Marc Jacobs bị Nirvana kiện vì vi phạm bản quyền |
Thương hiệu Marc Jacobs có một khởi đầu không mấy suôn sẻ cho năm 2019. Ban nhạc huyền thoại Nirvana đâm đơn kiện thương hiệu này vì đã vi phạm bản quyền, sử dụng trái phép thương hiệu của nhóm…
Trong các tài liệu gần đây được nộp lên Tòa án Hoa Kỳ, trung tâm California, Nirvana đã tuyên bố rằng Marc Jacobs đã vi phạm bản quyền khi sử dụng lại biểu tượng logo hình mặt cười.
Vào tháng 11/2018, Marc Jacobs đã phát hành bộ sưu tập ‘Redux Grunge’, đây là sự kết hợp các tác phẩm của nhà thành lập này với thương hiệu quần áo Perry Ellis vào năm 1993. Trong số những mẫu áo mới đó có bao gồm mẫu áo thun với giá 115 đô la Mỹ dưới đây, với thiết kế logo gần như tương tự với logo của Nirvana.
Hơn nữa, Marc Jacobs còn phát động chiến dịch bao gồm nhiều điều liên quan đến lời bài hát của ban nhạc Nirvana, chẳng hạn giống như trong một clip ca nhạc tên Smells Like Teen Spirit. Jacobs còn thiết kế thêm khẩu hiệu trên chiếc áo phông là “Come As You Are”.
Điểm nhấn của chiếc áo phông đó chính là được Neiman Marcus – một cửa hàng bách hóa sang trọng của Mỹ dán nhãn là ‘Bootleg Redux Grunge’.
Phía Nirvana cho biết, thành viên quá cố của nhóm – Kurt Cobain tạo ra logo “Smiley Face” (Mặt Cười) vào năm 1991 và đã đăng ký bản quyền để nó trở thành biểu tượng cho âm nhạc của nhóm. Logo này còn được cấp phép để in lên hàng triệu chiếc áo, mũ, túi xách, phụ kiện… và được bán rộng rãi trong nhiều thập kỷ qua.
Ngược lại với những chiếc áo in logo Nirvana được cấp phép đầy đủ của nhà bán lẻ Urban Outfitters và Target, Marc Jacobs không hề có thẩm quyền hay trả phí để sử dụng tài sản trí tuệ của Nirvana trên chiếc áo phông trị giá gần 115 đô la Mỹ và áo sweater gần 200 đôla của hãng. Tới thời điểm hiện tại, đại diện của thương hiệu Marc Jacobs vẫn chưa có bất kỳ phản hồi nào về sự việc.
Primark liên tục bị Vans, Valentino kiện vì sao chép thiết kế |
Mới đây, vụ kiện tụng liên quan đến vấn đề bản quyền giữa Vans và Primark đã làm nóng tin thời trang đầu năm 2019.
Cụ thể, Vans và công ty mẹ – tập đoàn VF đang đệ đơn kiện Primark vì đã sao chép 2 thiết kế giày trượt ván kinh điển của hãng. Vans cáo buộc rằng Primark đã cố ý bán sản phẩm đạo nhái thiết kế từ năm 2017 và tưởng như đã sắp xếp ổn thỏa khi yêu cầu họ dừng lại vào tháng 1 năm ngoái. Tuy nhiên, Vans sớm phát hiện ra nhà bán lẻ thời trang đường phố cao cấp vẫn tiếp tục cho bán các sản phẩm này tại Mỹ.
Các tài liệu cho thấy hai thiết kế giày thể thao của Vans, bao gồm Vans Old Skool và Vans Sk8-Hi, đều có đường sọc ở bên hông giày và đế giày có hoa văn đã đăng ký bản quyền. Đây đều là những thiết kế giúp khách hàng dễ dàng nhận diện sản phẩm của Vans khi chỉ nhìn từ xa.
