Người xưa có câu "khổ trước sướng sau" có ý nghĩa rằng có trải qua những khó khăn, vất vả thậm chí là đau khổ, thì khi nhận về những "trái ngọt", khi được hưởng sung sướng, chúng ta mới biết trân trọng nhiều hơn.
Câu nói này áp dụng vào việc nuôi con vẫn hoàn toàn hợp lý. Cha mẹ nào mà chẳng yêu con và chỉ muốn dành cho chúng những điều tốt nhất. Tuy nhiên, nếu yêu thương con 1 cách thái quá, lúc nào cũng bao bọc chúng thì đứa trẻ khó mà trưởng thành, tự lập được. Vậy nên, cha mẹ yêu thương con đến mấy cũng nên để con tự chịu 4 loại khổ này.
1. Khổ cực khi luyện tập, học tập
Không ai 1 bước đã trở thành thiên tài. Tất cả đều phải trải qua quá trình học tập và rèn luyện rất chăm chỉ, vất vả.
Trẻ con không phải bé nào cũng thích học tập, luyện tập. Cũng giống như mình ngày nhỏ, chúng ta luôn cảm thấy học tập là điều khó khăn nhất trên đời. Tuy nhiên, khi lớn lên, người lớn mới nhận ra rằng, quãng thời gian đi học là "dễ thở" nhất.
Thấy con khó chịu, khóc lóc khi ngồi vào bàn học, khi luyện tập... cha mẹ lại mủi lòng và nói với chúng rằng: "Thôi con không phải học nữa" hay "không tập được thì thôi, cố ép bản thân làm gì"... thì vô tình chúng ta đã khiến đứa trẻ trở nên lười biếng, không có ý chí.
Mai này khi lớn lên, bước ra ngoài xã hội, con sẽ phải đối mặt với rất nhiều những khó khăn thử thách khác. Đó có thể là deadline công việc, 1 cuộc thi năng lực,... Con không thể cảm thấy khó quá mà tùy tiện bỏ qua được! Và lúc này cha mẹ cũng không thể ở bên con và làm hộ chúng.
Mặt khác, khi con chịu khó học tập và luyện tập, con sẽ đạt được những thành tựu. Trên thực tế, những thiên tài hay những vận động viên thể thao,... đều phải trải qua quá trình học tập, rèn luyện vất vả.
Vì vậy có thương con đến mấy, cha mẹ vẫn nên để chịu khổ khi học hành. Sẽ có những lúc con muốn lười biếng, muốn bỏ cuộc, cha mẹ hãy ở bên để động viên khích lệ con. Tuy nhiên phụ huynh nên nhớ việc khích lệ con học khác với việc ép chúng phải học tập quá nhiều, 1 cách nhồi nhét. Có như vậy khi con thành công, trẻ sẽ biết ơn cha mẹ đã dạy chúng có được ngày hôm nay.
2. Khổ cực khi tự lập
Một đứa trẻ lúc nào cha mẹ cũng bế khư khư trên tay thì con mãi sẽ chẳng biết đi. Trẻ phải tự mình đứng xuống đất, từ từ đứng lên và lẫm chẫm đi những bước đầu tiên. Có thể lúc đó con chưa vững sẽ té ngã và sẽ khóc vì đau đớn. Nhưng nếu không có giai đoạn đó, con mãi mãi chỉ ngồi 1 chỗ và không đi được.
Hiệu trưởng Viện Khoa học Xã hội của Đại học Thanh Hoa từng nói: "Nuôi dạy con thực sự không phải là trồng cây trong nhà kính, mà là xây dựng nhân cách đầy đủ của trẻ trong khi dạy chúng đối mặt với thế giới một mình". Vậy mà vẫn còn tồn tại không ít các bậc cha mẹ thường nói với trẻ rằng: "Con chỉ cần ngoan thôi. Mọi việc có cha mẹ lo". Câu nói này xuất phát từ tình yêu thương con cái của phụ huynh. Nhưng cha mẹ không thể mãi chạy theo con mà lo cho chúng cả đời được.
Tốt nhất ngay từ nhỏ, phụ huynh nên rèn cho con tính tự lập. Ví dụ đơn giản nhất là để con tự ăn, tự mặc, tự ngủ. Có như vậy, ở thì tương lai, con mất đi sự hậu thuẫn vững chắc của cha mẹ, đứa trẻ vẫn có thể tiếp tục tiến lên.
3. Dạy con vượt qua đau khổ khi nhận những lời phê bình
Khi con sai sẽ bị người lớn phê bình, trách phạt. Đứa trẻ sẽ òa khóc vì sợ hãi, hoặc cảm thấy ấm ức, hay đơn giản là đang tìm sự giải cứu. Nếu cha mẹ vội vàng mủi lòng, hoặc bao che cho sai lầm của chúng, nhắm mắt cho qua những hành vi sai trái của con... thì lâu dần đứa trẻ đó sẽ trở nên khó bảo, bất trị.
Xây dựng tính kỷ luật cho trẻ và giúp con sẵn sàng đương đầu với những lời chỉ trích là nhân tố không thể thiếu để trẻ được uốn nắn nên người. Khi lớn lên, chúng sẽ có bản lĩnh đối mặt với những sóng gió.
Trẻ con chưa thể nhận biết được đúng sai. Vì vậy, cha mẹ hãy làm gương, chỉ bảo con bằng lời nói và hướng dẫn con đi đúng đường.
4. Dạy con chịu khổ cực khi lao động
Nhiều cha mẹ sợ con mệt mỏi, bị thương, hay làm bẩn quần áo... nên thường nhận hết phần việc của chúng. Không ít ông bố, bà mẹ nói với con rằng: "Con chỉ cần học giỏi thôi, việc nhà cứ để mẹ lo". Điều đó không đúng! Cha mẹ chiều chuộng con quá mức rất nguy hại. Nó sẽ biến con trở thành đứa trẻ lười biếng, ỉ lại. Khi con chỉ biết có học, đứa trẻ sẽ trở thành "mọt sách", chỉ giỏi về mặt lý thuyết, còn đem ra áp dụng thực tế chưa chắc chúng đã biết làm.
Chăm chỉ là phẩm chất cần thiết trong mọi tình huống. Khi con khổ cực làm việc, đến lúc nhận thành quả, đứa trẻ chắc chắn sẽ trân trọng hơn rất nhiều so với việc cha mẹ bày sẵn trước mắt chúng.
Link gốc: https://phunuvietnam.vn/yeu-con-den-may-cha-me-van-nen-de-tre-trai-qua-nhung-dau-kho-nay-co-nhu-vay-moi-nen-nguoi-22202223517552162.htm
Theo ttvn.vn
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.