“Đỏ mắt” tìm nơi gửi gắm ADN
Bất cứ ai khi tìm tới dịch vụ xét nghiệm ADN cũng đều mang trong lòng mối nghi ngờ liệu kết quả có chính xác? Nhất là trong thời buổi dịch vụ xét nghiệm ADN mọc lên “như nấm sau mưa”, nơi nào cũng quảng cáo “uy tín số 1” thì mối lo lắng này hoàn toàn chính đáng.
Là người tiên phong và gắn bó với công việc xét nghiệm ADN 15 năm nay tại Việt Nam, ThS. Nguyễn Thị Nga, Giám đốc Trung tâm phân tích ADN và Công nghệ di truyền cũng phải đặt câu hỏi nghi vấn như thế khi nói về chất lượng của dịch vụ xét nghiệm ADN trên thị trường hiện nay.
Bà Nguyễn Thị Nga nhận định đã từng tiếp nhận không ít trường hợp gia đình khổ sở vì kết quả ADN sai lệch của đơn vị khác. Ảnh: Thu Hà
Chính Trung tâm của bà cũng từng tiếp nhận không ít khách hàng đi làm xét nghiệm ở một nơi khác và đến đây nhờ bà “giải cứu”.
Một ca khách hàng khiến bà Nga nhớ mãi. Hôm đó, hai người thanh niên lững thững bước vào Trung tâm. Ngồi xuống ghế, họ tò mò hỏi như đang điều tra “Phòng thí nghiệm ở đâu?”.
Sau một hồi trò chuyện, người thanh niên chân thành cho biết họ đang cảm thấy cực kỳ mông lung. Đây là trung tâm thứ ba họ đến làm xét nghiệm ADN. Đầu tiên, họ đến một công ty quảng cáo trên mạng rất hoành tráng, hình ảnh lung linh toàn Tây là Tây, kỹ thuật, phương tiện cũng “Tây toàn tập”, rồi có những trường hợp được gửi đi Tây xét nghiệm.
Trung tâm uy tín thì mọi thông tin, bằng khen, chứng chỉ, giấy tờ... liên quan đến Trung tâm sẽ hết sức rõ ràng. Ảnh: Thu Hà
Dù họ quảng cáo làm được mọi thứ nhưng khi nghe đến trường hợp của người thanh niên này – một người con sinh ra từ chiến trường, họ có vẻ e ngại. Cảm giác không yên tâm, người thanh niên không làm, tiếp tục tìm đến nơi khác.
Nơi thứ hai họ đến thì cho hai mức giá khác nhau. Một mức giá chỉ trả lời bằng miệng, không con dấu. Một mức giá có văn bản, có dấu. Trong khi khách hàng không muốn để bố biết chuyện xét nghiệm này thì cơ sở lại yêu cầu “đưa bố đến đây”. Thấy không ổn, người thanh niên đành thất thểu ra về.
Đến khi tìm đến Trung tâm của bà Nga, họ mới vỡ lẽ mọi dịch vụ đều có bảng giá niêm yết rõ ràng. Dù họ muốn không có dấu cũng không được bà không bao giờ phát ra một kết quả không có con dấu.
Khốn khổ vì kết quả sai lệch
Ngoài trường hợp trên, bà Nga từng tiếp nhận nhiều trường hợp khách hàng bỏ hàng chục triệu xét nghiệm ADN trong nước ối, chờ đợi hàng tuần để cho ra kết quả “không phải là con”.
Không chấp nhận kết quả oan ức đó, họ đã tìm tới Trung tâm của bà nhờ giúp đỡ. Cuối cùng, kết quả họ nhận được “là con”, mối oan được hóa giải.
Một trường hợp khá đau lòng khác, cặp vợ chồng hiếm muộn mãi mới có con. Khi đó, ông chồng nghi vấn người vợ liệu đứa con trong bụng có phải là con ông. Dù vợ cam đoan nhưng ông vẫn bắt vợ đi làm xét nghiệm.
Kết quả ADN cần phải có đầy đủ con dấu đỏ và chữ ký của người đứng đầu Trung tâm. Ảnh: Thu Hà
Lần thứ nhất, ông làm xét nghiệm ADN không xâm lấn tại một trung tâm. Không tin tưởng, ông lại bắt vợ chọc ối lần nữa để xét nghiệm lần hai. Chưa thỏa mãn mối nghi ngờ, ngay khi vợ sinh con, người chồng đã nhờ bà Nga đến tận bệnh viện để lấy máu trẻ sơ sinh xét nghiệm ADN. Lúc này, kết quả “là con” rõ mồn một, ông mới thở phào nhẹ nhõm. Dù mất tiền oan hai lần trước nhưng người chồng cũng tặc lưỡi cho qua.
Có khách hàng lớn tuổi đến với Trung tâm của bà than phiền họ bị sai lệch kết quả nhưng nơi làm sai “mắng” khách, đổ lỗi do khách… đổi mẫu. Có người vợ, người chồng khốn đốn vì cùng một lúc làm ở hai trung tâm và cho kết quả ADN thai nhi, đứa trẻ ngược nhau.
Theo bà Nga, cho đến thời điểm hiện tại, những mẫu xét nghiệm ADN chính xác tuyệt đối đó là tóc còn chân, móng tay, cuống rốn, mẫu mô trên cơ thể, 3ml nước ối của phụ nữ mang thai.
Phương pháp xét nghiệm máu mẹ để tìm ADN thai nhi thế giới đang thử nghiệm. Tuy nhiên, do ADN thai nhi trong máu mẹ “lơ lửng” rất ít, thậm chí xét nghiệm lại ra chính là ADN của mẹ chứ không phải của con.
Cuốn sách "Muôn vẻ chuyện đời thời ADN" là tâm huyết của bà Nga sau 15 năm làm công việc xét nghiệm ADN cho hàng nghìn gia đình người Việt. Ảnh: Thu Hà
“Hiện nay, trên thế giới có nơi đang thử nghiệm và mới chỉ là thử nghiệm xác định ADN trước sinh bằng máu ngoại vi của mẹ, không chọc ối. Nhưng độ chính xác rất thấp vì công nghệ chưa hoàn thiện và mất rất nhiều thời gian (trên 3 tuần), lệ phí cũng rất cao.
Để đảm bảo chính xác tuyệt đối, chúng tôi cũng không bao giờ nhận mẫu kẹo cao su, bàn chải đánh răng vì có thể nhiễm mẫu ADN của người khác và nhiễm khuẩn, làm sai lệch kết quả. Hơn nữa, không ai dám đảm bảo mẫu bàn chải đánh răng chỉ của có mình người cần xét nghiệm sử dụng”, bà Nga nói.
Theo quan điểm của bà Nga, hiện nay, các dịch vụ xét nghiệm huyết thống mở ra rất nhiều, vì phần lớn không cần đầu tư, chỉ cần một không gian nhỏ, làm văn phòng, nhận khách, lấy mẫu rồi gửi đi nơi khác thuê làm dưới danh nghĩa "liên kết", "hợp tác". Khách hàng thậm chí có thể mặc cả vì “giá nào họ cũng nhận”.
“Cũng có những địa chỉ uy tín nhưng bên cạnh đó là những địa chỉ tự xưng là trung tâm phân tích ADN, tờ kết quả lại ghi là công ty...
Có nơi làm những trang web trình bày rất đẹp, viết rất hay, nhưng vẫn để lộ những sai sót, vô lý. Nhiều nơi tự xưng uy tín nhất, tốt nhất, hàng đầu Việt Nam mà họ không hiểu rằng những từ đó phải để khách quan đánh giá thay vì mình tự nói ra.
Điều đó gây lúng túng, mất lòng tin cho những người có nhu cầu xét nghiệm, khiến họ không biết đâu mà lần. Mặt khác, kết quả không chính xác có thể kéo theo những hệ lụy của cả đời người.
Vì thế, tốt nhất khi có nhu cầu xét nghiệm ADN, người dân nên tìm hiểu kỹ, đừng vội tin vào lời quảng cáo hoành tránh để tránh tiền mất tật mang”, bà Nguyễn Thị Nga khuyến cáo.
Theo emdep.vn
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.