10 dấu hiệu nhận biết một đứa trẻ hướng nội

Cha mẹ thường đi tìm kiếm những manh mối để dự đoán tính cách của con mình. Liệu con có khiếu hài hước bẩm sinh, hay nghiêm nghị lạnh lùng? Liệu con sẽ yêu thích phiêu lưu mạo hiểm, hay thích an toàn yên tĩnh? Con là người hướng nội hay hướng ngoại?

Theo Tiến sĩ Marti Olsen Laney, tác giả quyển sách "The Hidden Gifts of the Introverted Child" (Những món quà ẩn giấu ở đứa trẻ hướng nội), tính khí là có sẵn từ bẩm sinh. Điều đó có nghĩa là, con sẽ phát triển trải qua nhiều thay đổi theo thời gian, nhưng đặc điểm hướng nội hoặc hướng ngoại thì con đã có sẵn từ khi sinh ra, và nếu quan sát kỹ, cha mẹ có thể bắt đầu nhận diện được ở con mình từ khi bốn tháng tuổi.

10 dấu hiệu nhận biết một em bé hướng nội  - Ảnh 1.
 

Dưới đây là 10 dấu hiệu cho thấy em bé của bạn là người hướng nội.

1. Tò mò về thế giới nhưng thận trọng khi khám phá

Người hướng nội có đầu óc nhạy bén và bản tính tò mò. Họ luôn tự hỏi thế giới hoạt động như thế nào hoặc điều gì khiến một người trở nên cáu giận. Họ không ngại đặt ra những câu hỏi lớn, họ luôn trong tư thế tìm kiếm cách lý giải cho mọi câu hỏi tại sao.

Nhưng người hướng nội có xu hướng quan sát và chiêm nghiệm hơn là nhảy vào làm. Con của bạn có thể là một em bé hướng nội nếu con thường không tự đặt mình vào vị trí trung tâm của các cuộc vui, hoặc con thường thích quan sát một lúc trước khi nhập cuộc. Trẻ hướng nội thích chơi an toàn hơn là mạo hiểm. Con sẽ nhìn trước khi nhảy và suy nghĩ trước khi nói.

2. Nhạy cảm với môi trường xung quanh

Khi còn sơ sinh, con bạn có khóc hoặc quấy khi ở những nơi có nhiều tiếng ồn hoặc nhiều hoạt động? Năm 2004, hai nhà tâm lý học Harvard Jerome Kagan và Nancy Snidman phát hiện ra rằng những đứa trẻ dễ phản ứng với những kích thích lạ thường có xu hướng lớn lên trở nên nhút nhát, rụt rè hoặc hướng nội.

Lớn hơn một chút, con thường biểu hiện khép kín hoặc dựa bám vào một người "an toàn", hoặc dễ bị bất an khi đối mặt với đám đông, trước người mới, tình huống mới hoặc môi trường mới. So với người hướng ngoại, người hướng nội dễ bị kiệt sức bởi các kích thích từ bên ngoài.

3. Trẻ sinh ra nhẹ cân hoặc sinh non tháng

Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Archives of Disease in Childhood - Fetal & Neonatal Edition cho thấy trẻ sinh ra nhẹ cân hoặc thiếu tháng có nhiều khả năng có xu hướng hướng nội.

4. E dè trước người lạ, hoạt bát khi ở nhà

Khi có người lạ, con thường né tránh giao tiếp bằng mắt và im lặng. Bản chất kín kẽ, người hướng nội có xu hướng cần thời gian để làm quen với những người mới. Tuy nhiên, ở nhà, nơi con cảm thấy thoải mái nhất, con sẽ không ngần ngại bất cứ điều gì, vui đùa thoải mái hết cỡ.

Đôi khi bạn có thể cảm thấy như mình có hai đứa con khác biệt, một ở nhà, và một ở ngoài.

5. Trở nên say mê khi chơi một mình

Nhiều trẻ hướng nội có trí tưởng tượng mạnh mẽ và thế giới nội tâm phong phú, chúng có thể sống trong thế giới riêng đầy sống động và hiện hữu đó của bản thân.

Nếu con thường dành nhiều thời gian để chơi tập trung một trò chơi nào đó, thì có thể con bạn là người hướng nội. Trẻ lớn hơn sẽ dành thời gian trong phòng đóng kín cửa, thực hiện các hoạt động đơn độc như đọc, vẽ hoặc chơi trò chơi trên máy tính.

6. Bùng nổ cảm xúc hoặc hết năng lượng sau một ngày hoạt động náo nhiệt

Người hướng nội dễ bị kiệt sức khi giao tiếp xã hội và cần thời gian nghỉ ngơi để nạp lại năng lượng. Khi con dành thời gian chơi cùng những đứa trẻ khác, hãy để ý xem phản ứng của con như thế nào.

Trẻ hướng nội có thể trở nên mệt mỏi, cáu kỉnh hoặc choáng ngợp sau một buổi chơi - ngay cả khi con đã chơi rất vui? Nếu vậy, con có thể là một người hướng nội. Tương tự, con có thể khóc hoặc buồn bã sau một ngày bận rộn không nghỉ.

7. Gặp khó khăn khi phải chia tay, tạm biệt

Không phải tất cả trẻ em hướng nội đều có lo lắng xa cách, nhưng dấu hiệu này khá phổ biến. Nhìn chung, người hướng nội có nhiều nguy cơ mắc chứng lo âu hoặc trầm cảm hơn người hướng ngoại, và trẻ em cũng không ngoại lệ.

