Phải có cơ chế đặc thù
Mặc dù có sự tham gia của Bộ Tài chính trong việc kê khai giá, và đề nghị rà soát lại các quy trình xuất bản SGK như trên. Tuy nhiên, mỗi năm Chương trình mới được triển khai là phụ huynh lại "bàng hoàng" trước giá SGK. Đơn cử như năm học tới đây, giá sách lớp 3,7 và 10 đã tăng gấp đôi so với giá hiện hành.
Điều này ảnh hưởng lớn đến an sinh xã hội, đặc biệt người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế khó khăn nên Nhà nước cần có giải pháp cấp bách để điều tiết giá. Và cũng thể hiện Nhà nước không có cơ chế kiểm soát giá SGK ngay cả khi các Nhà xuất bản kê khai giá cao làm ảnh hưởng đến người dân.
Trước vấn đề này, Bộ GD&ĐT đã có văn bản kiến nghị Bộ Tài chính và Chính phủ xem xét đưa SGK vào danh mục hàng hóa do Nhà nước định giá tối đa để trình Quốc hội quyết định. Việc này được đánh giá là vấn đề cấp bách, tránh gây tâm lý bất ổn cho phụ huynh và học sinh.
Trao đổi nhanh với Người Đưa tin, TS.Lê Viết Khuyến, Nguyên Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) đánh giá: "Các Nhà xuất bản cho rằng việc đầu tư in ấn, quảng cáo, biên soạn,…phải lấy vào giá SGK là không hợp lý. Không nên có chuyện xem xuất bản SGK là hoạt động kinh doanh lấy lãi, như vậy không đúng với tinh thần giáo dục là quốc sách hàng đầu".
Theo chuyên gia, vì là hàng hóa đặc biệt, các Nhà xuất bản phải chấp nhận bù lỗ sau đó là tăng dần qua từng năm. Nếu ngay lập tức để lấy thu bù chi từ đầu thì quan điểm đó không phù hợp đối với mặt hàng SGK.
Sáng 25/5, thảo luận tại phiên họp tổ 1 của Quốc hội, trước nhiều ý kiến của các ĐBQH về các bất cập trong đổi mới sách giáo khoa, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn đã có những giải thích làm rõ.
"Các bộ sách lớp 3, lớp 7, lớp 10 của Nhà suất bản Giáo dục năm nay với sự chỉ đạo rất ráo riết đã giảm được từ 10-15% so với các sách tương ứng mới của năm ngoái, trong khi giá thành vật liệu, nhiên liệu tăng lên", ông Sơn bày tỏ.
Còn nếu so với các bộ sách cũ, ông Sơn cho đó là các sách mà Nhà nước đã bỏ tiền cho rất nhiều các khâu từ biên soạn, thẩm định. Tức là những phần đã được nhà nước tổ chức trước đây theo hệ thống cũ, khổ nhỏ hơn, giấy xấu.