Ai phải chịu trách nhiệm với cái chết oan ức của cô gái trong vụ thanh sắt của công trình xây dựng làm chết người?

(lamchame.vn) - Một thanh sắt của đơn vị xây dựng tắc trách rơi xuống đường đã cướp đi tính mạng của một người và khiến một người bị thương nặng. Dư luận tiếp tục bàng hoàng vì ngay giữa thủ đô mà công trình xây dựng triễn khai như ở chốn không người. Để rồi khi sự cố xảy ra, ai là người phải chịu trách nhiệm.

Công trình đang thi công thuộc dự án “Trung tâm thương mại và văn phòng cho thuê" của công ty Sao Mai. Theo nhiều luật sư, trách nhiệm đầu tiên thuộc về nhà thầu thi công xây dựng công trình. Bởi lẽ khi khởi công xây dựng công trình, nhà thầu phải  tổ chức lập biện pháp thi công riêng, chi tiết đối với những công việc đặc thù, có nguy cơ mất an toàn lao động cao. Những điều này đều  được quy định trong quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn trong xây dựng công trình. Nếu phát hiện ra sự cố gây mất an toàn lao động phải có hướng giải quyết kịp thời. Nếu không sẽ phải dừng thi công để đảm bảo an toàn.  Bởi sự an toàn này không chỉ dừng ở trong phạm vi công trường mà cả với những người xung quanh. Như vậy, sự cố thanh sắt công trình xây dựng là do lỗi của người trực tiếp phụ trách an toàn lao động công trình đã không thực hiện đúng quy định về các biện pháp đảm bảo an toàn trong thi công.

Công trình đang thi công nơi xảy ra sự cố

Chỉ một chút chủ quan - sơ hở của những người làm nhiệm vụ giám sát mà một cô gái trẻ bị chết oan ngay, một người bị thương nặng và tiếp đó là sự hoang mang của cộng đồng. Nhiều người trở nên run sợ khi phải đi qua những cung đường có các công trình đang thi công dang dở. Họ sợ tai bay vạ gió, sợ mình sẽ là nạn nhân tiếp theo phải gánh chịu hậu quả của chuỗi những sự chủ quan từ nhà thầu đến những người giám sát các công trình xây dựng. 

Điều 295. Tội vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở nơi đông người

1. Người nào vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở nơi đông người gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a) Làm chết người;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;

d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:

a) Làm chết 02 người;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;

c) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng;

d) Là người có trách nhiệm về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở nơi đông người.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 06 năm đến 12 năm:

a) Làm chết 03 người trở lên;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;

c) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.

4. Vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở nơi đông người trong trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả quy định tại một trong các điểm a, b và c khoản 3 Điều này nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

 

Theo kienthuc.net.vn

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU