinh. Nhiều phụ huynh vì cả nể nên phải cố cho con đi học. Hiện nay, trên cả nước, nhiều địa phương đã có công văn dừng hẳn việc học Tiếng Anh như trên. Tôi kiến nghị, nên bỏ chương trình học iSmart trong trường học”, anh L. kiến nghị.
Kiểm tra quy trình tổ chức đến chất lượng giảng dạy
Để rộng đường dư luận, PV Tiền Phong liên hệ với bà Hà Thị Thủy - Phó hiệu trưởng phụ trách Trường Tiểu học Nguyễn Công Trứ. Bà Thủy đồng ý gặp để phản hồi thông tin nhưng sau đó báo bận vì có công việc tế nhị. Bà Thủy hẹn dịp khác hoặc gửi nội dung trước để bà trả lời bằng văn bản.
Không riêng anh L. mà nhiều phụ huynh khác cũng phản ánh việc học chương trình iSmart trong trường học không hiệu quả. Khi phụ huynh nhận ra thì sự việc đã rồi (lỡ ký vào đơn xin học). Nhiều người muốn xin ra nhưng bị "hù" là đơn xin học đã cam kết học 5 năm; hoặc nếu xin ra thì con họ sẽ bị chuyển lớp, chuyển trường...
Theo thống kê, đầu năm học 2023-2024, tại TP Buôn Ma Thuột có 16 trường tiểu học đăng ký dạy học iSmart với khoảng 4.000 học sinh tham gia. Ông Nguyễn Hữu Thọ, Phó trưởng Phòng GD&ĐT TP Buôn Ma Thuột cho hay, chương trình iSmart là hình thức bổ sung học ngoại ngữ, dựa trên tình thần tự nguyện của phụ huynh, học sinh, là tiết học tăng cường, chỉ được giảng dạy những tiết ngoài giờ sau 7 tiết học chính khóa.
Việc bố trí lớp học là thẩm quyền của nhà trường, nhưng việc một số nhà trường lấy lý do học chương trình tiếng Anh liên kết để bố trí lớp học là không đúng. Việc các em học sinh không đăng ký học bị tách lớp là chưa phù hợp.
Về vấn đề nhà trường bắt cam kết học 5 năm, ông Thọ thông tin thêm, iSmart là môn học trên tinh thần tự nguyện, nếu trong quá trình học không phù hợp thì phụ huynh có quyền không đăng ký học. Còn nếu như nhà trường bắt ký cam kết 5 năm thì đây là việc không đúng.
“Phòng GD&ĐT sẽ kiểm tra lại toàn bộ việc tổ chức thực hiện của các trường, nếu không đúng sẽ có văn bản chỉ đạo thực hiện lại. Chúng tôi sẽ kiểm tra, phối hợp các đơn vị liên quan, thẩm định việc học có hiệu quả hay không. Vì nội dung chương trình học Tiếng Anh, những đơn vị cung cấp cho nhà trường dạy liên kết là đơn vị đã được Sở GD&ĐT tỉnh cấp phép”, ông Nguyễn Hữu Thọ thông tin.
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.