Yêu thương không phải gắn bó 24/7, mà là trao cho nhau sự độc lập cần thiết

(lamchame.vn) - Làm sao để yêu thương một người mà không quan tâm quá mức?

Khi yêu thương ai đó quá nhiều, đôi lúc ta có xu hướng lo lắng hoặc quan tâm quá mức. Đã bao giờ bạn không thể ngừng lo lắng khi người thân, người yêu của mình phải tự đương đầu với vấn đề của họ? Hay bạn thất vọng, thậm chí khó chịu trước quyết định của riêng họ? Nếu bạn không ngừng được cảm giác “muốn sống hộ cuộc đời” của họ thì đã đến lúc bạn học cách “tách biệt cảm xúc”, hay “yêu thương mà không phụ thuộc vào nhau”.

Theo Tổ chức Hazelden Betty Ford, “tình yêu thương không phụ thuộc (detachment with love) có nghĩa là quan tâm đến người khác vừa đủ để họ có thể tự lập và tự học hỏi từ sai lầm của mình”.

Chuyên gia tâm lý học Melody Beattie nói rằng tách biệt cảm xúc là từ bỏ nhu cầu kiểm soát quá mức trong các mối quan hệ. Còn tác giả sách Deepak Chopras bổ sung, trao cho ai đó tình yêu không phụ thuộc là cho phép bản thân và những người xung quanh tự do. Ta cũng tránh được hành vi áp đặt một cách cứng nhắc ý tưởng của mình vào người khác.

Tách biệt cảm xúc chính là lùi lại một bước, ngưng lo lắng hay ám ảnh với cuộc sống người khác. Ví dụ, một người mẹ lo nghĩ quá nhiều về đứa con mới lớn, người mẹ dễ có xu hướng khuyên bảo con mọi lúc mọi nơi, cố gắng chạy đi giải quyết từng vấn đề dù là nhỏ nhất của đứa con.

Yêu thương không phải gắn bó 24/7, mà là trao cho nhau sự độc lập cần thiết - Ảnh 1.

Giữ cảm xúc độc lập

Khi cảm thấy nỗi đau và vấn đề của người khác đến mức nó ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe thể chất hoặc tinh thần của bạn: bạn căng thẳng, mất tập trung, cáu kỉnh, chán nản, hay đau đầu, mất ngủ; đã đến lúc để tách biệt cảm xúc của bạn dành cho họ.

Chấp nhận rằng không thể ở bên người thân, người thương 24/7 và bắt đầu bằng cách lùi lại, chăm sóc cho bản thân mình trước để tìm lại trạng thái cân bằng cảm xúc. Tập trung vào những gì có thể kiểm soát, ta sẽ nhìn thấy nhiều hy vọng và điều tích cực hơn.

Tách nhau ra tức là ta để họ tự chịu trách nhiệm cho mỗi lựa chọn của chính họ, không can thiệp hay cố gắng bênh vực, bảo vệ họ. Nhưng tách biệt cảm xúc không có nghĩa là ngừng quan tâm, ta vẫn yêu và quan tâm tới họ nhưng đó là sự quan tâm lý trí, lành mạnh.

Yêu thương không phải gắn bó 24/7, mà là trao cho nhau sự độc lập cần thiết - Ảnh 2.

Tách rời cảm xúc đem lại lợi ích cho người thương

Một số người, đặc biệt là những người làm cha làm mẹ, yêu quý người thân, người yêu hơn cả chính bản thân họ. Chính vì vậy, chỉ nghĩ đến việc để đối phương tự lập, tự do, họ sẽ nảy sinh suy nghĩ “Liệu mình có đang quá ích kỷ và chỉ biết nghĩ cho bản thân mình?”.

Câu trả lời là không. Tách biệt mình với đối phương không phải là một sự trừng phạt, mà bạn đang “trao quyền” và yêu thương người kia đúng cách.

Yêu thương không phải gắn bó 24/7, mà là trao cho nhau sự độc lập cần thiết - Ảnh 3.

Hãy thử tưởng tượng bạn có một đứa em nhỏ. Năm nay, cậu bé đã 18 tuổi, đủ tuổi để va vấp cuộc đời. Nhưng bạn vẫn cố gắng bảo bọc, chở che, muốn đứa trẻ phải chọn chuyên ngành tốt khi đủ 18 tuổi, thực tập tại công ty nọ khi đủ 20 tuổi, luôn chạy đi giải quyết vấn đề cho em mình. Mọi quyết định đều đi ngược nguyện vọng của đứa trẻ dù bạn chỉ đang làm điều tốt nhất cho bé.

Đứa trẻ sẽ dần dần hình thành tâm lý phụ thuộc hoặc phản kháng, tùy thuộc vào tính cách. Nhưng dù thế nào, thì em bạn không được trao cơ hội để tự mình phát triển và té ngã. Điều này về lâu dài sẽ bào mòn tính tự lập của đứa trẻ. Bạn quên mất đứa trẻ cần có “quyền làm sai”, đây là điều kiện tiên quyết để đứa trẻ học hỏi và trưởng thành.

Thuật ngữ codependent relationship (tạm dịch: mối quan hệ đồng phụ thuộc) là khi một người kiếm tìm sự công nhận và giá trị của bản thân bằng cách ưu tiên quá mức nhu cầu của nửa kia. Cả hai quá lệ thuộc vào nhau đến mức không thể sinh hoạt độc lập hay tự đưa ra quyết định.

Nếu học được cách tách biệt cảm xúc và trao cho nhau không gian cũng như ranh giới riêng, cả hai sẽ hình thành một mối quan hệ lành mạnh, độc lập, nhờ đó dễ dàng cởi mở và nói chuyện về tâm tư, nguyện vọng, nhu cầu, sự thay đổi cảm xúc.

Làm thế nào để yêu thương mà vẫn độc lập?

Điều quan trọng là bạn cần cố gắng kiểm soát và ý thức được ranh giới cá nhân giữa mình và người kia. Dưới đây là một số lời khuyên cụ thể:

- Cố gắng không đưa ra lời khuyên khi đối phương không yêu cầu.

- Tôn trọng ranh giới của nhau.

- Để đối phương tự chịu hậu quả do họ gây ra, không gánh vác thay.

- Hiểu rằng bạn cũng có nhu cầu, cảm xúc cá nhân, và chính bạn cũng cần không gian riêng để nuôi dưỡng chúng.

- Bày tỏ quan điểm, cảm xúc của bản thân.

- Không cố gắng tìm cách bào chữa cho họ, thừa nhận là có những lúc họ không kiểm soát được hành vi của mình.

- Không trầm trọng hóa hay tiêu cực hóa mọi chuyện.

- Tìm kiếm sự trợ giúp từ đồng nghiệp, bạn bè, gia đình.

Cuối cùng, hãy lưu ý rằng, tách biệt cảm xúc không phải là một hành vi tàn nhẫn, mà bạn đang trao cho họ không gian riêng để họ tự phát triển. Và đây cũng là cách để mối quan hệ của bạn tìm được “khoảng thở” cần thiết. Đừng quên chăm sóc cho mình, bởi sức khỏe tâm lý tốt thì bạn mới có thể trao đi yêu thương đúng cách.

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang