Mỗi chuồng có giá… 236 triệu
Được biết, Đề án hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội dân tộc Ơ Đu tỉnh Nghệ An giai đoạn 2016 - 2025 được Thủ tướng phê duyệt vào năm 2016 với tổng kinh phí 120 tỷ đồng. Các hạng mục chính phát triển kinh tế - xã hội cho người Ơ Đu gồm: Xây dựng hoàn thiện cơ sở hạ tầng; hỗ trợ phát triển sản xuất; hỗ trợ bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống; đào tạo sử dụng cán bộ và xây dựng hệ thống chính trị cơ sở; hỗ trợ các chính sách về y tế, giáo dục.
Mục tiêu của đề án là duy trì, phát triển và nâng cao vị thế của dân tộc Ơ Đu; xóa đói, giảm nghèo, cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào một cách bền vững nhằm giảm dần sự chênh lệch về khoảng cách phát triển với các dân tộc khác trong vùng; xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu ở các bản nơi sinh sống tập trung của đồng bào dân tộc Ơ Đu; góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Đề án được thực hiện trong thời gian 10 năm (2016 - 2025), chia thành hai giai đoạn, giai đoạn I từ 2016 - 2020 và giai đoạn II từ 2021 - 2025. Địa điểm thực hiện là bản Văng Môn, xã Nga My và bản Đửa, xã Lượng Minh, huyện Tương Dương.
Chuồng bò với giá hàng trăm triệu ở huyện miền núi Nghệ An.
Đối với người dân, đây là tài sản vô cùng lớn.
Trong các hạng mục của đề án, một trong số đó khiến dư luận vô cùng xôn xao là xây 67 chuồng bò với giá gần 13 tỷ đồng. Trong đó, có 4 chuồng loại 1 gần 510 triệu đồng, 53 chuồng loại 3 hơn 7,24 tỷ đồng. Đặc biệt, có 10 chuồng loại 2 hơn 2,36 tỷ đồng. Điều này đồng nghĩa với việc một chuồng bò tương ứng gần 236 triệu đồng.
Kích thước mỗi chuồng là 4,5 x 6,69m, chiều cao tường 2,7m; trước và sau đều có hệ thống bạt cuốn che lạnh vào mùa đông, nền nhà bê tông. Phía trước là hành lang và máng đựng thức ăn...
Điều đáng nói, chuồng bò này nằm ngay nhà dân đang xuống cấp.
Hình ảnh chênh lệch khiến mọi người vô cùng xót xa.
Về việc này, ông Đặng Xuân Quyền - Trưởng Phòng Quản lý Xây dựng Công trình (Sở NN&PTNT Nghệ An, đơn vị thẩm định thiết kế và dự toán) cho rằng việc thẩm định giá dự án được thực hiện theo quy định của Nhà nước, đơn giá thống nhất chung của tỉnh. Quy trình thẩm định giá là sau khi được UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt đề án, Ban Dân tộc lựa chọn, thuê tư vấn để thiết kế các hạng mục công trình.
"Đối với chuồng bò đôi (loại 2), Ban Dân tộc sẽ hỗ trợ cho mỗi gia đình 4 con bò, 2 gia đình gần nhau thì gộp lại chuồng đôi. Vì đây là miền núi cộng với đơn giá của Nhà nước nên ra số tiền như vậy", ông Quyền nói.
Xuất hiện những sai phạm trong đề án
Tuy nhiên quá trình triển khai đề án mới phát hiện 231 nhân khẩu tại bản Đửa, xã Lượng Minh, huyện Tương Dương bị đưa nhầm vào đề án. Tại bản Đửa không có người Ơ Đu nào. Sau đó, UBND tỉnh Nghệ An đã có Quyết định đưa bản Đửa ra khỏi "Đề án Hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội dân tộc Ơ Đu tỉnh Nghệ An giai đoạn 2016-2025".
Vào cuộc điều tra, tối 21/7, cơ quan CSĐT Công an tỉnh Nghệ An khởi tố vụ án, bắt tạm giam 4 tháng ông Kim Văn Bốn (SN 1982), cán bộ Ban Dân tộc tỉnh để điều tra hành vi tham ô tài sản. Theo kết quả điều tra ban đầu, ông Bốn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao, thực hiện hành vi lập khống hồ sơ để rút tiền từ đề án, gây thiệt hại nghiêm trọng cho tài sản Nhà nước.
Được biết, ông Kim Văn Bốn được phân công nhiệm vụ phân bổ, thực hiện dự toán và quyết toán kinh phí đối với danh mục hỗ trợ tổ chức lớp dạy tiếng dân tộc Ơ Đu và tập huấn kỹ thuật về nuôi, trồng, phòng, chống chữa bệnh cho gia súc, gia cầm và cây cối ở bản Văng Môn.
Liên quan đến vụ việc, tối 23/7, công an đã hoàn tất khám xét nơi ở của ông Nguyễn Tâm Long, phó Trưởng phòng Chính sách dân tộc, Ban dân tộc tỉnh Nghệ An. Ông Long đang bị điều tra liên quan đến việc quản lý một số hạng mục trong thực hiện Đề án phát triển Kinh tế, xã hội dân tộc Ơ Đu tỉnh Nghệ An giai đoạn 2016-2025.
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.