8 năm vừa chăm 5 con, bà mẹ Nhật Bản vẫn tốt nghiệp Harvard xuất sắc: Bí quyết dùng thời gian "đỉnh cao" là đây!

Nhờ áp dụng quy tắc "hòn đá lớn", "những viên đá nhỏ và cát mịn", bà mẹ "siêu nhân" này đã không lãng phí thời gian lẻ tẻ cũng như tận dụng được từng giây từng phút bên cạnh những đứa con.

Học tập vốn là chuyện cả đời, vì thế, dù có khó khăn đến mấy, vất vả đến mấy, bác sĩ sản phụ khoa Yoshida Suibo tại Tokyo, Nhật Bản vẫn cố gắng dành thời gian hoàn thành việc học. 

Cuộc sống của cô rất bận rộn, bởi ngoài công việc, cô còn phải chăm sóc 5 đứa con và vun đắp cho tổ ấm gia đình.

  • Năm 2004 là thời gian đánh dấu "mối duyên phận" của cô với đại học Harvard. Con gái lớn hơn 1 tuổi của Yoshida mắc bệnh hen suyễn đến nỗi cô quay cuồng với công việc gia đình, chẳng có thời gian thực hiện những dự định cá nhân. 

Nhưng chính lúc ấy, cô lại nghĩ rằng liệu có muộn quá không nếu ổn định gia đình rồi mới theo đuổi sự nghiệp; sau cùng, cô đã quyết tâm nói với gia đình rằng mình sẽ đến Harvard để học dù khi ấy con thứ hai của cô mới được 2 tháng tuổi.

Một ngày làm việc của cô kéo dài từ 9h sáng đến 5h chiều, tuy nhiên thời gian di chuyển đã "ngốn" mất của cô 3 giờ đồng hồ. 

Đưa đón con về nhà, khi ấy đồng hồ đã điểm 19h. Mệt rã rời, tay chân còn không muốn cử động, Yoshida đã có những ngày vất vả đến thế. May mắn thay, chồng ủng hộ tất cả quyết định của cô và anh chủ động làm một nửa việc nhà.

Ngoài ra, cô cũng tận dụng thời gian bằng cách đi ngủ sớm và dậy sớm. Cô ngủ cùng lúc với con và thức dậy lúc 3 giờ sáng để dành riêng cho việc học tập, tiếp thu kiến thức. 

  • Đồng thời, áp dụng triệt để quy tắc "hòn đá lớn", "những viên đá nhỏ và cát mịn", cô dùng thời gian đi tàu điện để học, gấp quần áo khi kể chuyện cho con, nghe học âm thanh trong khi rửa bát... 

Vừa không phí thời gian lẻ tẻ, vừa học thêm được những điều mới, đó chính là bí quyết dùng thời gian thành công của bà mẹ 5 con.

Giữa lúc dồn hết tâm sức vào Harvard, cô bầu em bé thứ 3. Yoshida vẫn cân bằng việc học, việc chăm sóc con cái cũng như chăm sóc thai nhi và đảm nhiệm thêm việc sinh nở. 

Cô lựa chọn phương pháp 'And' (và) thay vì 'Or' (hoặc) - tức là làm mọi việc cùng một lúc. 

Cuối cùng, sau 6 tháng miệt mài và hi sinh thời gian quý báu, cô đã nhận được thư nhập học của Trường y tế công cộng Harvard.

Gia đình Yoshida chuyển đến Boston vào năm 2008. Khi tới môi trường này, cô biết Harvard luôn có những người quyết tâm hơn, chăm chỉ hơn và cạnh tranh hơn mình. 

Khi quá áp lực, cô áp dụng quy tắc xin trợ giúp, tức là thuê một bảo mẫu giúp dọn việc nhà, nấu ăn một vài buổi trong tuần. Trong việc học cũng vậy, cô không ngần ngại xin giúp đỡ khi tiếng Anh ở giai đoạn đầu vẫn còn là một trở ngại.

Trước mỗi kì thi, Yoshida đều đến thư viện cuối tuần để học cùng cô con gái thứ hai 1 tuổi, trong khi đó chồng cô đảm nhiệm việc đưa 2 đứa con còn lại đến khu vực sách ảnh. 

Để tránh việc con gây ồn ào tại thư việc, cô vừa cầm sách vừa đi đi lại lại, nhằm đánh lạc hướng con. 

Bản thân cô cũng biết cần dành thời gian nhiều cho những đứa con đang tuổi ăn tuổi lớn, đặc biệt vào cuối tuần nên với cô, đọc thêm được một vài trang sách cũng là một điều quý báu rồi. Cô không hề phàn nàn về việc "làm phiền" của các con.

Năm 2012, Yoshida tốt nghiệp Harvard với kết quả xuất sắc. Cùng lúc đó, cô mang thai đứa con thứ tư và gia đình dự định trở về Nhật Bản.

Khi về nước, cô được cử làm giám đốc nghiên cứu của Phòng nghiên cứu sức khỏe nghề nghiệp, Viện khoa học y tế quốc gia Nhật Bản, chuyên nghiên cứu các vấn đề chăm sóc mẹ con.

Sau đó, cô ra mắt cuốn sách "Yoshida Doctor Harvard School" kể về hành trình chạm tới mơ ước của mình và cuốn sách khác "Bởi vì không có thời gian, mọi thứ đều có thể được thực hiện" khuyên chúng ta đừng từ bỏ ước mơ.

Trong khi cuốn sách thứ hai được xuất bản, cô đang mang thai em bé thứ năm.

Tất nhiên, chẳng điều gì có thể làm khó Yoshida. Với sự quyết tâm của mình, sau này, cô đã lấy được bằng tiến sĩ Đại học Nagoya. Hiện, Yoshida có vị trí cao trong Viện Hàn lâm Khoa học Y tế Quốc gia Nhật Bản.

Link bài gốc

Theo Tri Thức Trẻ

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU