Trước kia, các nhà khoa học đã có một nghiên cứu trên 47.264 người và cho thấy, các nhân viên sẽ hạnh phúc hơn và làm việc năng suất hơn khi có văn phòng riêng. Nghiên cứu này đã chứng minh được, phần lớn ai cũng muốn đi làm mỗi ngày, vậy còn ngồi làm việc ở nhà thì sao?
Trên thực tế, việc ngồi ở nhà làm việc tưởng chừng như sẽ khiến chúng ta lười biếng, không thể hoàn thành công việc thì nay lại được chứng minh ngược lại, và đây thực chất là một cách làm việc vô cùng thông minh, vừa giúp giảm chi phí vận hành cho doanh nghiệp, vừa gia tăng doanh thu.
1. Ngồi ở nhà làm việc giúp nhân viên tăng hiệu quả công việc
Trong một nghiên cứu của Tạp chí Kinh doanh Harvard, các nhân viên trung tâm cuộc gọi của Ctrip (một website du lịch Trung Quốc), đã được phép chọn lựa để làm việc tại nhà trong 9 tháng. Một nửa số ứng viên đã tham gia, nửa còn lại tiếp tục làm việc tại văn phòng công ty.
Kết quả cho thấy, những ai ngồi tại nhà hoàn thành nhiều hơn những ai ngồi ở công ty 13,5% số cuộc gọi, cũng có nghĩa hiệu quả tăng lên tới thêm 1 ngày/1 tuần, theo giáo sư Nicholas Bloom từ Đại học Stanford cho biết.
Một nghiên cứu khác từ Gallup cũng tìm ra, những nhân viên được làm việc tại nhà từ 3 tới 4 ngày/tuần sẽ cảm thấy thỏa mãn hơn 33%, giảm 15% sự không hài lòng so với những ai đến công ty mỗi ngày.
2. Giúp nhân viên hài lòng hơn với công việc
Cũng theo nghiên cứu trên, việc tuyển dụng và đào tạo một vị trí thay thế sau khi nhân viên nghỉ việc có thể tốn tới 2 năm lương của nhân viên đó. Với trường hợp của Ctrip, những ai làm việc ở nhà thì có mức độ hài lòng với công việc cao hơn.
Hơn nữa, chính sách làm việc từ nhà cũng giúp doanh nghiệp tuyển dụng được thêm các nhân viên mới. Điều này cũng đúng với giới trẻ ngày nay, bởi trong một nghiên cứu năm 2018 của ĐH Akron, 41% số người trẻ cho biết, họ muốn giao tiếp qua các nền tảng điện tử hơn là qua gặp mặt và điện thoại.
3. Giảm chi phí vận hành
Một nghiên cứu của ĐH Sydney trên 47.000 nhân viên đã cho thấy, họ vui vẻ và làm việc hiệu quả hơn nếu có văn phòng riêng. Tuy nhiên, nghiên cứu này cũng thể hiện, ngồi ở nhà làm việc (có sự riêng tư nhất định) cũng là một phương án thay thế hay cho văn phòng riêng.
Khi nhân viên được làm việc từ nhà, họ sẽ tập trung hơn và không bị phân tâm. Bởi vậy, đây cũng là một cách giảm chi phí vận hành công ty trong khi không làm giảm năng suất lao động. Hơn nữa, nếu làm việc từ nhà, nhân viên sẽ tự... mua đồ nội thất cho văn phòng của mình, khá thú vị phải không?
4. Giảm số ngày nghỉ ốm
Theo Cục thống kê Lao Động Mỹ, khoảng 2,8 triệu ngày nghỉ đã bị mất mát mỗi năm vì xin nghỉ phép. Với một số công ty, tổn thất quy đổi ra tiền có thể lên tới cả triệu đô mỗi ngày.
Tuy nhiên, nếu làm việc từ nhà, nhân viên sẽ giảm được tỷ lệ ốm yếu vì không lây bệnh cho các đồng nghiệp (các bệnh cảm cúm) và đỡ ít bị stress hơn. Việc này cũng cho phép nhân viên tránh các tác động khỏi khói bụi khi di chuyển ngoài đường, từ đó cũng làm tăng năng suất làm việc lên đáng kể.
5. Giảm chi phí của doanh nghiệp cho trả lương
Lương là khoản chi phí mà các doanh nghiệp nhỏ luôn phải đau đầu, bởi họ phải chi tới 30% doanh thu gộp cho khoản này, con số còn cao hơn đối với các startup.
Nhưng nếu cho nhân viên làm việc tại nhà, doanh nghiệp sẽ có thể cắt giảm 8% chi phí, theo như một nghiên cứu của American Economic Review. Điều này hoàn toàn đúng, bởi làm việc ở nhà sẽ cắt bỏ chi phí cho việc di chuyển, đi lại tới công ty, thời gian cho giao thông có thể sử dụng để làm việc khác.
Nhìn theo góc độ kinh tế học một chút, giả sử 30% doanh thu của một doanh nghiệp là dành cho quỹ lương, tỷ suất lợi nhuận ròng là 3%, khi chi phí lương giảm đi 8% sẽ làm tăng thêm lợi nhuận ròng tới 3%. Như vậy lợi nhuận của doanh nghiệp đã tăng gấp đôi. Đó là còn chưa kể tới năng suất lao động sẽ tăng hơn 13%.
Tóm lại, hiện làm việc tại nhà mới thực sự là cách làm việc thông minh nhất, đối với cả doanh nghiệp và nhân viên.
Theo tri thức trẻ
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.