Giao tiếp
Đối với cha mẹ bình thường, ý kiến của người lớn luôn đúng đắn còn ý kiến của con trẻ luôn sai. Vòng tròn lớn thể hiện suy nghĩ của cha mẹ không hề có sự giao thoa với vòng tròn nhỏ thể hiện suy nghĩ của con trẻ. Từ đó, dễ nhận thấy cha mẹ bình thường luôn đánh giá cao quan điểm của mình, không muốn con làm trái lời mình – đây là mối quan hệ kiểm soát.
Đối với cha mẹ thông thái, phụ huynh luôn sẵn sàng tương tác với con, chấp nhận lắng nghe ý kiến của con để xóa nhòa khoảng cách thế hệ. Luôn tôn trọng suy nghĩ của con cái, cha mẹ sẽ giúp con trẻ thoải mái sáng tạo, thể hiện bản thân, phát triển tốt nhất các kĩ năng sống – đây là mối quan hệ hợp tác.
Tầm nhìn
Đối với cha mẹ bình thường, họ đánh giá con qua từng tiểu tiết trong cuộc sống như điểm số hay xếp hạng bài kiểm tra… Giống như công dụng của một chiếc kính lúp, cách soi xét của cha mẹ bình thường khiến đứa trẻ luôn rơi vào tình trạng sợ hãi nếu chẳng may mắc lỗi.
Đối với cha mẹ thông thái, họ đánh giá con giống như công dụng của chiếc kính viễn vọng, tức là họ quan sát trẻ một cách tổng quát để thấy được những điểm mạnh, điểm yếu của con. Cha mẹ thông thái là những phụ huynh biết nhìn nhận vấn đề sâu rộng, khác hẳn cách nhìn vấn đề thiển cận như cha mẹ bình thường.
Cách đánh giá tính cách
Đối với cha mẹ bình thường, con trẻ vẫn chưa có ý thức nên chúng có nhiều khuyết điểm hơn ưu điểm là chuyện thường tình (màu nâu chiếm mảng lớn so với màu xanh trong bức tranh bên trái). Vì thế, họ thường chú trọng đến việc cải thiện thiếu sót của con, muốn con có được những ưu điểm giống mình.
Đối với cha mẹ thông thái, họ nhìn được bất cứ ai cũng có ưu khuyết điểm nên đối với trẻ nhỏ, đó là đặc điểm và cá tính riêng của trẻ. Hơn hết, cha mẹ thông thái sẽ biết cách điều chỉnh và giúp con phát triển một cách tốt nhất cá tính của mình.
Quan niệm về vấp ngã
Đối với cha mẹ bình thường, họ luôn tạo ra một khoảng cách nhất định giữa thất bại và thành công. Trong suy nghĩ của họ, thất bại là điều không nên có; vì thế, họ luôn điều khiển con mình làm cái này cái kia mới tốt, không nỡ để con vấp ngã. Chính quan niệm này của phụ huynh khiến cho con trẻ sợ thất bại, không dám bước ra khỏi vùng an toàn.
Đối với cha mẹ thông thái, họ tin rằng thất bại là một phần nên có trong quá trình trưởng thành của mỗi người, có vấp ngã mới có khôn. Do đó, đứa trẻ bạo dạn hơn, luôn bình tĩnh bước qua mọi thử thách, luôn bình tâm vượt qua mọi khó khăn. Được cha mẹ chuẩn bị tinh thần trước những trải nghiệm, thất bại, với con trẻ, cũng là một bài học cuộc sống đáng nhớ.
Cách trả lời câu hỏi
Đối với cha mẹ bình thường, con cái đặt ra nhiều câu hỏi có thể khiến cho phụ huynh cảm thấy phiền phức và bực mình, lý do là bởi có thể họ không có câu trả lời mà trẻ cần. Do đó, khi nghe câu trả lời của con, họ thường tìm cách né tránh và bắt con làm những gì chúng không thích.
Đối với cha mẹ thông thái, họ luôn cởi mở, khuyến khích con tìm ra câu trả lời hoặc đưa ra những gợi ý cho con. Việc này giúp con khơi nguồn sáng tạo và trí tưởng tượng.
Cách ghi nhận kết quả học tập
Đối với cha mẹ bình thường, con cái luôn luôn cần phải tiến bộ, không được chùn bước. Điều quan trọng để đánh giá khả năng của con, đối với cha mẹ bình thường, là điểm số chứ không phải sự cố gắng của con.
Đối với cha mẹ thông thái, họ quan niệm học tập cũng là một cách để con khám phá bản thân và vì thế, quá trình này luôn phát sinh những biến động lên, xuống để con biết mình mạnh hay yếu ở điểm nào.
Cách phân bổ thời gian
Đối với cha mẹ bình thường, con cái cần ưu tiên việc học tập là số 1. Vì thế, thời gian con trẻ có hầu hết dành cho học ở trường, học thêm chứ gần như con không có thời gian dành cho vận động thể chất, khám phá ngoài trời… hay chơi với chúng bạn. Nếu áp dụng cách dạy con như vậy, trẻ sẽ vô cùng thiếu kiến thức xã hội.
Đối với cha mẹ thông thái, họ hiểu được con trẻ cần phát triển toàn diện, chứ không chỉ chăm chăm vào mỗi việc học. Nhờ vậy, trẻ sẽ khỏe về thể chất, khỏe về tinh thần.
Cân bằng cuộc sống
Đối với cha mẹ bình thường, họ luôn cố gắng để trở thành những hình mẫu hoàn hảo từ vai trò của một người mẹ, một người vợ đến vai trò của một người con dâu, một người chị dâu... Nếu không đạt được điều đó, họ sẽ trở nên căng thẳng và luôn trách mình không tốt vì không làm tròn bổn phận.
Đối với cha mẹ thông thái, họ ưu tiên việc cân bằng cuộc sống cá nhân với công việc bởi khi bản thân cảm thấy thoải mái, những người xung quanh cũng sẽ được truyền năng lượng tích cực từ họ.
Quan điểm thành công
Đối với cha mẹ bình thường, con cái có một công việc tốt, thu nhập ổn định, có nhà có xe – như vậy là thành công. Vì thế, ngay từ khi con còn nhỏ, họ hướng cho con cái phải học thật nhiều, so sánh với "con nhà người ta", đưa ra một tiêu chuẩn thành công của chính họ.
Đối với cha mẹ thông thái, thành công là một quá trình nỗ lực của con so với điểm ban đầu. Cuộc sống đa dạng, thành công không có quy chuẩn.
Tư duy giáo dục
Đối với cha mẹ bình thường, họ cho rằng việc sinh con và nuôi dưỡng con là một sự ban ơn nên trẻ cần phải làm theo những gì họ yêu cầu. Nếu con không nghe lời, họ lập tức trách móc con. Những lời nói này trực tiếp ảnh hưởng đến cách nhìn nhận thế giới của đứa trẻ sau này.
Đối với cha mẹ thông thái, họ không đặt lên con trách nhiệm phải nhất nhất tuân thủ lời cha mẹ. Thay vào đó, họ lấy mình ra làm gương để con thấy được giá trị của mình trong mắt con.
Theo Aboluowang
Theo Tri Thức Trẻ