Điều gì xảy ra khi bạn đưa con đi học mẫu giáo? Con có khóc, bám vào chân bạn và cầu xin bạn đừng rời đi — mặc dù những đứa trẻ khác có vẻ ổn? Nếu vậy, con có thể là một người hướng nội đang trải qua sự lo lắng về sự chia ly.

8. Quan tâm đến mọi khía cạnh sâu sắc của cuộc sống

Tất cả trẻ em đều đặt câu hỏi. Nhưng trẻ hướng nội có thể khiến bạn ngạc nhiên về chiều sâu trong suy nghĩ của chúng. Con có vẻ già trước tuổi, bằng cách nào đó con có những hiểu biết sâu sắc hơn tuổi của con. Điều đáng ngạc nhiên là ngay cả khi còn nhỏ, nhiều đứa trẻ m nội tâm có thể tách biệt được bản thân và tự suy ngẫm về hành vi của chính mình.

9. Cảm thấy khó khăn khi phải diễn đạt bản thân

Theo định nghĩa, người nội tâm là những người có tính cách hướng nội. Họ có thể chật vật với việc tìm kiếm từ ngữ biểu đạt, bởi vì, theo Laney, họ thường dựa vào trí nhớ dài hạn nhiều hơn là trí nhớ ngắn hạn. Khi nói chuyện, con có thể thường xuyên dừng ngắt quãng, để tìm kiếm từ thích hợp. Con có thể bực bội vì không thể diễn đạt ý của mình.

Trẻ mầm non mẫu giáo có thể bị cuốn hút vào những mẩu chuyện, sách và các môn nghệ thuật vì những thứ này mang lại cho con ngôn ngữ để hiểu và thể hiện những gì con đang nghĩ và cảm nhận.

10. Dựa vào nguồn nội lực - "tự thân vận động"

Những đứa trẻ hướng nội dựa vào nội lực bên trong để tự hướng dẫn cho bản thân hơn là nghe theo người khác. Laney viết: "Trong khu vườn riêng của trẻ hướng nội, tách biệt khỏi thế giới vật chất, chúng tập trung giải đáp những suy nghĩ và cảm xúc phức tạp".

10 dấu hiệu nhận biết một em bé hướng nội  - Ảnh 2.
 

Nhược điểm là trẻ có thể không yêu cầu sự giúp đỡ cần thiết từ người lớn, đôi khi có thể gây nhiều bất lợi cho trẻ. Ngược lại, trẻ hướng nội thường có xu hướng độc lập và tự định hướng.

Chào mừng đứa trẻ hướng nội

Hướng nội yếu tố từ gene và là đặc tính không đổi (trên thực tế, con người càng có xu hướng trở nên hướng nội hơn theo độ tuổi). Điều này có nghĩa là - dù đôi khi con có thể sống động làm cho bạn ngạc nhiên - nhưng nhìn chung trẻ sẽ luôn thích môi trường yên tĩnh, ít kích thích (và có nhiều thời gian ở một mình).

Khi là cha mẹ, bạn đóng một vai trò rất lớn trong việc định hình nhân cách của con và khoa học ủng hộ điều này. Kagan và Snidman nhận thấy rằng những bậc cha mẹ luôn bảo bọc những đứa trẻ nhút nhát đã vô tình củng cố tính nhút nhát của chúng.

Tuy nhiên, khi được cha mẹ khuyến khích đúng cách để trở nên hòa đồng và mạnh dạn, con trẻ sẽ trở thành những thanh thiếu niên ít bị ức chế hơn so với những đứa trẻ thường lo âu sợ hãi.

Nếu con bạn là đứa trẻ hướng nội, hãy bắt đầu bằng việc tôn trọng đặc tính riêng của con, và giúp con phát huy các điểm mạnh sở trường. Dạy con cách quản lý và điều tiết năng lượng, cũng như thoải mái với nhu cầu cần được ở một mình để "hồi sức". Sau đó, hãy giúp con dần bước ra khỏi vùng an toàn, thử thách cách giới hạn của bản thân, để con cảm nhận được nhiều hơn các thành tựu của chính mình.

Tú Anh Nguyễn là tác giả sách nuôi dạy con: "Làm mẹ rất vui" và "Hiểu con để dạy con tích cực". Với chuyên môn trong lĩnh vực Tâm lý Trẻ em & Gia đình, công việc của chị là Parent Coach – Chuyên gia tư vấn phụ huynh, trực tiếp hướng dẫn và giảng dạy các khóa đào tạo cha mẹ Nuôi dạy con Tích cực.

Parent Coach Tú Anh Nguyễn còn là một chuyên gia đào tạo chương trình quốc tế TRIPLE P – Positive Parenting Program, được Liên Hiệp Quốc và CDC xếp hạng là một trong 4 chương trình dạy con hiệu quả nhất thế giới, dựa trên bằng chứng khoa học.

Là mẹ của hai bạn nhỏ, sống tại TP.HCM, chị Tú Anh đã sáng lập dự án Happy Parenting nhằm chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm nuôi dạy con theo khoa học, hỗ trợ để các phụ huynh có thể trở thành cha mẹ tích cực, vui vẻ trong chặng đường nuôi dạy những đứa trẻ hạnh phúc. Tú Anh mong muốn có thể đồng hành cùng các bậc cha mẹ tạo nên một hành trình khôn lớn cùng con đầy ý nghĩa và nhiều niềm vui.

 

 

Theo afamily.vn

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang