Bố mẹ khen cũng có thể tạo áp lực cho con

Đôi khi, chính thái độ khen ngợi, tán dương con khi đạt điểm cao, thành tích tốt cũng tạo ra những áp lực cho trẻ.

Sau nhiều câu chuyện ngổn ngang của ngành giáo dục, vụ việc một nam sinh lớp 10 ở TP.HCM nhảy lầu tự tử vì không chịu nổi áp lực học hành khiến các bậc làm cha làm mẹ không khỏi xót xa, một lần nữa phải nhìn lại về những áp lực vô hình mà con phải chịu đựng.

Thực tế, nếu phụ huynh không biết cách giúp các em giải tỏa căng thẳng, có thể dẫn đến hậu quả khôn lường. TS tâm lý Trần Thành Nam (ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội), chia sẻ về vấn đề này.

- Từ vụ việc một nam sinh tự tử vì quá áp lực xảy ra mới đây, ông đánh giá như thế nào về những gánh nặng vô hình mà học sinh hiện nay đang phải chịu đựng?

- Năm nào cũng vậy, trước các kỳ thi lớn, nhiều học sinh căng thẳng quá mức, thậm chí phải nhập viện tâm thần hoặc có hành vi tự gây hại cho bản thân như tự tử.

Áp lực học tập không phải là vấn đề mới, nhưng hiện tượng này vẫn lặp đi lặp lại hàng năm. Đáng chú ý, các hành vi gây hại cho các em đang có xu hướng gia tăng.

Những nghiên cứu trước đây về tỷ lệ lo âu trầm cảm trong giới học sinh của chúng tôi tại một số trường cho thấy, 1/3 các em đang học trong các cấp học có nguy cơ bị trầm cảm. Càng học ở trường “top”, áp lực, lo âu, trầm cảm của các em càng nhiều.

TS tâm lý Trần Thành Nam - ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội. Ảnh: VOV.

Theo chia sẻ của các em, nguyên nhân chủ yếu là điểm số hay mối quan hệ. Đó có thể là mối quan hệ với các thầy cô, quan hệ tình cảm tuổi mới lớn. Bên cạnh đó còn là áp lực nhu cầu được thể hiện bản thân, áp lực về các vấn đề trên mạng xã hội…

Môi trường mạng có rất nhiều thông tin không đúng sự thật về các kỳ thi, nhưng lại khiến các em lo lắng, hoang mang về vị trí của mình trong xã hội. Tất cả tạo thành áp lực chung đè nặng lên học sinh, nhiều em không thể chịu đựng sẽ dẫn đến những hành động tự hủy hoại bản thân.

Trước đây, khi sống trong xã hội có yếu tố truyền thống nhiều hơn, một đứa trẻ được hỗ trợ tâm lý bởi nhiều mạng lưới. Trong đó, bố mẹ chỉ là một đối tượng, ngoài ra còn có ông bà, họ hàng, làng xóm.

Ngày nay, trong xã hội đô thị hóa, mỗi gia đình sống trong các căn hộ biệt lập, trách nhiệm chính trong việc giáo dục con cái thuộc về bố mẹ. Nhưng chính bố mẹ cũng không có thời gian tâm sự với con. Một số bố mẹ tâm lý, buổi tối chủ động dành thời gian nói chuyện cùng con, nhưng được vài câu lại chăm chú vào điện thoại, máy tính…

Bởi vậy, những đứa trẻ ngày nay ngày càng cô đơn, không có môi trường để giải tỏa những căng thẳng.

- Một trong những yếu tố tạo ra áp lực cho học sinh mà ông vừa chia sẻ là điểm số. Theo chuyên gia, bố mẹ cần làm gì để con vẫn học tốt mà không phải chịu nhiều áp lực?

- Có nhiều người nói rằng tôi không gây bất cứ áp lực nào cho con. Nhưng khi con mang điểm 9, điểm 10 về, bố mẹ lại hồ hởi, miễn cho con những công việc đáng ra phải làm, gọi điện cho người này, người kia để khoe.

Khi con được điểm thấp hơn, hành xử của bố mẹ hoàn toàn khác. Có người bảo con cố gắng hơn nhé nhưng thái độ hoàn toàn không có sự hồ hởi, vui vẻ. Như vậy, đứa trẻ vẫn tự hiểu được mong đợi của bố mẹ là điểm số.

Bên cạnh đó, không chỉ bố mẹ, giáo viên mà chính bạn bè cũng tạo cho trẻ những áp lực. Những học sinh học giỏi, sẽ được các bạn trong lớp ngưỡng mộ. Nhìn vào những bạn đó, các em khác sẽ nhìn ra rằng giá trị của một học sinh trong lớp vẫn là thành tích học tập, từ đó tự tạo áp lực cho bản thân.

Thực tế, bố mẹ không thể giảm áp lực của con cái, nhưng có thể làm tăng nội lực của đứa trẻ. Trước những vấn đề của cuộc sống, nếu các em mạnh mẽ hơn, vấn đề đó sẽ được thu nhỏ lại.

Phải làm thế nào để trẻ mạnh mẽ hơn? Ngay từ nhỏ, bố mẹ đã phải xây dựng cho con có lòng tự trọng để con hiểu rằng dù con không mạnh ở lĩnh vực này hay lĩnh vực kia, nhưng con vẫn là đứa trẻ có giá trị, mọi người vẫn yêu quý con. Như vậy, khi gặp những khó khăn, trẻ sẽ không nản trí, nghĩ đến những điều tiêu cực.

Đặc biệt, bố mẹ nên giúp con xây dựng hứng thú ở một lĩnh vực nào đó mà trẻ nổi trội. Khi đó, con sẽ cảm thấy thích thú, miệt mài học tập mà không chịu áp lực về sức khỏe tinh thần.

- Ở lứa tuổi học đường, các em có nhu cầu được chia sẻ, nhưng đôi khi chính sự “lệch pha” khiến bố mẹ chưa thể hiểu hết về con. Ông có thể chia sẻ đôi nét về đặc điểm tâm lý lứa tuổi này để các bậc phụ huynh có thể nắm bắt tâm lý con tốt hơn?

- Khi học cấp 2, cấp 3, bước vào giai đoạn dậy thì, các em thường nhạy cảm hơn với các kích thích xung quanh. Ở độ tuổi này, các em cảm thấy mình có nhiều năng lượng hơn, có thể làm được tất cả song thực tế nguồn lực của các em lại không cho phép. Các em có xu hướng muốn thể hiện bản thân, muốn làm những gì có tính thách thức và mạo hiểm.

Thời gian này, các em sẽ có xu hướng tách ra khỏi bố mẹ bởi có nhiều hơn các mối quan hệ bạn bè. Một số bố mẹ thấy vậy cũng bắt đầu buông lỏng sự quan tâm với con hơn mà không biết rằng đây chính là giai đoạn các em cần nhiều sự hỗ trợ về tâm lý nhất.

Trong một số gia đình, nếu mối quan hệ của bố mẹ và con cái không được tốt, lời khuyên của bố mẹ đôi khi lại là yếu tố kích hoạt các em làm ngược lại. Sự đồng hành ở đây không có nghĩa là bố mẹ luôn đưa ra những lời khuyên hoặc chỉ trích hay áp đặt con cái, yêu cầu con phải làm thế này thế kia. Thay vào đó, bố mẹ nên có những định hướng, trao quyền quyết định cho con cái.

Các nghiên cứu chỉ ra rằng bố mẹ càng tôn trọng, lắng nghe con bao nhiêu, tin rằng con có trách nhiệm và khả năng quyết định, đứa trẻ càng có xu hướng cân nhắc đến suy nghĩ của bố mẹ nhiều hơn.

Theo Tri thức trực tuyến

Theo giadinh.net.vn

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU