Tôi có biểu hiện rát da, sạm da khi xuống biển tắm và đi cả ngày mà không đội mũ mặc dù trời hôm ấy nhiều mây và không có nắng. Có phải tôi bị cháy nắng? Tại sao lại bị như vậy?
- Lê Thu Hằng (Bắc Giang) -
Trả lời:
Cháy nắng là do tiếp xúc với ánh sáng cực tím (UV) quá nhiều. Khi tiếp xúc với tia UV, da tăng tốc độ sản xuất melanin để bảo vệ da. Tuy nhiên, bảo vệ chỉ đến một mức độ tùy thuộc vào số lượng melanin cơ thể có thể sản xuất. Số lượng melanin một người sản xuất được xác định về mặt di truyền và nhiều người chỉ đơn giản là không thể sản xuất melanin, đủ để bảo vệ da tốt.
Khi cháy nắng, da bị sạm màu, đỏ ửng, rát. Mức độ nặng hơn có thể gây phồng rộp trên da, sốt, nhức đầu và mệt mỏi nếu diện tích da bị cháy nắng rộng. Các dấu hiệu và triệu chứng bị cháy nắng thường xuất hiện trong vòng vài giờ sau khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Nhưng cũng có thể mất một ngày hoặc lâu hơn để biết mức độ đầy đủ của cháy nắng. Trong vòng một vài ngày, da có thể tự bong, lột. Tùy thuộc vào mức độ có thể mất nhiều ngày hoặc nhiều hơn để vùng da cháy nắng lành trở lại.
Có thể bị cháy nắng vào những ngày nhiều mây, trời râm bởi 90% các tia cực tím đi qua đám mây. Tia UV cũng có thể phản xạ trên cát, nước, tuyết, đá và các bề mặt phản xạ khác gây đốt cháy làn da nghiêm trọng như ánh sáng mặt trời trực tiếp. Để phòng tránh cháy nắng, cần tránh ánh nắng mặt trời từ 10 giờ sáng tới 4 giờ chiều. Bởi vì tia nắng mặt trời mạnh nhất trong những giờ này. Mặc quần áo dài, bao tay và chân, đội mũ rộng vành khi ra ngoài trời. Sử dụng kem chống nắng thường xuyên ngay cả vào những ngày có mây. Bôi kem chống nắng 30 phút trước khi ra ngoài và bôi lại sau mỗi 2 giờ hoặc khi nó bị cuốn trôi bởi mồ hôi hoặc nước.
BS. Vũ Nam
Theo suckhoedoisong.vn