Xót xa bé trai 12 tuổi chăm mẹ khù khờ mắc 2 bệnh ung thư giai đoạn cuối: "Cháu không có bố, mẹ chết cháu sống thế nào đây?"

Người ta nói mẹ khờ dại. Người ta bảo mẹ không còn sống được bao lâu nữa. Nếu như vậy thì cháu sẽ sống như thế nào đây? Cháu đã không có bố, giờ lại sắp phải rời xa mẹ”, cậu bé 12 tuổi khóc nghẹn khi nghĩ đến việc sắp phải rời xa mẹ.

Cậu bé không cha, chăm mẹ khù khờ mắc ung thư

Đang hốt mớ ngô ngoài sân thì nghe tiếng thở gấp gáp của người mẹ, em Hoàng Danh Hồng Lĩnh (12 tuổi, trú xóm Tân Giang, xã Quỳnh Bảng, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An) vội chạy vào bên cạnh mẹ. Vừa lấy tay xoa lên cái bụng phình to, căng cứng của người mẹ Lĩnh vừa lo lắng hỏi "Mẹ thấy đau nhiều lắm không? Mẹ cố gắng lên nhé, sẽ hết đau nhanh thôi mà".

“Cháu không có bố, mẹ mà chết rồi cháu biết sống với ai?” - Ảnh 1.

Lĩnh bên người mẹ mắc bệnh ung thư.

Bà Hồ Thị Hiển (54 tuổi, bà ngoại của Lĩnh) tâm sự, chồng sớm qua đời, một mình bà vất vả nuôi 4 đứa con thơ. Chị Hoàng Thị Hồng (37 tuổi) là con gái lớn trong gia đình và cũng là người bất hạnh nhất khi sinh ra không được thông minh, nhanh nhẹn như bao đứa trẻ khác.

Bạn bè cùng lứa đều lần lượt yên bề gia thất, chị Hồng trở thành gái quá lứa lỡ thì, sống thui thủi bên người mẹ già.

“Cháu không có bố, mẹ mà chết rồi cháu biết sống với ai?” - Ảnh 2.

"Cháu không có bố. Mẹ mà chết rồi cháu sống với ai?" Lĩnh khóc nghẹn.

12 năm trước, phát hiện bụng con gái to bất thường, chán ăn, mệt mỏi, bà Hiển đưa con đi khám thì biết chị Hiền đang mang thai ở tháng thứ 3. Nhiều lần gặng hỏi cha của đứa trẻ là ai thì chị Hồng lắc đầu.

"Tôi quyết định giữ lại cái thai cho con gái có quyền được làm mẹ như bao người phụ nữ khác. Dù vất vả nhưng tôi cũng sẽ cố gắng để chăm sóc tốt cho cả hai mẹ con. Chỉ mong đứa trẻ sinh ra bình thường, khỏe mạnh để sau này làm chỗ dựa cho mẹ. Con gái tôi đã chịu quá nhiều bất hạnh, thiệt thòi rồi", bà Hiển chia sẻ.

“Cháu không có bố, mẹ mà chết rồi cháu biết sống với ai?” - Ảnh 3.

Chị Hồng mắc cùng lúc 2 căn bệnh ung thư dạ dày và ung thư buồng trứng giai đoạn cuối.

Dù chào đời mang phận không cha, lớn lên trong tình thương của mẹ, bà ngoại nhưng Lĩnh được biết đến là một đứa trẻ ngoan, sống tình cảm, chăm học, chăm làm và rất hiếu thuận với mẹ.

2 tháng trước, chị Hồng thường xuyên than đau bụng, đau lưng, bụng phình to, căng cứng bất thường. Đưa con đi khám, bà Hiển ngã quỵ khi biết con mắc cùng lúc 2 căn bệnh hiểm nghèo là ung thư dạ dày và ung thư buồng trứng giai đoạn cuối. Hoàn cảnh gia đình quá khó khăn và cũng không còn cách gì để cứu chữa, bà Hiển đành gạt nước mắt, đưa con về nhà chấp nhận số phận.

“Cháu không có bố, mẹ mà chết rồi cháu biết sống với ai?” - Ảnh 4.

Bà Hiển chia sẻ cảnh đời bất hạnh của con, cháu mình.

"Đưa mẹ đi khám về, bà ngoại khóc rất nhiều. Bà bảo mẹ không còn sống được bao lâu nữa. Bà bảo cháu đừng đi chơi, tranh thủ ở bên cạnh mẹ.

Cũng từ đó cháu không dám đi chơi, sợ khi trở về không còn được gặp mẹ nữa", Lĩnh tâm sự.

"Cháu biết sống thế nào khi không còn mẹ?"

Chiến đấu với cùng lúc hai căn bệnh hiểm nghèo giai đoạn cuối khiến người phụ nữ bất hạnh này không còn sức để thở. Chị nằm xoài trên giường, khuôn mặt xanh xao, mệt mỏi, cái bụng phình to, căng cứng. Cứ ăn được chút gì vào bụng khoảng vài ba phút lại nôn ói ra hết.

 

 

Lĩnh ở nhà vừa chăm sóc mẹ vừa phụ việc nhà.

"Từ ngày biết mẹ bệnh nặng, thằng Lĩnh không còn cười nói nhiều như trước nữa. Nó không đi chơi, ngày hai buổi ở nhà phụ bà công việc nhà và chăm sóc mẹ. Tối đến, nghe mẹ than đau nhức là nó lại không dám ngủ, ngồi bên cạnh xoa bóp cho mẹ cả đêm. Nó sợ một ngày nào đó không còn mẹ bên cạnh.

Sao phận con, chị và cháu tôi lại bất hạnh như thế này? Mai này không còn mẹ, còn bà bên cạnh, tương lai của cháu tôi sẽ như thế nào đây?", anh Hoàng Danh Quý (cậu ruột của Lĩnh) buồn bã chia sẻ.

“Cháu không có bố, mẹ mà chết rồi cháu biết sống với ai?” - Ảnh 6.

Căn nhà nhỏ của bà Hiển nơi mẹ con Lĩnh đang ở.

Kinh tế gia đình trông chờ vào hơn một sào đất vườn trồng rau màu. Thời gian rảnh rỗi, ai thuê gì bà đều nhận làm đi nhặt phế liệu kiếm thu nhập trang trải cuộc sống, nuôi cháu học hành.

Hai tháng nay, kể từ ngày con gái phát hiện ra bệnh, bà Hiển ở nhà túc trục, chăm sóc, không thể làm gì kiếm thu nhập. Cuộc sống đã khó khăn, nay càng thêm vất vả. 3 người con còn lại của bà đều đã lập gia đình, có cuộc sống riêng nhưng ai cũng nghèo khó, dù thương mẹ, thương chị và cháu nhưng cũng không thể phụ giúp được gì nhiều.

“Cháu không có bố, mẹ mà chết rồi cháu biết sống với ai?” - Ảnh 7.

Gia đình bà Hiển thuộc hộ khó khăn triền miên của xã.

Hết hè này Lĩnh lên lớp 6. Dù không được ai phụ đạo thêm việc học hành nhưng Lĩnh rất siêng học và học rất giỏi. Năm nào em cũng được giấy khen. Thời gian này nghỉ hè, em ở nhà vừa chăm sóc mẹ ốm, vừa phụ bà làm công việc nhà như nấu cơm, quét dọn, giặt đồ... Cứ thỉnh thoảng em lại chạy vào nhà trông chừng rồi vừa xoa bóp vừa chuyện trò cùng mẹ.

“Cháu không có bố, mẹ mà chết rồi cháu biết sống với ai?” - Ảnh 8.

Kinh tế trông chờ vào hơn một sào đất vườn trồng hoa màu.

"Người ta nói mẹ khờ dại, chẳng làm được gì nhưng cũng là người sinh ra cháu, yêu thương cháu. Cháu muốn hàng ngày có mẹ mà gọi như các bạn. Cháu đã không có bố. Mẹ mà chết rồi cháu biết sống như thế nào đây? Cháu muốn lớn lên bên cạnh mẹ", Lĩnh nói trong nước mắt.

“Cháu không có bố, mẹ mà chết rồi cháu biết sống với ai?” - Ảnh 9.

"Cháu muốn lớn lên bên cạnh mẹ", Lĩnh ước trong nước mắt.

Chia tay gia đình đứa trẻ bất hạnh, ngước nhìn lại vẫn thấy Lĩnh ngồi giặt bộ quần áo mẹ vừa thay vì nôn ói. Đôi mắt đứa trẻ rưng rưng, "Cháu ước đi làm kiếm tiền chữa bệnh, mua sữa cho mẹ. Nhưng cháu còn quá nhỏ, chẳng ai thuê làm cả. Bệnh mẹ nặng lắm rồi, ăn được gì cũng nôn ói ra hết. Cư như thế này cháu rất sợ phải rời xa mẹ".

Mọi giúp đỡ cho mẹ con em Lĩnh xin vui lòng gửi về địa chỉ:

Bà Hồ Thị Hiển (bà nội em Lĩnh), xóm Tân Giang, xã Quỳnh Bảng, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. ĐT: 0398.460.311.

Hoặc STK của anh Hoàng Danh Quý (cậu ruột của Lĩnh): 4801205163383, ngân hàng Agribank, chi nhánh Phan Thiết- Bình Thuận. ĐT: 0586.789.984.

Trân trọng cảm ơn!

 

Theo Pháp luật và bạn đọc

 

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang