Hoa quả là thực phẩm giải nhiệt mùa hè rất tốt cho cơ thể. Có lẽ vì vậy mà lượng tiêu thụ mặt hàng này vào mùa hè luôn rất lớn. Và để tăng thêm lợi ích, nhiều tiểu thương đã không ngần ngại "tắm" hóa chất cho các loại hoa quả để chúng có màu sắc bắt mắt lại tươi lâu. Đó là những chất độc hại, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của chúng ta.
Rất khó để bạn có thể phát hiện đâu là trái cây sạch hay trái cây ngậm nhiều hóa chất. Chị Thanh Loan (ở Cầu Diễn, Hà Nội) chia sẻ: “Thông thường khi mua trái cây tôi cũng không chắc trái cây như thế nào là an toàn, chỉ nghe những lời truyền miệng là những trái nào nhỏ và không bóng láng thì mua, vì tôi được biết là những loại nào giữ được lâu và bóng láng thì toàn ngâm hóa chất”.
Theo các nguồn thông tin thì có một số hình thức đưa hóa chất vào cây trái đáng lo ngại như: “Tẩm” để tươi lâu, hiện tượng trái cây được giữ tươi lâu, thậm chí là 4-6 tháng chỉ có thể do trái cây được tẩm ướp với các hóa chất cấm sử dụng như thuốc diệt cỏ CO 2,4D, hóa chất có gốc clo. Đây là các chất giúp tiêu diệt các loại vi sinh vật bám vào trái cây. Nếu nhúng vào dung dịch các chất này, trái cây không những bảo quản được lâu hơn mà còn có vẻ ngoài cứng hơn, tươi hơn.
Chia sẻ trên Dân Trí, anh M. - công nhân của một cơ sở trái cây tại ngã tư An Sương , P. Trung Mỹ Tây, Q.12 (TP.HCM) xòe đôi bàn tay rồi nói: “Chị xem tay tôi này, bỏng rát, rộp da, mặc dù đã mang bao tay cẩn thận nhưng nhiều hôm vẫn tê buốt, mất cảm giác. Loại hóa chất này độc lắm nên ngay cả bà chủ còn kêu chúng tôi không nên ăn trái cây ở đây. Mấy cái này là đem bán cho người ta ăn thôi. Bà chủ và công nhân mà muốn ăn thì chỉ tới nhà vườn hái từ trên cây xuống rồi đem về nhà bỏ tủ lạnh dùng dần. Trái cây ngâm như thế này, ăn nhiều có mà ung thư à”.
Dưới đây là những loại quả được các chuyên gia liệt vào danh sách những loại trái cây được phun hóa chất nhiều nhất để giữ tươi lâu bạn cần nắm rõ để tránh nguy cơ bệnh tật:
1. Đào
Loại đào quả to thường được gọi là đào tiên bởi màu sắc bóng đẹp, nhìn rất bắt mắt.
Tuy nhiên, đào rất dễ dập nát và mất nước trong quá trình vận chuyển, vì thế người bán thường ngâm loại quả này với axit citric công nghiệp để giữ được màu sắc hấp dẫn của quả đào và giúp chúng giữ được sự cứng, giòn không bị giập nát.
Khi ăn phải đào có chứa loại hóa chất này, bạn có nguy cơ dị ứng, tổn hại thần kinh, ăn nhiều có thể gây ung thư.
2. Nhãn
Quả nhãn muốn để được lâu thường phun lưu huỳnh giúp giữ đầu quả không bị hỏng và vỏ quả bóng đẹp. Đồng thời khi ăn thịt bên trong có độ giòn, thịt nhãn cứng. Lưu huỳnh khi vào cơ thể gây cảm lạnh, tiêu chảy và ho nhiều.
3. Lê
Trong một số mẫu lê nhập khẩu từ Trung Quốc, người ta đã tìm thấy hóa chất Endosulfan, là loại thuốc trừ sâu có độc tính cao, tích tụ nhiều trong cơ thể có thể gây vô sinh hay phá vỡ hệ nội tiết. Ngoài ra, lê còn chứa nhiều hóa chất độc hại khác, ảnh hưởng đến sức khỏe con người, là trái cây độc hại nhất trên thị trường Việt Nam hiện nay.
Lê Trung Quốc thường có vỏ nhẵn mịn, da căng sáng bóng, hình thức bắt mắt, tuy nhiên ruột thường bị thâm đen, lỗ chỗ như kim châm, vị nhạt, không thanh chua, dịu mát như lê Việt Nam. Lê độc hại thường có mùi vị lạ hoặc hôi, không có hương vị đặc trưng riêng.
4. Dưa chuột
Người trồng dưa thường phun thuốc liên tục, thậm chí hôm trước phun, hôm sau đã thu hoạch để mang ra chợ bán. Thực tế, có người ăn dưa sau khi đã cẩn thận ngâm rửa bằng các loại dung dịch mà vẫn bị ngộ độc như thường.
5. Táo
Những trái táo lúc còn non đã được bọc bởi một loại túi tẩm thuốc trừ sâu loại cấm sử dụng khi chín sẽ cho trái láng mượt, căng hồng và không bị nấm mốc nên bán được giá rất cao. Những đốm trắng bên trong thành túi là bột thuốc trừ sâu.
6. Nho
Nho là một trong những loại quả dễ bị hóa chất nhất do vỏ mỏng và dễ bị dập thối. Vì vậy, các loại hóa chất sẽ khiến cho quả nho “cứng cáp” hơn với thời gian. Một quả nho cũng có khả năng dương tính với 15 loại hóa chất khác nhau.
7. Dưa hấu
Người trồng dưa hấu thường phun rất nhiều thuốc trừ sâu, nếu những quả chưa đến ngày đã được hái thường ruột bên trong màu trắng nhờ, có mùi, ở giữa thường ủng và lớp sọc xanh bên ngoài không đều, mờ.
8. Dâu tây
Loại quả này đã được liệt vào danh sách những loại trái cây được phun hóa chất nhiều nhất trên thế giới. Trong ngon lành, căng mọng như vậy nhưng trong quá trình sản xuất dâu tây, người ta đã sử dụng rất nhiều loại thuốc trừ sâu bệnh vì loại quả này rất dễ bị sâu tấn công.
Theo quy định tại Điều 7 Nghị định 178/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm thì việc lạm dụng hóa chất trong sản xuất, chế biến thực phẩm sẽ bị phạt tiền; các mức phạt tương ứng với các hành vi cụ thể như sau:
Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng hóa chất được phép sử dụng trong hoạt động sản xuất, chế biến thực phẩm nhưng quá thời hạn sử dụng hoặc không có thời hạn sử dụng.
Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng hóa chất không có trong danh mục được phép sử dụng, hóa chất không rõ nguồn gốc để sản xuất, chế biến thực phẩm.
Phạt tiền từ 70.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng hóa chất bị cấm sử dụng trong sản xuất, chế biến thực phẩm để sản xuất, chế biến thực phẩm. Ngoài ra, tang vật thu được sẽ bị áp dụng biện pháp tiêu hủy để khắc phục hậu quả.
Theo giadinh.net.vn