Ngày nay, ung thư dần trở thành căn bệnh phổ biến ở nhiều quốc gia trên thế giới, nó không những gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người bệnh mà còn có thể gây ra gánh nặng kinh tế và phá nát cả một gia đình. Do đó, trong cuộc đời, không ai muốn phải chạm trán với căn bệnh quái ác này.
Tuy nhiên, nếu bạn cứ giữ 5 thói quen này hàng ngày thì chúng chẳng khác nào chiếc "máy gia tốc" ung thư và chẳng sớm thì muộn tế bào ung thư cũng phát triển trong cơ thể bạn.
1. Hút thuốc
Mặc dù nhiều người không cho rằng hút thuốc là có hại nhưng hút thuốc đã được khoa học chứng minh là một trong những nhân tố gây ung thư, nó có liên quan đến nhiều loại ung thư khác nhau, đặc biệt là ung thư phổi.
Ngoài ra, hút thuốc lá còn là một trong những sát thủ gây các bệnh ung thư cơ quan tiêu hóa như ung thư thực quản, ung thư dạ dày, ung thư tuyến tụy và ung thư đại trực tràng.
Điều này là do hơn 3000 loại hóa chất được tạo ra khi đốt thuốc lá, trong đó có gần 70 loại chất gây ung thư chẳng hạn như benzopyrene và nitrosamine. Chúng sẽ tiếp tục ở lại trong cơ thể và gây tổn hại đến DNA của tế bào, làm tăng khả năng trở thành ung thư.
2. Nghiện rượu
Giống như thuốc lá, rượu được Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế (IARC) thuộc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xếp vào hàng ngũ những chất gây ung thư loại 1. Tác hại của rượu đối với con người trên phạm vi toàn cơ thể, có rất nhiều loại ung thư liên quan đến nó từ đường tiêu hóa đến hệ thống trao đổi chất đều có thể bị tổn thương do rượu.
Những người nghiện rượu lâu năm có thể mắc các bệnh mãn tính về đường tiêu hóa và bệnh gan, đồng thời, chất chuyển hóa trung gian của rượu là acetaldehyde cũng có thể gây tổn thương DNA của tế bào, do đó làm tăng nguy cơ ung thư tế bào. Các bệnh ung thư liên quan đến rượu nhiều nhất bao gồm ung thư gan, ung thư thực quản, ung thư dạ dày, ung thư đại trực tràng...
3. Thói quen ăn uống không lành mạnh
Điều này chủ yếu bao gồm 3 khía cạnh chính: ăn quá nhiều, bữa ăn thất thường và thói quen ăn đồ nóng.
Ăn uống vô độ trong thời gian dài, ăn không đúng bữa có thể gây tổn thương niêm mạc đường tiêu hóa và dẫn đến các bệnh mãn tính về đường tiêu hóa, đồng thời nó còn có thể làm tăng gánh nặng cho tuyến tụy, rất dễ gây viêm tụy cấp và mãn tính, tái đi tái lại các đợt viêm loét và viêm nhiễm đường tiêu hóa cũng là một trong những yếu tố gây ung thư.
Nếu ăn thức ăn quá nóng (trên 65 độ C) trong thời gian dài sẽ gây bỏng màng nhầy của đường tiêu hóa lặp đi lặp lại, tế bào tiếp tục sửa chữa và phân chia sẽ làm tăng nguy cơ đột biến gen tế bào. Trên lâm sàng, thức ăn trên 65 độ C sẽ được phân loại là chất gây ung thư 2A.
4. Lựa chọn chế độ ăn uống không lành mạnh
Ngoài thói quen ăn uống, một số loại thực phẩm không lành mạnh cũng có thể gây hại cho cơ thể, chẳng hạn như trầu cau có liên quan nhiều nhất đến ung thư miệng, thịt chế biến sẵn có thể chứa nitrosamine, thịt hun khói và nướng có chứa benzopyrene, thực phẩm chiên rán có chứa acrylamide, thực phẩm bị mốc có chứa aflatoxin...
Tiêu thụ một lượng lớn trong thời gian dài sẽ gây tích tụ quá nhiều chất gây ung thư trong cơ thể, gây hại cho hệ tiêu hóa và trao đổi chất, tăng khả năng mắc ung thư.
5. Ít vận động
Ngồi lâu không trực tiếp gây ra ung thư nhưng lại là một trong những yếu tố liên quan đến ung thư.
Một lượng lớn dữ liệu khẳng định rằng những người ít vận động trong thời gian dài dễ mắc nhiều vấn đề như giảm khả năng miễn dịch, rối loạn nội tiết, táo bón, làm tăng nguy cơ mắc một số bệnh ung thư như ung thư vú và ung thư đại trực tràng. Hơn nữa, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng tập thể dục dưới 30 phút mỗi ngày sẽ làm tăng nguy cơ ung thư!
Nguồn và ảnh: QQ, IARC, WHO, CDC, Healthline
Theo kenh14.vn