Xấu là 1 cái tội - Nỗi ám ảnh cực đoan của phụ nữ Hàn Quốc chấp nhận gánh chịu "bạo lực" bằng các phương pháp thẩm mỹ đổi lấy gương mặt đẹp

Trong thời đại sắc đẹp lên ngôi, thật sự phải có gương mặt thiên thần và thân hình ác quỷ mới có thể hạnh phúc hay sao?

Năm 2015, một bộ truyện kinh dị của Hàn Quốc mang tên "Dung dịch thẩm mỹ" (Beauty Water/성형수) bất ngờ nổi tiếng. Nhưng cái kết của của bộ truyện lại khiến không ít độc giả rùng mình. 

Yae Ji là một cô gái mũm mĩm và vẻ ngoài cũng không ưa nhìn, vì vậy mà cuộc sống của cô ngày càng khó khăn hơn. Đến một ngày, Yae Ji vô tình xem được đoạn quảng cáo về một loại dung dịch thẩm mỹ làm đẹp có thể khiến cơ thể trở nên thon gọn và xinh đẹp. 

Và thế là Yae Ji quyết định sử dụng thử. Sau khi dùng dung dịch thẩm mỹ đó, cô thật sự đã được tái sinh với dung mạo xinh đẹp như mơ ước. Tuy nhiên, loại dung dịch này cũng có tác dụng phụ. Vào một ngày nọ, khi đang tắm với dung dịch này Yae Ji đột nhiên cảm thấy cơ thể mình đang tan chảy, cuối cùng cô gần như chỉ là một bộ xương.

Để cứu Yae Ji, bố mẹ cô đã tự dùng da thịt của mình để giúp con gái hồi phục 1 nửa cơ thể, dù vậy trông Yae Ji vẫn rất đáng sợ. Yae Ji bắt đầu điên cuồng tìm cách phục hồi, cô tìm đến một người làm đại lý cho dung dịch chỉnh dung để hỏi thăm. 

Tuy nhiên, khi biết đối phương là một cô gái trẻ đẹp thì trong lòng Yae Ji đã nổi lên dã tâm, Yae Ji đã giết và lấy thân xác của đối phương làm của riêng. 

Nỗi ám ảnh cực đoan mang tên

Ảnh minh họa.

Và một lần nữa, dưới sự giúp đỡ của dung dịch thẩm mỹ, Yae Ji xinh đẹp trở lại và làm quen được một người bạn trai đẹp trai. Nhưng một thời gian sau, Yae Ji vô tình biết được sự thật của bạn trai, anh ta cũng đã sử dụng dung dịch thẩm mỹ và đặc biệt hơn cả là thay đổi từ nữ thành nam. 

Biết Yae Ji đã biết được bí mật của mình, người "bạn trai" đã quyết định thủ tiêu Yae Ji và dùng dung dịch thẩm mỹ biến Yae Ji thành đầu gối của mình. 

Bộ truyện này do "bậc thầy kinh dị" Oh Seong Dae sáng tác và cũng là tác phẩm đưa tên tuổi của ông ra khỏi lãnh thổ Hàn Quốc. Bởi nó châm biếm sâu sắc nỗi ám ảnh về phẫu thuật thẩm mỹ của xã hội Hàn Quốc. 

Trước đây, văn hóa truyền thống của Hàn Quốc đề cao giá trị vô hình như sự chính trực, lòng nhân hậu, hiếu thảo,... nhưng giờ đây tất cả đều được thay thế bằng những hình thức bên ngoài. 

Nỗi ám ảnh cực độ của người Hàn Quốc

Là một quốc gia của phẫu thuật thẩm mỹ, người Hàn Quốc gần như bị ám ảnh bởi việc đụng dao kéo vào khuôn mặt. Rất nhiều cô gái đã nhận được quà trong ngày lễ trưởng thành là phiếu phẫu thuật thẩm mỹ từ bố mẹ. 

Cũng có không ít phụ huynh đã hứa với con cái nếu có kết quả thi cử tốt thì sẽ được đưa đi phẫu thuật thẩm mỹ mắt 2 mí. Thậm chí, học sinh tiểu học cũng có những thẩm mỹ viện riêng biệt dành cho những đối tượng này.

Nỗi ám ảnh cực đoan mang tên

Ảnh minh họa.

Ở Hàn Quốc, một nửa số phụ nữ đã trải qua phẫu thuật thẩm mỹ. Cắt mắt 2 mí, nâng mũi, trị tàn nhang đều có thể được thực hiện ở các thẩm mỹ viện Hàn Quốc và chúng đều không được xem là phẫu thuật; gọt cằm, nâng ngực, rút bớt xương sườn,... mới được gọi là phẫu thuật. 

Theo một khảo sát năm 2017, 88% người đang tìm việc tin rằng ngoại hình sẽ ảnh hưởng quá trình tìm kiếm việc làm và một nửa trong số họ cho biết mình sẵn sàng thực hiện phẫu thuật thẩm mỹ để có việc làm. 

Chính vì xã hội ngày càng xem trọng vẻ ngoài nên rất nhiều người lầm tưởng chỉ cần dựa vào khuôn mặt là có thể có thu nhập cao, phẫu thuật thẩm mỹ 1 lần là có thể đạt đến đỉnh cao của cuộc đời. 

Không chỉ ở Hàn Quốc mà ở Trung Quốc, Nhật Bản và nhiều đất nước khác, đã có quá nhiều chỉ trích gay gắt đối với nhan sắc của người phụ nữ. 

Năm 2018, MC Lim Hyeon Joo can đảm đeo kính gọng đen khi dẫn chương trình tin tức Hàn Quốc. Sự việc đã khiến công chúng Hàn Quốc chỉ trích suốt thời gian dài sau đó.

Cũng trong năm 2018, người đẹp Kim Soo Min trở thành Hoa hậu Hàn Quốc. Tuy nhiên vì cao 1m74 và nặng 58kg, Kim Soo Min đã phải hứng chịu làn sóng chỉ trích quá béo từ dư luận. Đông đảo công chúng cho rằng cuộc thi sắc đẹp năm đó không hề có chất lượng. 

Nỗi ám ảnh cực đoan mang tên

Hoa hậu Hàn Quốc Kim Soo Min bị chỉ trích bởi nhan sắc nhạt nhòa, vẻ ngoài không quá thọn gọn.

Điều gây sốc hơn cả là khi một người phụ nữ Hàn Quốc xuất hiện ở nơi công cộng, nếu không trang điểm thì cô ấy sẽ nhận được ánh mắt kỳ quặc từ người xung quanh. Trong một cuộc phỏng vấn nhanh trên đường phố Hàn Quốc, khi được hỏi "Bạn có thường trang điểm không?", tất cả phụ nữ được hỏi đều trả lời là có, ngay cả khi đến cửa hàng tiện lợi trước cửa nhà hay đi vứt rác đều phải trang điểm.

Dần dần con người bắt đầu đối diện với các giá trị thẩm mỹ bị bóp méo một cách cực đoan. 

Lina Bae là một beauty blogger 21 tuổi nổi tiếng trên Youtube, cô thường chia sẻ các video hướng dẫn trang điểm và có hơn 140.000 lượt theo dõi. Phần bình luận bên dưới các video của cô luôn có những lời chỉ trích tiêu cực như "Nếu lớn lên mà có dáng vẻ như vậy thì chắc tôi sẽ tự sát" hay "Đang trang điểm cho heo à?".

Những bình luận này như vết dao sắt bén cứa vào tim Lina Bae, khiến cô ngày càng tự ti hơn. Dường như chỉ có một tiêu chuẩn duy nhất để đánh giá phụ nữ trong xã hội hiện đại, phải có gương mặt thiên thần và thân hình ác quỷ mới xứng đáng có cuộc sống hạnh phúc hay sao?

Nỗi ám ảnh cực đoan mang tên

Lina Bae.

"Tôi không xinh đẹp nhưng điều đó không quan trọng"

Ngoài những bình luận cực đoan, cũng có nhiều cư dân mạng để lại tin nhắn cho Lina Bae rằng, ngoài cô ra vẫn còn có hàng phụ nữ đang phải gánh chịu áp lực đánh giá ngoại hình. Do đó, Lina Bae quyết định đăng tải video mang tên "I'm not pretty", quay lại gương mặt mộc thường ngày của cô và khi đã được trang điểm kỹ lưỡng. 

Cuối đoạn video trên, Lina Bae mỉm cười chia sẻ: "Tôi không xinh đẹp nhưng điều đó không quan trọng. Đừng vì ánh mắt của người khác mà phá hủy bản thân, đừng để định kiến của xã hội ràng buộc bản thân, đừng so sánh bản thân với những hình tượng trên các phương tiện truyền thông. Bởi vì hiện tại bạn đã rất đặc biệt". 

Đã có đến 7,5 triệu người xem đoạn video này và sau đó phụ nữ Hàn Quốc bắt đầu hưởng ứng phong trào "cởi bỏ áo nịt ngực" (Escape The Corset). Họ còn cắt phăng mái tóc dài, vứt bỏ mỹ phẩm và dùng son môi viết nên các câu khẩu hiệu, nhằm phá bỏ các xiềng xích của người phụ nữ trong xã hội Hàn Quốc. 

Ngày càng nhiều người lên án, phẫu thuật thẩm mỹ là một dạng bạo lực đối với phụ nữ. 

Cách đây không lâu, một cố vấn của chương trình làm đẹp "Bạn sao lại xinh đẹp đến thế" đã trịnh trọng tuyên bố: Phụ nữ phải trang điểm. Nhưng, là ai đã quy định phụ nữ bắt buộc phải trang điểm? 

Ai cũng yêu cái đẹp, theo đuổi cái đẹp là chuyện rất bình thường. Tuy nhiên, khi cái đẹp trở thành khuôn mẫu, tất cả những mỹ nữ gần như được sản xuất từ một nhà máy thì liệu có còn đẹp hay không? 

Nguồn: Sohu, News 1, Vogue Hàn Quốc

 

Link gốc: http://phapluatbandoc.giadinh.net.vn/xau-la-1-cai-toi-noi-am-anh-cuc-doan-cua-phu-nu-han-quoc-chap-nhan-ganh-chiu-bao-luc-bang-cac-phuong-phap-tham-my-doi-lay-guong-mat-dep-162200409210347699.htm

Theo ttvn.vn

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang