Bí quyết dạy con biết nhận lỗi và xin lỗi

(lamchame.vn) - Dạy trẻ biết nhận lỗi và chịu trách nhiệm về lỗi lầm mình gây ra cũng là một yếu tố quan trọng mà các bậc cha mẹ phải lưu tâm. Điều này đòi hỏi các ông bố bà mẹ phải kiên nhẫn và khéo léo để rèn cho con tính trung thực và có trách nhiệm với hành động của mình.

Trẻ thường có tâm lý sợ hãi khi mắc lỗi, chính vì thế bố mẹ cần phải có phương pháp giáo dục trẻ sao cho hiệu quả để con dũng cảm nhận lỗi:

Dạy trẻ biết cách phân biệt đúng sai

Bé cần được giáo dục về hành vi, về điều đúng sai trong cuộc sống hằng ngày, có như thế mới giúp bé hình thành được những phản xạ tự nhiên, từ đó có thái độ đúng đắn hơn trong việc nhận lỗi về mình.

Cảm ơn khi được tặng quà là đúng, vô lễ với người lớn là sai, … Đó có thể là những bài học đầu tiên để giúp trẻ biết phân biệt thế nào là đúng, thế nào là sai. Để làm được điều này, ngoài việc dạy cho trẻ, bố mẹ còn cần phải thường xuyên quan sát những hành động của trẻ hàng ngày để kịp thời chỉ cho trẻ biết mỗi khi trẻ làm sai.

 

Dạy trẻ biết cách nhận lỗi như thế nào?

Khi bé đã biết phân biệt được điều đúng và điều sai thì việc tiếp theo bạn cần làm chính là dạy bé biết cách nhận lỗi thế nào cho đúng.
Đôi khi bé sẽ không biết phải nhận lỗi như thế nào. Bạn cần khuyến khích hay thậm chí dỗ ngọt để bé chịu nhận lỗi của mình. Nhưng cũng không nên quá gò bó hay ép buộc bé phải làm, vì nhận lỗi cần sự tự giác từ các bé. Khi cần thiết, bạn cũng có thể trò chuyện riêng với bé và hỗ trợ bé tìm ra những từ ngữ phù hợp trong hoàn cảnh đó mà không cần đến từ “xin lỗi” như: “Con rất buồn vì làm hư đồ chơi của em” hay “con không cố ý làm đổ cơm”…

Cần thể hiện sự chân thành trong lời xin lỗi

Trẻ cần phải hiểu rõ được ý nghĩa của lỗi xin lỗi mà mình nói ra chứ không phải chỉ là câu nói suông cửa miệng cho xong việc. Hãy cho bé biết cách nhìn thẳng vào người đối diện và nói lời xin lỗi chân thành từ trái tim mình. Điều này sẽ giúp bé đề cao việc xin lỗi và hạn chế mắc phải sai lầm.

 

Có sự động viên, khen ngợi xứng đáng khi trẻ biết nhận lỗi

Một lời khen ngợi là rất cần thiết khi trẻ dám dũng cảm đứng ra nhận lỗi của bản thân mình. Bạn có thể dùng những câu như “Con rất dũng cảm, biết nhận lỗi như thế là đã lớn”, ... để khích lệ con mình.

Hãy đưa ra cho trẻ những ví dụ rằng kể cả người lớn đôi khi cũng mắc sai lầm và nói thật ra để mọi người cùng góp ý, sửa chữa mới đáng khen và được tha thứ. Trong những trường hợp khác nhau, tất nhiên không phải lúc nào cũng ngợi khen nhưng khi trẻ có ý muốn “tự thú” cho dù chúng “bóng gió” thì bạn hãy tỏ ý cho trẻ biết rằng nói thật là điều nên làm hơn.

Bố mẹ phải là một tấm gương sáng để trẻ noi theo

Trẻ con như tờ giấy trắng. Mọi điều bé nhìn thấy từ người lớn sẽ ăn sâu vào đầu óc non nớt của bé. Bạn hãy nhớ kỹ điều đó để có những cách hành xử đúng đắn hàng ngày. Ví dụ như nếu bố mẹ cứ đổ thừa nhau: “Tại anh, …”, “Tại em, …” thì chuyện tất yếu là bé cũng sẽ nhiễm ngay cách chối bỏ trách nhiệm như thế.

Bố mẹ luôn dạy con phải biết nhận lỗi và xin lỗi thì chính bố mẹ cũng phải là một người biết tự nhận lỗi và xin lỗi ngay trong đời sống hàng ngày với mọi người và đặc biệt là với chính con cái của mình.

Một số phụ huynh bảo thủ nói rằng: “Tôi đẻ ra nó mà lại đi xin lỗi nó ư?”. Đừng quên rằng, “Xin lỗi” cũng là một cách tôn trọng con và dạy con tôn trọng cha mẹ.

Theo sohuutritue.net.vn

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU