Đặt quy tắc, giới hạn cho con là một nhiệm vụ đầy thách thức với nhiều bố mẹ vì con có thể nài nỉ, mặc cả, khóc lóc hoặc đòi hỏi không ngừng cho đến khi được chấp nhận.
Một số ông bố bà mẹ sẽ nhượng bộ con để tránh một “cuộc chiến” có thể xảy ra, những người khác có thể cảm thấy có lỗi vì đã không thể đáp ứng yêu cầu của con.
Và cũng có những người thấy mình nói “Không”, không khác gì một câu cửa miệng…
Trong khi đó, học cách nói “Không” cũng là một nhiệm vụ quan trọng của bố mẹ. Vì những câu nói này có thể dạy trẻ những bài học quan trọng của cuộc sống.
Tiến sĩ Eileen Kennedy-Moore, Nhà tâm lý học Lâm sàng ở Princeton, Mỹ và là tác giả của nhiều cuốn sách dành cho bố mẹ và trẻ nhỏ đưa ra quan điểm về 7 tình huống bạn cần nói “không” với con:
1. Nói “không” khi hành động của con có thể làm tổn thương mình hoặc người khác
Tránh tổn thương có thể xảy ra là lý do đầu tiên chúng ta cần nói "Không" với con.
Con không thể lường trước được những hậu quả xấu đang chờ phía trước nên cần có sự hướng dẫn của người lớn để con lựa chọn. Cách nói “Không” này sẽ giúp con có suy nghĩ, cân nhắc trước khi làm.
Bố mẹ có thể cho con những lựa chọn thay thế để định hướng trẻ tới những hoạt động an toàn hơn.
Ví dụ: “Không, con không thể nhảy trên ghế sofa. Con có thể bị ngã đau vì cạnh bàn sắc nhọn hoặc ghế có thể bị hỏng. Nếu con muốn nhảy, con có thể đứng xuống đây, nhảy trên sàn nhà hoặc ra ngoài nhảy”.
2. Nói “Không” khi con có thể tự mình làm được
Đôi khi con sẽ nhờ bố mẹ làm gì đó cho mình trong khi con có thể tự làm. Bố mẹ hoàn toàn có thể giúp con nhưng hãy nhớ con cũng cần có cơ hội học kỹ năng và tham gia tích cực vào các hoạt động của cả nhà.
Bố mẹ có thể hướng dẫn hoặc hỗ trợ cho con nếu cần nhưng vẫn khuyến khích con tự thực hiện trách nhiệm của mình.
Ví dụ: “Không, hôm nay đến lượt con rửa bát. Con có nhớ cách làm không? Bố sẽ làm mẫu cho con một lần và con có thể làm tương tự với những cái bát còn lại”.
3. Nói “Không” khi đó là điều con muốn, chứ không phải là thứ con cần
Chúng ta thường bị các quảng cáo “tấn công dồn dập” nhưng nếu bỏ tiền ra mua cho con thì đôi lúc không lành mạnh và khôn ngoan chút nào.
Có thể đôi lúc bạn mua đồ gì đó tốt cho con nhưng không nên nghĩ mình bắt buộc mua vì con thích.
Cách nói “Không” lúc này có thể giúp con học cách chấp nhận rằng có những lúc mình sẽ bị thất vọng và chúng ta hoàn toàn có thể thích một thứ mà không cần phải sở hữu nó.
Bố mẹ có thể ghi nhận mong muốn của con nhưng vẫn sẽ không mua những thứ không cần thiết. Ví dụ: “Không, chúng ta không thể mua nó nhưng mẹ có thể hiểu là vì sao con lại thích. Trông nó thật lấp lánh”.
4. Nói “Không” khi kế hoạch thay đổi
Cuộc sống luôn có sự thay đổi. Cho dù chúng ta đã dự định làm một việc gì đó thì đôi khi hoàn cảnh vẫn có thể cản trở. Cách nói “Không” này sẽ giúp con học được tính kiên nhẫn và sự linh hoạt.
Ví dụ: “Không, tối nay chúng ta không thể làm được mặc dù mẹ rất muốn. Thế nhưng dì con đến nhà chơi và bây giờ thì đến giờ đi ngủ mất rồi nên chúng ta sẽ chuyển kế hoạch sang sáng mai.
Con muốn mình sẽ đi vào buổi sáng hay chiều?"
5. Nói “Không” khi nhu cầu của người khác (tạm thời) quan trọng hơn
Trẻ nhỏ thường tự cho mình là trung tâm nhưng khi quan tâm đến người khác sẽ là một cách để con vượt qua được trạng thái đó. Cách nói “Không” này sẽ giúp con học được sự rộng lượng, hào phóng.
Ví dụ: “Không, con không thể đi chơi với bạn vào ngày thứ 7 này. Mẹ biết là sẽ rất vui nhưng ngày hôm đó là sinh nhật của bà.
Tất cả chúng ta đều rất thương bà nên chúng ta đều muốn bà vui vào ngày sinh nhật. Mẹ cũng biết là bà cũng rất muốn gặp con nên bà sẽ rất buồn nếu con không tới”.
6. Nói “Không” khi bạn thấy thực sự không thích
Sự bực bội, khó chịu là điều không tốt cho bất kỳ mối quan hệ nào. Vậy nên sẽ tốt hơn nếu bạn không làm thay vì bạn làm với thái độ khó chịu, tức giận.
Cách nói “Không” có thể giúp con biết được giới hạn của người khác hoặc học cách thỏa hiệp.
Bạn có thể gợi ý một vài hoạt động thay thế để con có thể dễ dàng chấp nhận lời nói “Không” của bạn hơn.
Ví dụ: “Không, mẹ nghĩ là con không nên đăng ký tham gia hoạt động đó vì mẹ không muốn dành cả ngày thứ 7 để đi đến chỗ đó vì nó quá xa.
Trong khi thứ 7 là khoảng thời gian dành cho cả gia đình. Nên mẹ sẽ vui hơn nếu con đăng ký hoạt động nào đó ở gần nhà mình”.
7. Nói “không” khi điều đó đi ngược lại với giá trị của bạn
Chúng ta dạy con về những giá trị của bản thân thông qua những lựa chọn của mình.
Đôi khi bạn thấy mình là ông bố bà mẹ duy nhất đưa ra quyết định như vậy hay con có thể phản ứng mạnh trước những quyết định đó nhưng bạn cần đặt niềm tin vào mình.
Cách nói “Không” này có thể dạy con về thứ tự ưu tiên và tính ngay thẳng.
Bạn có thể giải thích cho con nghe lý do lựa chọn của cha mẹ nhưng đừng cảm thấy mình phải thuyết phục cho con hiểu rằng bạn đúng.
Ví dụ: “Không, con không thể sử dụng điện thoại. Mẹ nghĩ là nó không phù hợp với độ tuổi của con và mẹ không muốn nó ảnh hưởng đến việc học ở trường hay thời gian cho gia đình".
Kết: Con có thể sẽ thất vọng khi bạn nói “Không” nhưng đôi khi nó lại là điều tốt nhất bạn có thể làm cho con.
Có rất nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng phương pháp nuôi dạy tốt là kết hợp giữa sự ấm áp và giới hạn.
Vì vậy, cha mẹ hãy lựa cảm xúc của con, thỏa hiệp, chuyển hướng hoặc giải thích để làm dịu lời nói "Không", nhưng vì lợi ích của con, đừng e ngại việc nói "Không" nếu nó cần thiết.
Theo Tri Thức Trẻ