Ông Thomas (hiện 58 tuổi) là doanh nhân người Bỉ, đến Sài Gòn mở chi nhánh công ty rồi gặp chị Thương (45 tuổi), đã có gia đình, làm phiên dịch cho công ty mình. Năm 2010, giận chồng, chị Thương ngoại tình với ông chủ. Khi ông Thomas về nước cũng là lúc chị phát hiện mình đã mang thai hơn ba tháng.
Lúc bé Nhím chào đời, anh Quyết (quận Tân Bình, TP HCM) thấy con gái tóc vàng, mắt xanh không giống ai đằng nội nên đã nghĩ bệnh viện trao nhầm, đi hỏi khắp nơi. Nghe chị Thương thú nhận bé Nhím là con của Thomas, anh sốc, không giữ được bình tĩnh. Cho đến khi nhìn con gái khóc thét vì đói sữa, anh cầm lòng không được vì thương bé, nên đã chấp nhận tha thứ cho vợ.
"Con bé chẳng có tội gì cả. Nó cần được yêu thương bao bọc. Tôi không phải cha đẻ nhưng có công nuôi dưỡng", anh Quyết nói. Anh cùng vợ chăm sóc con gái, bảo vệ hai mẹ con trước gia đình, bạn bè mình. Còn chị Thương chụp hình con gửi cho người tình, đồng thời yêu cầu ông Thomas không được làm việc gì ảnh hưởng đến gia đình chị.
Ảnh: Boomerinthepew |
Muốn được chăm sóc bé, nhưng thấy vợ chồng chị Thương đang hạnh phúc, ông Thomas một mặt chấp nhận yêu cầu, mặt khác chuyển đến Sài Gòn định cư để được gần con. Trong hơn 6 năm, ông hỏi thăm tình hình của con qua chị Thương và chu cấp tài chính để chị nuôi bé Nhím.
Năm 2017, không chịu đựng được chuyện vợ tiếp tục qua lại với ông Thomas, anh Quyết xin ly hôn và được tòa chấp nhận. "Là vợ chồng thì phải tôn trọng nhau, nhưng cô ấy không làm điều đó với tôi. Tôi thương bé Nhím, nhưng cứ hình dung đến cảnh vợ mình vui vẻ với người khác, tôi giận lắm", anh Quyết tâm sự. Buồn chán, anh dọn đến một nơi cách nhà hơn 300 km để không ai liên lạc được.
Để con gái biết về nguồn cội và được thừa kế tài sản của mình, ông Thomas muốn cùng anh Quyết đi làm thay đổi giấy khai sinh cho con. Không tìm được anh, ông đành kiện chị Thương ra tòa, yêu cầu thay đổi cha cho con.
Với kết quả giám định AND có cùng huyết thống, yêu cầu của ông Thomas được tòa án nhân dân TP HCM chấp nhận hồi tháng 3 vừa qua. Được đứng tên trong giấy khai sinh của con gái, ông Thomas rất vui. Ông cho biết, đó là ước nguyện của mình từ lâu. Thời gian tới ông sẽ đưa bé Nhím sang thăm ông bà nội và đi du lịch nhiều nơi để con học hỏi, cảm nhận được tình yêu của ba. Ngược lại, anh Quyết để lại nhà, con trai ruột và bé Nhím cho vợ nuôi, còn mình đi nơi khác sống.
Từng có hơn 20 năm giữ quyền công tố tại các phiên tòa hôn nhân gia đình, một vị đại diện viện kiểm sát TP HCM cho biết, trong thực tế rất nhiều người có con với bồ nhí, nhưng đưa chuyện của mình ra tòa là khá hiếm. Đa số họ đều tự thỏa thuận hoặc âm thầm đóng góp cho người tình nuôi con, hoặc có người mặc nhiên để người khác là cha của con mình vì sợ bị dị nghị, gia đình tan vỡ.
Ông còn nhớ một vụ việc tương tự kiện đòi nuôi con mà mình giữ quyền công tố. Ông Lâm (quận Bình Thạnh, TPHCM) vì muốn có con trai nên đã cặp bồ, sau khi vợ sinh 3 cô con gái. Cậu bé được 8 tuổi thì cô bồ lấy chồng và quyết định sang Mỹ định cư. Nhiều lần thuyết phục cô để con trai lại cho mình nuôi mà không được, ông Lâm kiện đòi quyền nuôi con. Sau nhiều dùng dằng thì cô này cũng chấp nhận.
Theo vị chuyên gia, cả ông Lâm và chị Thương đều vi phạm chế độ hôn nhân một vợ, một chồng. Nếu theo pháp luật, họ sẽ bị xử phạt hành chính, nhưng đã may mắn được bạn đời chấp nhận lỗi lầm. Trong thực tế, rất hiếm người làm được việc tha thứ như anh Quyết và vợ ông Lâm.
Vị chuyên gia khuyên, trong mọi tình huống, nếu chuyện bị bại lộ, người lớn hãy nhẹ nhàng giải quyết và đặt ưu tiên cao nhất là đứa trẻ để giải quyết mọi việc cho đúng. Đừng làm tổn thương con.
* Tên nhân vật đã thay đổi.