Vụ "Tịnh thất Bồng lai": Điều tra việc Lê Tùng Vân bị tố dụ dỗ phụ nữ, trẻ em làm những việc trái luân thường đạo lý

Ngoài các tội danh đã khởi tố, cơ quan chức năng sẽ tiếp tục điều tra và xác minh thông tin 'Tịnh thất Bồng lai' và ông Lê Tùng Vân dụ dỗ phụ nữ, trẻ em và có những việc làm trái luân thường đạo lý khác.

Như đã đưa tin, chiều 5/1 mới đây, Cơ quan ANĐT tỉnh Long An cho biết đang khẩn trương lấy lời khai một số cá nhân, trong đó có ông Lê Tùng Vân (SN 1932) để làm rõ về dấu hiệu phạm tội: loạn luân, lừa đảo chiếm đoạt tài sản và lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước, tổ chức, cá nhân.

Theo phóng sự của Đài PT-TH Long An, từ năm 1990 đến 2007, ông Lê Tùng Vân - người đứng đầu cơ sở thờ tự Phật giáo giả danh này từng mở một cơ sở dưới hình thức tương tự dưới tên Trại dưỡng lão - cô nhi Thánh Đức tại huyện Bình Chánh, TP.HCM, tự nhận là nuôi trẻ mồ côi, người già không nơi nương tựa để tiếp nhận các khoản từ thiện đổ về.

Bị khởi tố tội loạn luân, người đứng đầu Tịnh thất Bồng lai sẽ đối mặt với mức án gì? - Ảnh 1.

Ông Lê Tùng Vân - người đứng đầu "Tịnh thất Bồng lai"

Cũng theo Công an tỉnh Long An, vào năm 2014, bà Cao Thị Cúc (SN 1960, ngụ xã Long Hựu Đông, huyện Cần Đước) về xã Hòa Khánh Tây, huyện Đức Hòa, Long An mua gần 2.000 m2 nhà, đất. Sau đó bà Cúc sửa chữa để làm điểm tu tại gia.

Sau đó, năm 2015, ông Lê Tùng Vân (SN 1932, ngụ phường 10, quận 6, TP.HCM) chuyển về xã Hòa Khánh Tây sống chung với bà Cúc. Ông Vân và bà Cúc có mối quan hệ phức tạp.

Thời điểm này, ông Vân nhận nuôi con nuôi với danh nghĩa làm từ thiện và tự thành lập "Tịnh thất Bồng Lai", sau này đổi tên là "Thiền am bên bờ vũ trụ".

Vụ Tịnh thất Bồng lai: Long An sẽ điều tra việc ông Lê Tùng Vân bị tố dụ dỗ phụ nữ, trẻ em và những việc trái luân thường đạo lý  - Ảnh 2.

Theo Cơ quan điều tra, ông Vân "gắn mác" tu hành nhưng lại sinh hoạt, sinh sống như những người bình thường

Điều tra của cơ quan chức năng cũng cho biết, trước đó vào năm 2007, ông Vân cũng tự phong là Giám đốc Trại dưỡng lão và cô nhi Thánh Đức (trụ sở tại huyện Bình Chánh, TP.HCM) để nhận con nuôi.

Tuy vậy, do không chấp hành quy định về tạm trú và đăng ký nhận nuôi con, nên huyện Bình Chánh đã chấm dứt hoạt động cơ sở của ông Vân.

Từ năm 2015 đến nay, cơ sở "Tịnh thất Bồng lai" đã có 18 người cư trú. Trong đó có 6 trẻ em và cả 6 trẻ đều có mẹ ruột cùng tạm trú, không phải trẻ mồ côi. Nhưng "Tịnh thất Bồng lai" vẫn lợi dụng danh nghĩa nuôi trẻ mồ côi, cơ nhỡ để kêu gọi giúp đỡ của nhiều người trong nước cũng như nước ngoài.

Điều bất ngờ là kết quả điều tra còn cho biết, đa số trẻ em sinh sống tại "Tịnh thất Bồng lai" đều là con cháu có quan hệ huyết thống với ông Vân.

Trước đó, trả lời phỏng vấn Đài PT-TH Long An, ông Hồ Trường Ca, Chủ tịch UBND xã Hòa Khánh Tây, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An nơi làm giấy khai sinh đối với 3 em bé tại "Tịnh thất Bồng lai". Theo đó 3/5 trẻ em mang danh "chú tiểu" được xác định không phải trẻ mồ côi như lời giới thiệu của "Tịnh thất Bồng lai". Cụ thể:

1. Lê Thanh M. N. (mẹ là Lê Thanh K.D.)

2. Lê Thanh P.V. (mẹ là Lê Thanh K.D.)

3. Lê Thanh M.T. (mẹ là Lê Thanh H.T.)

Đài này khẳng định việc cố tình giới thiệu trẻ em nơi đây là trẻ mồ côi có dấu hiệu lừa đảo, lợi dụng lòng tin để chiếm đoạt tài sản. Chính quyền địa phương cũng khẳng định sẽ tiếp tục điều tra và xác minh thông tin "Tịnh thất Bồng lai" và ông Lê Tùng Vân dụ dỗ phụ nữ, trẻ em và có những việc làm trái luân thường đạo lý khác.

Cũng theo Cơ quan điều tra, những ý đồ, toan tính của ông Vân khá bài bản để lừa mọi người. Việc làm này thể hiện ý định rất rõ ràng và có sự dàn dựng kĩ lưỡng nên ông Vân đã thực hiện trót lọt trong thời gian dài về các hành vi trên. Cơ quan điều tra đang tích cực củng cố hồ sơ, tài liệu; khi có đủ cơ sở sẽ khởi tố cả 3 tội danh có liên quan.

Theo Pháp luật và bạn đọc

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang