Sai lầm 1: Cạo tóc máu cho trẻ sơ sinh
Khi trẻ đầy tháng người xưa quan niệm phải cạo tóc máu cho trẻ vì rằng như thế sẽ khiến tóc trẻ mọc lại dày và đẹp hơn. Tuy nhiên điều này không có căn cứ khoa học lại tiềm ẩn nhiều nguy cơ tổn thương đến da đầu trẻ.
Tóc được mọc ra từ lỗ chân lông nên khi bạn cạo bỏ phần tóc bên ngoài da đầu thì chẳng ảnh hưởng gì đến lỗ chân lông sâu bên trong, vì vậy việc cắt tóc máu là không hề có tác dụng thần kỳ như nhiều người nghĩ. Sự sinh trưởng của tóc do gen quyết định và cũng liên quan đến chế độ dinh dưỡng. Cạo tóc máu cho trẻ sơ sinh không hề giúp tóc mọc lại đẹp hơn, đôi khi còn có thể làm tổn thương da đầu của trẻ nếu bạn không cẩn thận.
Bạn nên để tóc trẻ phát triển tự nhiên cho đến khi tóc mọc đầy đặn hơn, thường là khi trẻ được 8 – 9 tháng tuổi hãy tiến hành cắt tỉa cho trẻ. Tuy nhiên chuyện tóc mọc hoàn chỉnh có thể không giống nhau ở mỗi trẻ, có trẻ sớm thì 6 tháng tuổi, nhưng có trẻ muộn đến 2 tuổi.
Sai lầm 2: Cho bé uống thuốc để "thải độc"
Nhiều người quan niệm, trong cơ thể người mẹ có "ẩm độc" khiến em bé mới sinh bị rôm sẩy, mụn nước, thậm chí là lở loét da… Chính vì không ít người cho bé sơ sinh uống những loại thuốc đông y mà họ cho rằng có tác dụng "thải độc" do bên trong cơ thể mẹ còn sót lại ở cơ thể bé.
Tuy nhiên hiệu quả của những loại thuốc này chưa được y học chứng thực nhưng lại có thể làm tổn thương chức năng dạ dày, đường ruột của bé mà còn tăng độc tính cho gan, thận ở một mức độ nhất định. Đối với cơ thể chưa phát triển hoàn thiện như bé sơ sinh thì điều này vô cùng bất lợi cho sức khỏe của bé. Ngoài ra, dung lượng dạ dày của bé rất nhỏ, nếu uống thuốc sẽ khiến bé bú sữa ít đi, có thể dẫn đến suy dinh dưỡng.
Bé sơ sinh thật sự có thể gặp các vấn đề về da như trên đã đề cập nhưng bạn không nên cho bé uống thuốc bừa bãi, nếu cần hãy gặp bác sĩ chuyên khoa để bé được chẩn đoán và điều trị đúng cách.
Sai lầm 3: Cho trẻ sơ sinh uống nước đường glucose
Khi em bé mới sinh ra, mẹ vẫn chưa tiết sữa, vì thế người lớn, đặc biệt là ông bà rất lo lắng cháu mình bị đói, cho nên chọn cách cho bé uống nước đường glucose như một giải pháp tạm thời.
Tuy nhiên, khi bé mới sinh bản thân đã có nguồn năng lượng dự trữ đầy đủ, có thể đáp ứng nhu cầu trao đổi chất trong khoảng 3 ngày nên dù không được bú sữa vẫn không bị đói. Khi em bé mới sinh phản xạ mút rất mạnh mẽ, nên lập tức cho bé ngậm bầu vú của mẹ để kích thích dòng sữa. Nếu bạn cho bé uống nước đường glucose sẽ khiến bé không tích cực bú mút và càng lâu được bú sữa mẹ hơn.
Chú ý: Khi bé vừa chào đời, hãy cố gắng để bé được ngậm bầu vú của mẹ càng sớm càng tốt cho dù lúc đó có thể bạn chưa tiết sữa đi nữa. Theo dõi thể trọng của bé, chỉ cần không giảm quá 7% so với lúc mới sinh thì không cần cho bé uống nước đường glucose, cứ để bé đợi đến lúc được bú dòng sữa mẹ đầu tiên vẫn tốt hơn.
Sai lầm 4: Uống thuốc chữa giật mình, quấy khóc
Trẻ thường bị giật mình trong giấc ngủ, khóc quấy nhiều luôn khiến các bậc phụ huynh, đặc biệt là người lớn tuổi cho rằng trẻ bị "động kinh" và cho trẻ uống nhiều phương thuốc để "định kinh". Quan niệm và cách làm này thật sự không khoa học, thậm chí có thể gây bất lợi cho sức khỏe của trẻ.
Thực tế, trẻ ngủ dễ giật mình, thường quơ quào tay chân, khóc quấy đều là các phản ứng bình thường ở trẻ nhỏ. Nguyên nhân có thể do khi còn ở trong bụng mẹ, trẻ đã quen môi trường được bao bọc an toàn, vì thế khi chào đời trẻ chưa thích ứng kịp. Trẻ không cần uống bất cứ thuốc ổn định thần kinh nào. Ngoài ra, một số loại thuốc còn chứa thành phần tác động lên trung khu thần kinh, rất có hại cho trẻ nhỏ.
Bố mẹ nên tìm hiểu các phản xạ bình thường ở trẻ và có những vỗ về kịp thời như ôm bé vào lòng, hát ru… để trẻ cảm thấy an toàn và dễ chịu hơn. Theo thời gian, thường là từ 2 tuổi trở lên thì các hiện tượng trên ở trẻ sẽ dần biến mất.
Sai lầm 5: Cho trẻ uống nước giải nhiệt để chữa ghèn mắt
Nhiều trẻ có hiện tượng mắt chảy nhiều ghèn và được người lớn cho rằng trẻ bị nhiệt trong người. Vậy các mẹ cho rằng cần nấu nước mát giải nhiệt cho trẻ. Về cơ bản, không có chuyện trẻ bị nhiệt chỉ vì mắt sinh nhiều ghèn. Nguyên nhân chủ yếu có thể là do ống mũi của trẻ không thông khiến cho nước mũi chảy ngược gây ra ghèn mắt. Ngoài ra, thành phần trong các loại nước mát chủ yếu là đường, nếu cho trẻ uống quá nhiều sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe và làm trẻ biếng bú sữa hơn.
Tình trạng mắt trẻ có nhiều ghèn thông thường không cần quá lo lắng. Khi trẻ được khoảng 12 tháng tuổi sẽ dần bình thường trở lại. Bạn chỉ cần làm sạch ghèn và các chất tiết ra ở mắt của trẻ để đảm bảo vệ sinh là được.
Theo afamily.vn