5 kỹ năng sống bé nhất định phải có trước khi bước vào lớp 1

(lamchame.vn) - Bước vào lớp 1 tức là bé bắt đầu chuyển từ môi trường thoải mái, tự do ở trường mầm non sang giai đoạn quy củ của trường Tiểu học. Bé phải những thực hiện nghiêm túc những nội quy ở trường, làm bài tập về nhà, làm quen với nhiều bạn mới, thầy cô mới, …

Đây cũng chính là giai đoạn bé rất bỡ ngỡ và hoang mang. Vậy, bố mẹ cần nắm vững và chuẩn bị cho con 5 kỹ năng này để con luôn mạnh dạn, tự tin khi bước vào môi trường mới.

Mỗi trẻ có tính cách và suy nghĩ khác nhau vì vậy hành động của chúng trong mỗi trường hợp cũng khác nhau. Tuy nhiên, để trẻ luôn trong tâm thế sẵn sàng thích nghi dù ở môi trường nào, đặc biệt là giai đoạn bé bước vào lớp 1 thì 5 kỹ năng sống dưới đây bố mẹ lúc nào cũng phải nằm lòng:

1. Có thể chịu đựng cảm giác chia tay

Với trẻ, lần đầu tiên tiếp xúc với ngôi trường mới, gặp gỡ thầy cô và bạn bè mới không bao giờ là dễ dàng. Các bé trai có xu hướng lo lắng và chán nản còn các bé gái thể hiện bằng cách khóc lóc, giận dữ, đánh lại cha mẹ và nhất quyết không chịu đi học.

Lời khuyên dành cho cha mẹ là hãy tập dượt trước cho bé bằng những khoảng thời gian cách ly từ ngắn tới dài. Xây dựng sự tự tin sẽ giúp trẻ độc lập hơn, để cho trẻ tự làm những việc đơn giản như tự ăn, đi vệ sinh và tự rửa tay mà không cần sự có mặt của bố mẹ. Điều quan trọng nhất cần lưu ý là cần cho phép trẻ được chủ động và mắc sai lầm.

2. Thực hiện theo lịch trình

Khi đi học, các chương trình trên lớp sẽ được thiết lập theo một lịch trình cố định. Và bé cần có khả năng thực hiện theo thời gian biểu đó để không bị tụt lại sau hoặc làm ảnh hưởng tới các bé khác. Chuyên gia khuyên bố mẹ tập cho con đi theo một lịch trình cụ thể tại nhà, hình thành thói quen cho trẻ trước khi đi học. Ví dụ như thời gian ngủ dậy, ăn sáng, ngủ trưa, các hoạt động buổi chiều… Cha mẹ cũng cần chuẩn bị, thông báo cho bé trước khi thay đổi sang hoạt động tiếp theo như địa điểm, thời gian. Chẳng hạn: Sau khi con tắm xong thì mẹ con mình sẽ đi chơi công viên.

3. Khả năng tập trung

Nhiều bé không có khả năng tập trung cao, "cả thèm" chóng chán và dễ mất hứng với một hoạt động nào đó. Các chuyên gia khuyên cha mẹ rèn luyện kĩ năng tập trung cho bé tại nhà bằng cách cho bé tham gia các hoạt động mà bé yêu thích kết hợp với hoạt động bé ít thích hơn để cùng hoàn thành. Sau đó, tăng dần thời gian trẻ thực hiện cho từng nhiệm vụ và có phần thưởng khích lệ khi trẻ có thể tập trung và hoàn thành.

Chuyên gia, bác sĩ tâm lý Vaani Gunaseelan (Singapore) hướng dẫn cha mẹ phân biệt hội chứng tăng động giảm chú ý với trẻ kém tập trung qua các dấu hiệu như khó khăn khi phải ngồi tập trung theo thời gian dự kiến, chạy nhảy quá mức kiểm soát, khó chịu bứt rứt khi phải chờ đến lượt mình, dễ bị phân tâm, không thể thực hiện theo hướng dẫn.

4. Kĩ năng giao tiếp, kết bạn

Trường Tiểu học là một môi trường mới với rất nhiều gương mặt mới, từ thầy cô cho đến bạn bè. Kĩ năng giao tiếp và kết nối với những người khác sẽ giúp trẻ dễ hòa nhập hơn, từ đó trẻ sẽ nhiệt tình và tích cực hơn khi đến trường.

Lời khuyên dành cho cha mẹ trong việc rèn luyện kĩ năng giao tiếp, hòa nhập cho trẻ là nên dành thời gian chơi với con, cho con chơi các trò chơi phù hợp với lứa tuổi để thúc đẩy sự phát triển. Mặt khác, chuyên gia tâm lý cho rằng không có cách nào tốt hơn để cải thiện các kỹ năng xã hội của trẻ là để cho con được gặp gỡ và tương tác với những đứa trẻ khác ở bên ngoài. Cha mẹ nên đưa con ra ngoài chơi hoặc tổ chức các hoạt động cho các bé tham gia. Sân chơi tại khu phố trẻ sinh sống là một địa điểm lý tưởng. Thường xuyên cho trẻ tham gia hoạt động bên ngoài với các bé khác sẽ giúp xây dựng sự quen thuộc, tự tin và các kỹ năng xã hội cho trẻ.

5. Kiểm soát cảm xúc

Kĩ năng kiểm soát cảm xúc rất quan trọng mà cha mẹ cần rèn luyện cho bé ngay từ nhỏ. Nếu không thể kiểm soát cơn tức giận thì con rất dễ biến thành đứa trẻ hung hăng, chọn đánh bạn và xung đột làm giải pháp thay vì kết bạn và hòa đồng.

Cha mẹ cần giúp bé kiểm soát cảm xúc, giữ bình tĩnh, không phủ nhận cảm xúc tiêu cực của trẻ mà hãy giúp trẻ tháo gỡ vấn đề, giải tỏa căng thẳng. Tránh chỉ trích, mắng mỏ con là đứa trẻ hư. Thay vào đó nếu thấy trẻ đánh bạn, mẹ có thể nói: "Mẹ rất buồn khi thấy con đánh bạn ở sân chơi và mẹ không thích những gì con đã làm hôm nay". Điều này cho phép trẻ biết tự chịu trách nhiệm về tình huống đã gây ra, đồng thời cho con cơ hội để giải tỏa cảm xúc.

Tất cả các kỹ năng sống này không phải một sớm một chiều bé có thể hình thành được và  chắc chắn nhà trường cũng không thể dạy hết những kỹ năng này cho các bé. Chính vì thế, bố mẹ cần tạo điều kiện cho con được học và rèn luyện các kỹ năng sống cơ bản này ngay từ trong gia đình, từ khi còn nhỏ.

Theo sohuutritue.net.vn

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang