40 năm trước, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ đã báo cáo 5 ca mắc bệnh viêm phổi hiếm gặp ở Los Angeles. CDC mô tả những trường hợp này là “bất thường” khi các bệnh nhân đều là những người trẻ, những người đồng tính khỏe mạnh và hệ thống miễn dịch của họ đã ngừng hoạt động một cách khó hiểu. 2 người đã tử vong vào thời điểm CDC đưa ra báo cáo và 3 người tử vong ngay sau đó.
Mỹ đã công nhận HIV/AIDS là một trong những đại dịch tồi tệ nhất trong lịch sử loài người. Đại dịch đã khiến gần 35 triệu người trên toàn cầu tử vong, trong đó có hơn 700.000 người Mỹ.
Mặc dù đối với một số người, HIV/AIDS giống như “một tin tức đã cũ”, nhưng vào năm 2020, khi thế giới tập trung vào đại dịch Covid-19 , HIV/AIDS đã lây nhiễm cho 1,5 triệu người và khiến 690.000 người tử vong. Vậy 2 căn bệnh này đã dạy chúng ta bài học gì về đại dịch và cách chống lại chúng?
2 đại dịch HIV/AIDS và Covid-19 đã cướp đi sinh mạng của hàng triệu người trên toàn cầu. Ảnh: Getty
Sơ suất của chính phủ có thể để lại hậu quả nghiêm trọng
Trong cả 2 đại dịch, phản ứng chậm chạp từ chính phủ các nước đã dẫn đến những cái chết bất đắc dĩ, mặc dù nguyên nhân và thời gian của sự chậm trễ là khác nhau. Trong trường hợp HIV/AIDS, rất ít người biết về căn bệnh này trong nhiều năm. Mọi người thường thờ ơ, kỳ thị và đưa ra những thông tin sai lệch về dịch bệnh.
Cho đến năm 1983, dịch HIV/AIDS mới xuất hiện trên trang nhất của New York Times. Vào thời điểm đó, dịch bệnh đã khiến 558 người Mỹ tử vong.
Cựu Tổng thống Reagan đã không công khai đề cập đến từ “AIDS” cho đến năm 1985. Vào thời điểm đó, khoảng 12.000 người Mỹ đã bị mắc bệnh và 6.000 người đã chết.
“Có thể thấy rõ sự im lặng của chính quyền ông Reagan đối với dịch bệnh, đặc biệt khi so sánh với sự chú ý dành cho số lượng ít những người mắc bệnh và tử vong do bệnh Lê dương (Legionnaires - bệnh nhiễm trùng phổi gây ra bởi vi khuẩn Legionella – ND) hoặc hội chứng sốc độc tố, 2 bệnh từ những năm 1980. Thông điệp ngầm từ chính quyền là HIV/AIDS dường như chỉ giới hạn ở những nhóm người không quan trọng với xã hội, bởi vậy, không nên đề cập tới nhiều”, Kenneth H. Mayer, chuyên gia tại Trường Y Harvard, cho biết.
Đối với Covid-19, phản ứng chậm trễ với đại dịch có thể do vấn đề kinh tế và chính trị.
Sau khi Mỹ ghi nhận ca mắc Covid-19 đầu tiên vào tháng 1/2020, các cố vấn Nhà Trắng đã đề nghị có những biện pháp mạnh mẽ để ngăn chặn dịch bệnh, nhưng cựu Tổng thống Trump đã không làm như vậy, theo Times. Cho đến tháng 3/2020, khi ông Trump đưa ra những cảnh báo về Covid-19, dịch bệnh đã bùng phát nghiêm trọng tại Mỹ.
Một báo cáo hồi tháng 2/2021 từ tạp chí y khoa The Lancet ước tính rằng, 40% ca tử vong do Covid ở Mỹ có thể tránh được nếu chính quyền ông Trump phản ứng nhanh chóng hơn và hệ thống chăm sóc sức khỏe của Mỹ công bằng hơn.
Tại New York, Thống đốc Andrew Cuomo và Thị trưởng Bill de Blasio đã thúc đẩy kế hoạch ứng phó với dịch bệnh vào tháng 3/2020, vài tuần sau khi thành phố ghi nhận ca mắc Covid-19 đầu tiên. Tiến sĩ Thomas R. Frieden, cựu Giám đốc CDC ước tính rằng, 50-80% số ca tử vong do Covid-19 của thành phố New York có thể tránh được nếu các hạn chế được đưa ra sớm hơn 1-2 tuần.
Những tiến bộ về y tế là một điều kỳ diệu
Các liệu pháp kháng virus đã biến HIV/AIDS từ bản án tử thành một căn bệnh có thể kiểm soát và phòng ngừa. Vaccine mRNA đã giúp làm giảm nhiệt đại dịch Covid-19 bùng phát ở Mỹ. Tuy nhiên, trong khi vaccine Covid-19 đã được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) phê duyệt trong khoảng thời gian nhanh kỷ lục 11 tháng, phải mất 6 năm liều thuốc HIV/AIDS đầu tiên mới được phê duyệt.
Theo NY Times, có những lý do khoa học cho sự khác biệt trên. HIV là một mầm bệnh cực kỳ nguy hiểm, không giống như SARS-CoV-2, hệ thống miễn dịch hầu như không bao giờ có thể tự loại bỏ vi khuẩn HIV. Đồng thời, vào những năm 1980, công nghệ giải trình tự gen không phát triển như thời điểm hiện tại.
Tuy nhiên, nhiều nhà khoa học hàng đầu của chính phủ Mỹ cũng không muốn giải quyết căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS là do những đối tượng tử vong vì căn bệnh này. Điều này chỉ thay đổi khi tổ chức hoạt động đối đầu Act Up chuyển mục tiêu sang Giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia Anthony Fauci. Sau một cuộc biểu tình tại Viện Y tế Quốc gia vào năm 1988, ông Fauci đã mời các nhà hoạt động tới phòng thí nghiệm của mình. Năm 1990, ông Fauci tán thành yêu cầu của Act Up cho phép bệnh nhân HIV/AIDS tiếp cận với các loại thuốc thử nghiệm, một thay đổi quan trọng ảnh hưởng đến cách thức tiến hành các thử nghiệm lâm sàng cho đến ngày nay.
Hàng tỷ USD đã đổ vào nghiên cứu HIV và AIDS kể từ khi việc nghiên cứu vaccine Covid-19 được mở đường. “Mọi thứ chúng tôi làm với những mầm bệnh khác đều xoay quanh những điều chúng tôi đã học được từ virus HIV”, ông Fauci nói với The Wall Street Journal vào tháng 12/2020.
Vào tháng 4, Moderna đã công bố kế hoạch tiến hành thử nghiệm giai đoạn 1 trong năm nay đối với 2 loại vaccine mRNA HIV.
Đại dịch mang tính toàn cầu nhưng sự ảnh hưởng là khác nhau
“Virus HIV gây suy giảm miễn dịch ở nhóm đối tượng dễ bị tổn thương như đồng tính nam, mại dâm, người sử dụng ma túy, người chuyển giới và những người bị giam giữ”, Adeeba Kamarulzaman, Chủ tịch Hiệp hội Quốc tế về AIDS, cho biết.
“Tương tự như vậy, SARS-CoV-2 đặc biệt tấn công những người dễ bị tổn thương như người lớn tuổi, những người có các bệnh mãn tính như tiểu đường, béo phì, cao huyết áp và bệnh tim mạch; những người lao động nghèo; người di cư”, bà Kamarulzaman nói thêm.
Trong cả 2 đại dịch, các phương pháp cứu sống (thuốc, vaccine) đã không đến được với nhiều người trong số những người cần nhất. Khi liệu pháp kháng virus HIV ra mắt, nó được cho là loại thuốc kê đơn đắt nhất trong lịch sử, với chi phí khoảng 22.000 USD/bệnh nhân mỗi năm.
“Hầu hết các bệnh nhân nhiễm HIV ở các nước có thu nhập cao được điều trị bằng liệu pháp kháng virus. Nhưng hầu hết những người nhiễm HIV lại ở các nước thu nhập thấp và thu nhập trung bình. Giai đoạn từ năm 1996-2003 là đỉnh điểm của số người tử vong do HIV/AIDS”, Chris Beyrer, Giáo sư sức khỏe cộng đồng và nhân quyền tại Đại học Johns Hopkins, cho biết.
Năm 2001, sau cuộc chiến pháp lý kéo dài nhiều năm giữa Nam Phi và các công ty dược phẩm, các nước đang phát triển đã giành được quyền từ Tổ chức Thương mại Thế giới để sản xuất và nhập khẩu thuốc điều trị HIV/AIDS giá thấp. Với việc thành lập Quỹ toàn cầu chống AIDS, lao và sốt rét vào năm 2002 và Kế hoạch cứu trợ khẩn cấp của cựu Tổng thống George W. Bush vào năm 2003, giá thuốc đã giảm mạnh và khả năng tiếp cận được mở rộng, cứu sống hàng chục triệu người.
Tuy nhiên, đại dịch HIV/AIDS vẫn chưa kết thúc. Số ca mắc bệnh đã giảm 47% kể từ mức đỉnh điểm vào năm 1998, nhưng nỗ lực của Liên Hợp Quốc nhằm chấm dứt HIV/AIDS là một mối đe dọa sức khỏe cộng đồng vào năm 2030, đang đi chệch hướng. Các nhà nghiên cứu cho biết, một phần là do sự bùng phát của Covid-19 và sự bất bình đẳng ở các quốc gia.
“Đã 4 thập kỷ kể từ khi cuộc khủng hoảng HIV/AIDS xảy ra trên toàn cầu. Ở nhiều quốc gia, đại dịch HIV/AIDS chưa bao giờ kết thúc, thế giới chỉ ngừng nói về nó”, Christine Stegling, Giám đốc tổ chức Frontline AIDS nói.
Với đại dịch Covid-19, một xu hướng tương tự đang bắt đầu hình thành ở các quốc gia sở hữu nhiều vaccine, nơi cuộc sống dần trở lại trạng thái bình thường, trong khi nhiều nước trên thế giới vẫn đang chờ đợi vaccine. Mặc dù chính quyền ông Biden ủng hộ việc bỏ bảo hộ quyền sáng chế vaccine, trong đó có cả thuốc HIV/AIDS, nhưng đề xuất này vẫn chưa nhận được sự chấp thuận của Liên minh châu Âu./.
Theo kenh14.vn
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.