H&M bị tố vi phạm bản quyền trong chiến dịch quảng cáo |
REVOK - Nghệ sĩ vẽ graffiti người Mỹ đã yêu cầu H & M ngừng sử dụng các tác phẩm nghệ thuật đường phố của mình cho mục đích quan cáo. Tuy nhiên, người khổng lồ ngành thời trang nổi tiếng này đã đệ đơn kiện lại Jason Williams ( tên thật của REVOK) với lý do là anh ta không có quyền sở hữu đối với tác phẩm được tạo ra bất hợp pháp.
Nhưng theo luật sư trong ngành, bà Tara Parker cho biết rằng thậm chí bức tường sơn phun bất hợp pháp cũng có thể được luật bản quyền bảo vệ. Các luật bản quyền cả ở Canada và Mỹ đều không yêu cầu các tác phẩm phải được thực hiện theo cách hợp pháp.
Trong buổi phỏng vấn với Morning Your Morning của CTV bà cho biết: "Một tác phẩm nghệ thuật được bảo vệ bởi Luật bản quyền thì phải có hai yếu tố thiết yếu. Thứ nhất, tác phẩm đó phải là bản gốc và thứ hai là phải có dạng cố định, hữu hình. Nếu các tác phẩm graffiti có thể đáp ứng hai yêu cầu này thì các tác phẩm nghệ thuật đường phố này hoàn toàn được Luật bản quyền bảo vệ ".
Vào ngày 15/3, H&M thông báo rằng họ đã từ bỏ vụ kiện và khẳng định rằng họ không bao giờ có "ý định thiết lập một tiền lệ liên quan đến nghệ thuật công cộng hoặc gây ảnh hưởng tới cuộc tranh luận về tính hợp pháp của nghệ thuật đường phố". Đồng thời, H&M cũng gỡ xuống những bài quảng cáo liên quan đến tác phẩm của REVOK trên trang web công ty cũng như trên mạng xã hội.
Zaza bị kiện vì vi phạm bản quyền |
Trong một tuyên bố hôm 24/4, Laduma cho biết Zara đã sao chép một trong những mẫu họa tiết của công ty Maxhosa by Laduma.
Laduma nói: "Zara chiếm đoạt và sao chép những mẫu họa tiết này trên sản phẩm tất mới. Hãng này chia sẻ đây là dòng tất mới bán chạy nhất trên cửa hàng trực tuyến của họ. Họa tiết trên tất của Zara giống với hoa văn trên áo cardigan của chúng tôi được ra mắt vào tháng 3/2014 tại tuần lễ thời trang Mercedes-Benz ở Johannesburg, Nam Phi”.
Anh chia sẻ thêm: "Chiếc áo len vẫn có sẵn trên cửa hàng trực tuyến của chúng tôi và đang trên đường chinh phục toàn cầu. Dòng cardigan này vẫn là một trong những sản phẩm bán chạy nhất của chúng tôi".
Laduma cho biết công ty của anh đã nhờ tới các luật sư để có cách xử lý vấn đề này. Anh nói: "Các luật sư đã gửi thư cho Zara thông báo về việc vi phạm bản quyền và đưa ra các yêu cầu của chúng tôi. Chúng tôi làm cách này để tránh việc các sản phẩm của mình bị chiếm đoạt và điều chỉnh mà không có sự đồng ý hoặc cho phép".
Laduma khẳng định: "Chúng tôi coi trọng vấn đề vi phạm bản quyền và có nhận thức đầy đủ về các quyền sở hữu trí tuệ. Chúng tôi muốn cảm ơn các khách hàng đã gửi bằng chứng về vấn đề vi phạm này. Dù thắng kiện hay không, chúng tôi vẫn quyết định đưa vụ việc này ra trước pháp luật”.
Nike giành chiến thắng trong vụ kiện bản quyền logo "Jumpman" sau 2 năm |
Được biết, hình ảnh phóng khoáng và mạnh mẽ của “The Jumpman” xuất hiện lần đầu tiên trên những đôi giày Air Jordan III vào năm 1988 và gây dựng nên một đế chế thực sự của đôi sneaker kinh điển này. Đương nhiên, ai cũng biết, logo này mô phỏng bước chân thần kỳ của huyền thoại bóng rổ Michael Jordan.
Nike đã từng tham vọng đồng nhất các logo trên các sản phẩm của họ, tuy nhiên chưa một hình ảnh nào có thể xóa được “The Jumpman” trên những phiên bản Air Jordan cho đến thời điểm này.
Mặc dù vậy logo này cũng đã gây rắc rối cho Nike suốt thời gian dài vừa qua.
Cụ thể, nhiếp ảnh gia Rentmeester đã cáo buộc Nike ăn cắp bản quyền. Người đàn ông này cho rằng Nike đã tạo ra logo "Jumpman" từ một bức ảnh anh ta chụp Michael Jordan thuở còn làm tân binh cho Chicago Bulls vào năm 1984.
Trong bức ảnh được ghi lại bởi Rentmeester, Michael Jordan đã bật rất cao trong tư thế mang tính biểu tượng, phía sau là bầu trời Chicago. Dù đã được Nike trả 15.000 USD cho bức ảnh này vào năm 1985, nhiếp ảnh gia tuyên bố rằng việc tạo ra logo "Jumpman" của Nike đã vi phạm những thỏa thuận ban đầu của họ.
Suốt 2 năm qua, vụ kiện cáo đã gây ra nhiều rắc rối cho hãng giày nổi tiếng. Và mới đây, Tòa Phúc thẩm Liên Bang Hoa Kỳ Khu Vực 9 (Ninth U.S. Circuit Court of Appeals) đã đưa ra phán quyết cuối cùng, đó là logo Jumpman của Nike không giống với bức ảnh của Rentmeester dựa trên những quy định của luật bản quyền.
Thương hiệu thời trang Levi’s kiện Kenzo vì vi phạm bản quyền “nhãn đỏ” |
Levi’s cáo buộc rằng những chi tiết may nhãn đỏ trong bộ sưu tập mới của Kenzo có quá nhiều nét tương đồng với thiết kế Levi’s đã sử dụng hàng thập kỉ nay. Bộ sưu tập mới của Kenzo được tung ra với sự góp mặt của ca sĩ Britney Spears làm người mẫu.
Chi tiết nhãn đỏ được Levi’s cho ra mắt vào những năm 1930, giúp người tiêu dùng dễ dàng phân biệt khỏi hàng trăm thương hiệu denim khác trên thị trường.
Thông thường, miếng nhãn này được gắn vào túi quần sau bên phải với nhiều phiên bản và màu sắc khác nhau qua từng năm. Theo Levi’s, những chi tiết nhãn đỏ trên thiết kế của Kenzo sẽ gây hoang mang cho người tiêu dùng.
Hãng đã gửi thư đến Kenzo yêu cầu cho ngưng và xem xét lại thiết kế này ngay lập tức, nhưng thương hiệu Pháp vẫn chưa đưa lời phản hồi nào. Hiện giờ Levi’s đang đòi được bồi thường về thiệt hại và doanh thu, đồng thời yêu cầu Kenzo ngừng bán những sản phẩm Levi’s yêu cầu.
Trong đơn tố cáo lên tòa án của Levi’s, có ghi chú lời tuyên bố năm 1936 của ông Christopher Lucier, giám đốc kinh doanh của hãng lúc bấy giờ. Lời tuyên bố viết: “không có nhà sản xuất overalls (quần yếm – tên gọi trước đây của denim Levi’s) nào khác được phép thêm chi tiết miếng vải nhãn có màu bên ngoài túi, trừ khi nhà sản xuất đó cố tình sao chép nhãn hiệu của chúng tôi và gây hoang mang cho người tiêu dùng”.
Trong khi đó, giày của Primark được bán trên thị trường với giá thấp hơn nhiều lần so với phiên bản gốc. Trong khi giày The Old Skool của Vans có giá 55 euro thì phiên bản “song sinh” của nó chỉ được bán với giá 8 euro ở Primark. Vans Sk8-Hi cổ cao trị giá 65 euro cũng chỉ được rao bán với giá 12 euro. Trong đơn kiện, Vans còn chỉ ra rằng đơn vị bán lẻ thời trang nhanh có trụ sở ở Dublin này còn sử dụng tên “Skater low tops” và “Skater high tops” để cố ý liên kết với hai thiết kế giày bán chạy của hãng.
Theo sohuutritue.net.vn