Vụ ly hôn nghìn tỉ của vợ chồng cà phê Trung Nguyên: Bài học được - mất của doanh nghiệp gia đình trị

(lamchame.vn) - Điểm yếu của các công ty gia đình là dễ bị ảnh hưởng lớn nếu xảy ra tranh chấp nội bộ. Điểm mạnh của các công ty chồng - vợ là quan hệ “hợp tác” giữa các thành viên chủ chốt. Song đây cũng là điểm yếu nhất và hậu quả nặng nề nhất khi quan hệ này bị phá vỡ.

Nỗi buồn để lại từ những bài học từ vụ ly hôn nghìn tỉ 

Một vụ ly hôn cũng gây ồn ào và ảnh hưởng đến doanh nghiệp diễn ra giữa ông Trần Văn Mười và bà Phạm Thị Hương Giang của Tập đoàn Quốc tế Năm Sao. Sở dĩ dư luận chú ý tới vụ ly hôn này vì tài sản tranh chấp trong vụ ly hôn lên tới 2.000 tỉ đồng. Mặt khác, bà Giang cũng đã tố chồng đã tẩu tán nhiều tài sản...

Hay nói đến vụ ly hôn của giới doanh nhân còn phải kể đến vợ chồng cựu Phó Chủ tịch FPT vào năm 2007. Nhân vật chính là ông Lê Quang Tiến và bà Lê Thị Hồng Hải. Ở vụ ly hôn này, ông Tiến chia đôi số cổ phiếu sở hữu và chuyển nhượng 1,8 triệu cổ phiếu FPT cho vợ cũ. Vụ việc cũng chìm vào quên lãng theo thời gian bởi vì không có vụ tranh chấp nào xảy ra giữa hai bên. Còn vụ ly hôn đắt giá nhất có lẽ liên quan đến vợ chồng sở hữu Tập đoàn Bảo Sơn. Đó là ông Bùi Đức Minh và bà Nguyễn Thanh Thủy (Phó Chủ tịch Tập đoàn Bảo Sơn) với khối tài sản tranh chấp lên đến 10.000 tỉ đồng…

Điểm yếu của các công ty gia đình là dễ bị ảnh hưởng lớn nếu xảy ra tranh chấp nội bộ

(Ảnh minh hoạ: Internet)

Ưu điểm của các công ty gia đình là ý thức về quyền sở hữu của họ. Điều này giúp họ tránh được những khiếm khuyết đáng lo ngại nhất: quá tập trung vào các kết quả ngắn hạn và xung đột lợi ích giữa chủ sở hữu và người quản lý. Vì thế, không phải vô cớ những công ty tầm trung thành công nhất trên thế giới thường là các công ty gia đình. Theo Credit Suisse, thế giới hiện nay có khoảng 920 công ty gia đình với vốn hóa thị trường ít nhất là 1 tỉ USD. Những công ty này từ 35 quốc gia với hơn 64% đến từ các nước mới nổi. Còn theo The Economist, khoảng 70% giá trị thị trường chứng khoán châu Á vẫn do các doanh nghiệp nhà nước hoặc tập đoàn gia đình kiểm soát. Chẳng hạn, top 15 gia đình tại Hồng Kông kiểm soát 84% GDP của Hương Cảng; tại Malaysia con số này là 76%, tại Singapore là 48% và tại Philippines là 47%.

Tại Việt Nam, tính đến hết năm 2015, mô hình công ty gia đình chiếm hơn 50% số doanh nghiệp hoạt động, đóng góp gần 50% GDP. Có thể điểm qua những tên tuổi lớn như: Tập đoàn Doji, Tập đoàn Liên Thái Bình Dương, Biti’s, Tập đoàn Phú Thái, Công ty Minh Long…

Dù doanh nghiệp cổ phần hay của gia đình, phải phân định rạch ròi trong sở hữu và quản lý

Bà Phạm Chi Lan, nguyên thành viên Ban nghiên cứu Kinh tế của Thủ tướng, nguyên Tổng Thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI): Vụ việc gia đình của vợ chồng chủ cà phê Trung Nguyên trong hơn một năm qua đã làm ảnh hưởng rất nhiều đến thương hiệu của tập đoàn này và cũng để lại những bài học đắt giá cho nhiều doanh nghiệp khác. “Theo tôi, bài học lớn nhất đó là về quản lý. Dù doanh nghiệp cổ phần hay của gia đình, phải phân định rạch ròi trong sở hữu và quản lý, dù đó có là vợ chồng, anh em, bạn bè. Việc này phải được xem là điều kiện ngay từ đầu khi thành lập doanh nghiệp”, bà Lan nói.

Bà Phạm Chi Lan cho rằng, bên cạnh nỗi buồn về thương hiệu Trung Nguyên bị ảnh hưởng, thì bà còn buồn vì cách khai thác của truyền thông, dư luận đối với vụ ly hôn của vợ chồng ông Đặng Lê Nguyên Vũ, bà Lê Hoàng Diệp Thảo. “Tôi có cảm giác như dư luận đang tấn công Trung Nguyên khi khai thác đến vụ việc tận cùng. Câu chuyện của vợ chồng họ tòa án đang giải quyết nhưng chính truyền thông và dư luận lại làm cho câu chuyện rối tinh lên. Đây là điều rất không nên”.

Theo bà Phạm Chi Lan, mô hình doanh nghiệp gia đình vẫn là mô hình chủ đạo và phổ biến hiện nay trong các doanh nghiệp Việt Nam. Tôi cho rằng mô hình doanh nghiệp gia đình vẫn là mô hình phổ biến và là tất yếu ở Việt Nam hiện nay. Trong bối cảnh Chính phủ đang khuyến khích kinh tế tư nhân phát triển và chuyển đổi mô hình kinh tế thì doanh nghiệp chính là một thành tố không thể thiếu trong sự chuyển đổi này. Chúng ta không nên chỉ nhìn vào một hiện tượng của cà phê Trung Nguyên để từ đó nhận xét rằng mô hình doanh nghiệp gia đình ở Việt Nam hiện nay đang bị khủng hoảng, mà phải xem vụ việc của Trung Nguyên là một bài học cho các doanh nghiệp gia đình khác”.

Khi không thể vượt qua những mâu thuẫn cá nhân, các công ty gia đình sẽ chia rẽ bởi những bất đồng từ quyền sở hữu

(Ảnh minh hoạ: Internet)

Khi công ty gia đình không vượt qua được mâu thuẫn cá nhân

Khi không thể vượt qua những mâu thuẫn cá nhân, các công ty gia đình sẽ chia rẽ bởi những bất đồng từ quyền sở hữu, tới phân chia tài sản và các quyền lợi khác. Chẳng hạn, vì cơm canh không ngọt lành, hai nhà đồng sáng lập thương hiệu cà phê Trung Nguyên phải đối mặt nhau ồn ào trong thế tranh chấp tại tòa án sau ly hôn. Theo đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Dương năm 2016 quyết định hủy bỏ quyền đại diện theo pháp luật của ông Đặng Lê Nguyên Vũ tại Công ty Cà phê hòa tan Trung Nguyên (đơn vị đang sở hữu thương hiệu cà phê hòa tan G7) và trao lại cho bà Lê Hoàng Diệp Thảo.

Trong khi đó, bà Diệp Thảo là người sáng lập và hiện giữ vai trò Tổng Giám đốc Công ty TNI có trụ sở chính tại Singapore. Đây được xem là đơn vị tối ưu hóa 2 nhà máy cà phê hòa tan Bình Dương và nhà máy Bắc Giang của Công ty Cổ phần Cà phê hòa tan Trung Nguyên hiện tại. Công ty TNI của bà Thảo hiện xuất khẩu đến hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới như Mỹ, Trung Quốc, Thái Lan… với sản lượng tăng đáng kể.

Theo Euromonitor, thị phần của G7 là 4,7%, bị bỏ khá xa so với thị phần của Nestlé và Vinacafé BH (lần lượt 38% và 37%). Tuy nhiên, theo tính toán, nếu Trung Nguyên đạt mức tăng trưởng kép của toàn thị trường, doanh thu năm 2015 có thể mang về từ 2 thương hiệu là Trung Nguyên và G7 lần lượt là 701 tỉ đồng và 156 tỉ đồng. Tức G7 cũng có thể chiếm được đến 18% tổng doanh thu; năm 2016 con số này cũng được ước đạt 185 tỉ đồng. Với sự tăng trưởng thuận lợi, Trung Nguyên của bà Thảo đang đi đúng hướng, đặc biệt trong thời điểm G7 là sản phẩm có nhiều cải tiến được xem là đối thủ cạnh tranh với Vinacafé BH.

Theo ông Nguyễn Hoàng Văn, CEO thương hiệu Cua Ngon, quản trị DN và quản trị gia đình có nhiều nét tương đồng nhưng cũng có những điểm khác biệt cần các thành viên trong đó phải thấu hiểu.

Có nhiều doanh nhân lớn, thành công rực rỡ trong sự nghiệp, quản trị doanh nghiệp hàng triệu đô, hàng ngàn nhân sự nhưng lại thất bại trong việc quản trị gia đình của mình và ngược lại có những người rất bình thường nhưng lại có một gia đình thành công, hạnh phúc.

Vậy quản trị gia đình có khác với quản trị doanh nghiệp hay không? Tại sao các doanh nhân có nhiều kinh nghiệm như thế lại thất bại, dẫn đến đổ vỡ gia đình, con cái ly tán? Làm sao để doanh nhân vừa thành công và vừa hạnh phúc trong cả việc quản trị doanh nghiệp và gia đình? Những câu hỏi ấy đang hiện hữu trong mỗi con người và mỗi người có cách lý giải khác nhau.

Rất nhiều doanh nghiệp không phát triển hay các gia đình tan vỡ là do đánh mất các giá trị nền tảng, không còn tình yêu, sự đam mê thật sự để tạo động lực cho hành động, vựợt qua những khó khăn thử thách. Nếu chúng ta đến với nhau vì cùng tư tưởng thì cũng sẽ chia tay nhau vì sự thay đổi tư tưởng. Chuyện đúng sai, hành động có phù hợp hay không thì chỉ có người trong cuộc mới hiểu.

Theo sohuutritue.net.vn

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang