Vụ thiếu nữ bị 44 nam sinh cưỡng hiếp tập thể chấn động Hàn Quốc: Bản án gây phẫn nộ dư luận và cuộc đời trượt dài của nạn nhân sau khi bị hại

Dù đã 17 năm trôi qua nhưng mỗi khi nhắc lại vụ cưỡng hiếp tập thể nữ sinh ở Miryang, đông đảo người dân xứ sở kim chi vẫn không khỏi rùng mình.

Năm 2004, vụ án nữ sinh trung học bị 44 nam sinh cưỡng hiếp tập thể ở Miryang, tỉnh Gyeongsangnam-do, đã gây chấn động dư luận Hàn Quốc. Ngoài tính chất nghiêm trọng của vụ việc, người ta còn bức xúc vì hình phạt dành cho các nghi phạm trong khi nỗi đau tinh thần của nạn nhân thì không gì có thể đong đếm được. Đến nay, mỗi khi nhắc lại vụ cưỡng hiếp tập thể Miryang, đông đảo người dân xứ sở kim chi vẫn không khỏi rùng mình.

11 tháng địa ngục bị cưỡng bức tập thể của nữ sinh 15 tuổi

Nạn nhân Jung Eun-seon (tên đã được thay đổi), năm đó 15 tuổi, là một nữ sinh trung học, sinh ra và lớn lên ở thành phố Ulsan. Em là chị cả trong một gia đình có 3 con với 1 em trai và 1 em gái. Gia cảnh của Jung không mấy khá giả, cha cô là một người nghiện rượu và có hành vi bạo lực gia đình. Người đàn ông này đã ra tay đánh mẹ Jung không sót một ngày nào. Tháng 1/2003, người phụ nữ này đã đệ đơn ly hôn vì không thể chịu đựng được người chồng vũ phu trước khi bỏ nhà ra đi.

Sau khi vợ bỏ đi, tất cả những hành vi bạo lực của bố Jang đều đổ hết lên đầu cô. Ngày nào cha cũng say xỉn trở về nhà chửi bới và đánh đập cô. Cứ như thế, cuộc sống của Jang chìm ngập trong cơn ác mộng không có hồi kết. Thời điểm đó, Jung không thể tâm sự chuyện này với bất kỳ ai, chỉ có thể một mình chịu đựng nỗi đau.

Tháng 1/2004, Jung tình cờ quen biết được một thanh niên họ Park (khi đó 18 tuổi) đang theo học tại một trường trung học ở Miryang, thông qua mạng internet. Cả hai duy trì liên lạc từ dạo đó cho đến một ngày nọ, Park đã rủ Jung đến chỗ mình chơi, cách nơi cô sống khoảng 1 giờ đi xe. Jung nhận lời mà không hề biết rằng chuyến đi ấy sẽ khiến cuộc đời của cô thay đổi mãi mãi.

 - Ảnh 1.

Cảnh trong phim Han Dong Ju, thực hiện dựa trên vụ nữ sinh 15 tuổi bị cưỡng hiếp tập thể ở Miryang.

Sau khi dụ được Jung đến một nhà trọ ở Miryang, Park cùng với 12 nam sinh khác thực hiện hành vi cưỡng hiếp tập thể đối với nữ sinh 15 tuổi. Sau đó, chúng còn đánh đập nạn nhân. Trong quá trình hành hạ Jang, các nam sinh đã dùng điện thoại di động và máy quay để ghi lại cảnh nạn nhân bị tấn công tình dục. Chúng dùng những thước phim ấy để đe dọa, cấm Jung không được hé môi nửa lời với người ngoài. Vì quá xấu hổ và sợ hãi, Jung không còn cách nào khác ngoài việc nghe theo lời sai bảo của những kẻ ác.

Theo điều tra của cảnh sát sau này, Jung đã bị tấn công tình dục tập thể tổng cộng 10 lần, mỗi lần như vậy có 3-24 nam sinh liên quan. Tổng cộng, số lượng nam sinh hãm hại Jung lên đến 44 người trong vòng 11 tháng.

Tội ác của nhóm nam sinh không chỉ dừng lại đối với mỗi Jung. Thiếu nữ buộc đưa em gái ruột của mình (13 tuổi) và chị họ (16 tuổi) đến gặp những kẻ xấu ấy để chúng hành hung và cướp của. Kết quả điều tra của cảnh sát cho thấy, 2 nạn nhân này không bị cưỡng hiếp. Tuy nhiên, hầu hết các phương tiện truyền thông đều nghi ngờ các nghi phạm đã giở trò tấn công tình dục em gái Jung.

 - Ảnh 2.
 

Trong một lần dì của Jung biết được sự tình đã kể hết mọi chuyện cho mẹ ruột thiếu nữ. Sau đó, vào khoảng 8h tối ngày 25/11/2004, người dì đã gọi báo cảnh sát, tố cáo tội ác của nhóm nam sinh. Lúc đó, người dì cẩn thận yêu cầu cơ quan điều tra giữ kín danh tính của cháu gái, một nhân viên tại Sở Cảnh sát phía Nam Ulsan đã ghi nhận báo cáo và hứa sẽ không tiết lộ thông tin cá nhân của nạn nhân.

Quá trình điều tra khiến dư luận bức xúc

Ban đầu, cảnh sát thực hiện cuộc điều tra bí mật nhưng vào ngày 6/12/2004, nhóm nam sinh đã bị bắt, 44 người đến từ Changwon, Miryang và Ulsan được đưa đến Sở Cảnh sát phía Nam Ulsan. Thông tin của vụ án khi đó được công bố rộng rãi cho báo chí và truyền thông.

Vào thời điểm đó, mẹ của Jung đã thực hiện cuộc phỏng vấn và bày tỏ sự bức xúc, cho rằng cảnh sát đã làm lộ danh tính của con gái bà bởi những cuộc điều tra công khai.

Trong quá trình điều tra, cảnh sát hứa sẽ cử cảnh sát nữ lấy lời khai của Jung nhưng không giữ lời. Các chị em của Jung đã phải trải qua nỗi đau một lần nữa khi kể lại những gì đã qua cho một cảnh sát nam. Viên cảnh sát này được cho là đã đưa ra những lời lẽ lăng mạ đối với Jung, chẳng hạn như: "Không phải cô đã tán tỉnh đến thích người ta rồi tìm đến hay sao?", "Cô đã khiến danh tiếng của Miryang bị ảnh hưởng đấy".

 - Ảnh 3.

Thông tin cá nhân của Jung bị rò rỉ trên mạng.

Jung bị cảnh sát triệu tập 9 lần để phục vụ công tác điều tra, mỗi lần như vậy đều mất 7-8 giờ đồng hồ. Trong quá trình này, nạn nhân còn nhận về những lời đe dọa từ các nam sinh và gia đình của chúng, nói rằng họ sẽ không để cô yên. Trong một lần tụ tập, cảnh sát phụ trách điều tra vụ việc đã vô tình để lộ danh tính của nạn nhân và điều này đã thổi bùng sự phẫn nộ của dư luận.

 - Ảnh 4.

Tháng 12/2004, người đứng đầu Sở Cảnh sát phía Nam Ulsan đã cúi đầu xin lỗi vì sự tắc trách của nhân viên điều tra, gây ảnh hưởng đến cuộc sống của nạn nhân.

Sau đó, cơ quan cảnh sát phải giải tán đội điều tra hiện tại và thành lập một nhóm điều tra mới, chỉ bao gồm các cảnh sát nữ. Thế nhưng, cách giải quyết này vẫn không làm hài lòng công chúng, cho đến khi một đội điều tra đặc biệt ra đời. 

Theo phóng viên của đài MBC Jang Young, người đưa tin về vụ việc cho đài CBS vào thời điểm đó, cho biết đã có một cuộc xem xét thăng chức cho các viên cảnh sát sau khi vụ việc nổ ra. Ngoài ra, 8 viên cảnh sát có liên quan bị kỷ luật cũng nhanh chóng được phục chức chỉ sau 1 năm.

Bản án gây phẫn nộ cho 44 kẻ ác và cuộc đời bị hủy hoại của nạn nhân

Về phía Jung, cô bị tổn thương sâu sắc về mặt thể chất lẫn tinh thần sau vụ việc, thậm chí rơi vào trầm cảm phải nhập viện điều trị. Trong quá trình đó, nạn nhân đã khóc rất nhiều và không ít lần đòi chết.

Lúc Jung nằm viện, gia đình của các nghi phạm đã đến thăm cô và đưa ra các bản thỏa thuận. Cha của Jung khi ấy đã thay mặt con gái, đứng ra chấp thuận hòa giải để đổi lấy số tiền 50 triệu won (hơn 1 tỷ đồng theo tỷ giá hiện tại). Trong số này, 15 triệu won được dùng để xây ngôi nhà riêng cho gia đình ở ngoại ô Ulsan, phần còn lại chia cho người thân, không hề có phần của chị em Jung.

 - Ảnh 5.

Cảnh trong phim Han Dong Ju.

Hành động này của bố Jung gây ảnh hưởng lớn đến bản án của các nghi phạm. Trong số 44 nam sinh liên quan đến vụ án, chỉ có 10 người bị cơ quan công tố truy tố. Trong số 34 người còn lại, 20 người được gửi đến cơ quan vị thành niên, 13 người được trả tự do vì không bị truy tố do đã đạt được thỏa thuận với nạn nhân hoặc không có tên trong đơn khiếu nại. 1 người liên quan đến vụ án khác nên đã được chuyển đến cơ quan khác xử lý.

Tháng 4/2005, 10 nam sinh bị truy tố hưởng án treo mà không hề bị lưu bất kỳ vết tích nào trong dữ liệu hồ sơ cá nhân. Tất cả đều đã được trả tự do, tiếp tục học đại học và tái hòa nhập với cộng đồng. So với những gì mà các nạn nhân phải chịu, bản án này tất nhiên gây tranh cãi, rất nhiều người dân đã xuống đường biểu tình, mong đòi lại công bằng cho nạn nhân.

 
 

Sau tất cả những việc làm của cha cùng bản án dành cho kẻ ác, Jung bị sốc và bỏ nhà ra đi tìm mẹ. Sau khi được trung tâm tư vấn bạo lực tình dục thuyết phục, bố Jung đã chấp nhận trao lại quyền nuôi dưỡng con gái cho vợ cũ. Cuối cùng, 2 chị em Jung đến Seoul sống với mẹ còn em trai thì ở lại Ulsan cùng bố. 

Sau đó, mẹ con Jung đã đệ đơn kiện đòi bồi thường thiệt hại cho những gì mà cuộc điều tra của cảnh sát đã gây ra với cô. Ngày 18/3/2007, Tòa án cấp cao Seoul đã đưa ra phán quyết bồi thường cho Jung 40 triệu won (816 triệu đồng theo tỷ giá hiện tại) và 10 triệu won (204 triệu đồng theo tỷ giá hiện tại) cho mẹ cô. 

Không có nhiều thông tin về cuộc sống của Jung sau vụ việc. Nhiều nguồn tin cho biết cô vẫn chưa tốt nghiệp cấp 3 và không thể tìm được việc làm ổn định. Cô cắm mặt vào máy tính, ở lì tại các tiệm net và sống qua ngày bằng đồng lương từ công việc bán thời gian. Jung ăn uống vô độ và tăng cân rất nhiều. 

Vụ án nữ sinh bị 44 nam sinh cưỡng bức tập thể cứ thế khép lại trong sự bức xúc của dư luận và nỗi xót xa dành cho nạn nhân. Nó đã trở thành nguồn cảm hứng để các nhà làm phim thực hiện tác phẩm Han Dong Ju và Don't Cry Mommy, như một sự nhắc nhở dư luận về nỗi đau mà các nạn nhân bị tấn công tình dục, hầu hết là nữ, phải gánh chịu. Hành động của những kẻ ác không chỉ hủy hoại cuộc đời của nạn nhân mà còn đẩy gia đình của họ vào bế tắc. 

 - Ảnh 7.

Cảnh trong phim Han Dong Ju...

 - Ảnh 8.

... và Don't Cry Mommy.

(Nguồn: Sisa Journal)

 

Link gốc: http://ttvn.toquoc.vn/vu-thieu-nu-bi-44-nam-sinh-cuong-hiep-tap-the-chan-dong-han-quoc-ban-an-gay-phan-no-du-luan-va-cuoc-doi-truot-dai-cua-nan-nhan-sau-khi-bi-hai-2220213418507315.htm

Theo ttvn.vn

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang