Phù phổi vì té hồ bơi
Theo bác sĩ Nguyễn Minh Tiến - Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng thành phố, cháu bé được chuyển bởi xe cứu thương của Trung Tâm Cấp Cứu 115 tới cấp cứu với chẩn đoán ngạt nước do té hồ bơi.
Khai thác bệnh sử ghi nhận, trưa cùng ngày nhập viện, Ph. cùng với hai bạn cùng trang lứa đến một hồ bơi ở Bình Chánh, TP.HCM để bơi tắm, bị trượt chân ở vùng nước sâu (khoảng 2m). Cứu hộ viên hồ bơi phát hiện trong vòng 5 phút.
Trẻ được vớt lên trong tình trạng tím tái, không thở, được hô hấp nhân tạo, ấn tim, thổi ngạt, đồng thời gọi cấp cứu 115.
Khoảng 10-15 phút, đội cấp cứu 115 có mặt, đặt nội khí quản giúp thở, thiết lập đường truyền, hồi sức tim phổi, trẻ có tim đập trở lại sau đó chuyển đến Bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố.
Bé trai phù phổi nguy kịch vì đuối nước ở hồ bơi
Tại bệnh viện, bác sĩ cho biết, ghi nhận trẻ hôn mê, tím tái, mạch nhẹ khó bắt, huyết áp khó đo, co gồng từng cơn, phù phổi cấp, bọt hồng trào ra ống nội khí quản.
Trẻ được xử trí thở máy, chống co giật, đặt catheter đo huyết áp xâm lấn, đo áp lực tĩnh mạch trung tâm để hướng dẫn sử dụng thuốc vận mạch, điều chỉnh nước điện giải và cho kháng sinh điều trị viêm phổi hít.
Tình trạng còn diễn tiến nặng, được tiếp tục hồi sức hô hấp, hỗ trợ tuần hoàn, chống co giật, chống phù não.
Các bước sơ cứu
Bác sĩ Huỳnh Bá Tản – trung tâm cấp cứu 115 TP.HCM cho biết, mỗi lần nghe tin trẻ bị đuối nước ở hồ bơi ông cảm thấy đau thắt lòng. Có bé trong lúc học bơi bị ngạt nước nhưng không thể cứu được.
Những trường hợp đó không biết các cháu có được ấn tim ngoài lồng ngực và hô hấp nhân tạo ngay tại hồ bơi hay không? Thực hiện trong bao lâu? Người thực hiện có được huấn luyện qua các khóa sơ cấp cứu cơ bản chưa?
Thầy giáo thể dục có phương pháp dạy bơi đúng cách và an toàn không? Hồ bơi có nhân viên cứu hộ và đã được huấn luyện sơ cấp cứu hay không ?
Bác sĩ Tản cho biết có "3 x 3 = 9" nguyên tắc để phụ huynh kiên quyết yêu cầu bằng được khi cho con trẻ đi học bơi tại các hồ bơi:
1. Nguyên tắc 3 KHÔNG:
- Không có huấn luyện viên dạy bơi chuyên nghiệp đảm trách thì không học.
- Không có nhân viên cứu hộ chuyên nghiệp hiện diện không cho xuống nước.
- Không có phương tiện cứu hộ và sơ cấp cứu tại chỗ để sẵn nơi hồ bơi không cho xuống nước.
2. Nguyên tắc 3 CÓ:
- Có đủ phao tay và phao lưng đúng kích cỡ dành cho trẻ nhỏ mới cho học.
- Có đủ số lượng giáo viên hay người giám sát hồ bơi tối thiểu 1 người giám sát/10 trẻ mới cho xuống nước.
-Có thể quan sát rõ ràng không bỏ sót bất kỳ vùng nào của đáy hồ mới cho xuống nước
Còn khi trẻ bị đuối nước ở hồ bơi, cần ba ưu tiên:
Ưu tiên 1: Ấn tim ngoài lồng ngực và hô hấp nhân tạo ngay lập tức nếu thấy trẻ ngưng thở, thở ngáp cá hoặc tím tái theo tỷ lệ 15 lần ấn tim xen kẽ 2 lần hô hấp nhân tạo (nếu có 2 người cấp cứu) hoặc tỷ lệ 30 lần ấn tim xen kẽ 2 lần hô hấp nhân tạo (nếu chỉ có 1 người cấp cứu) liên tục như thế cho đến khi trẻ tự thở được.
Ưu tiên 2: Vừa tiếp tục liên tục ấn tim ngoài lồng ngực và hô hấp nhân tạo, vừa la lớn nhờ ai đó gọi CẤP CỨU 115 ĐẾN HỒ BƠI, khẩu lệnh: "GỌI CẤP CỨU 115 CÓ TRẺ NGẠT NƯỚC TẠI HỒ BƠI". Sơ cấp cứu tại chỗ được xem là thành công khi da trẻ hồng hào, tự thở được, tim đập lại, sờ được mạch cảnh rõ và trẻ dần tỉnh lại.
Ưu tiên 3: Nếu trẻ đã có thể tự thở lại cần phải cho trẻ nằm nghiêng xoay mình và hơi úp nghiêng mặt xuống đất ở tư thế an toàn để trẻ có thể thở dễ dàng hơn và ho ói trào dịch từ trong phổi hay dạ dày ra, nằm đợi xe cứu thương 115 hay đội Y tế Cấp cứu ngoại viện đến.
Không tự ý hấp tấp vận chuyển trẻ bị ngưng tim ngưng thở do ngạt nước bằng bất kỳ phương tiện xe cộ nào vì thời gian vàng từ 5 đến 7 phút để tiến hành kịp thời sơ cấp cứu ngưng tim ngưng thở ngay tại hồ bơi cho trẻ mới là yếu tố quyết định cứu sống trẻ bị đuối nước.
Link gốc: http://phapluatbandoc.giadinh.net.vn/be-trai-nguy-kich-vi-duoi-nuoc-o-ho-boi-bs-chia-se-3-nguyen-tac-co-3-nguyen-tac-khong-giu-an-toan-cho-tre-162202810164342368.htm
Theo ttvn.vn