Tiêm vaccine cho phụ nữ mang thai trên 13 tuần tại Bệnh viện Phụ sản TW.
Để tăng tỉ lệ bao phủ vaccine ở phụ nữ mang thai, đặc biệt là trong bối cảnh tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, Bộ Y tế đề nghị các đơn vị khẩn trương rà soát danh sách phụ nữ có thai từ 13 tuần trở lên trên địa bàn quản lý, lập kế hoạch và tổ chức tiêm vaccine phòng COVID-19 tại các cơ sở y tế có khả năng cấp cứu sản khoa sau khi giải thích nguy cơ/lợi ích cho các đối tượng đồng ý tiêm chủng.
Cần ưu tiên cho các địa bàn, khu vực đang có dịch và lực lượng y tế tuyến đầu, các đối tượng khác phù hợp với tình hình thực tiễn và yêu cầu phòng, chống dịch trên địa bàn.
Tổ chức tiêm vaccine phải đảm bảo an toàn, hiệu quả, thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch trước, trong và sau buổi tiêm chủng.
Trong trường hợp cần chuyển đến cơ sở tiêm chủng khác, cơ sở tiêm chủng tiếp nhận ban đầu phải hỗ trợ hướng dẫn người tiêm đến cơ sở tiêm chủng một cách thuận lợi, hiệu quả.
Bộ Y tế đề nghị các đơn vị phải khám sàng lọc trước tiêm theo quy định của Bộ Y tế và chỉ định loại vaccine sử dụng theo hướng dẫn của nhà sản xuất đã đăng ký với Bộ Y tế, không chờ đợi, lựa chọn vaccine.
Thực hiện việc theo dõi, hướng dẫn theo dõi sau tiêm chủng theo các hướng dẫn của Bộ Y tế. Tiếp tục tuyên truyền, vận động để phụ nữ có thai đủ điều kiện tiêm chủng tích cực tham gia tiêm chủng kịp thời và đầy đủ.
Theo "Hướng dẫn tạm thời khám sàng lọc trước tiêm vaccine COVID-19" của Bộ Y tế, phụ nữ mang thai, đang cho con bú chống chỉ định với vaccine COVID-19 Sputnik V.
Phụ nữ mang thai là đối tượng dễ bị diễn biến nặng khi mắc COVID-19
PGS.TS Trần Danh Cường- Giám đốc Bệnh viện Phụ sản TW cho hay, các nghiên cứu trên thế giới cho thấy phụ nữ có thai, không có thai và những người bình thường có nguy cơ mắc COVID-19 là như nhau.
Tuy nhiên, phụ nữ mang thai lại là đối tượng dễ bị diễn biến nặng khi mắc COVID-19 bởi trong quá trình mang thai, phụ nữ cũng có tình trạng suy giảm miễn dịch nhất định.
Tiếp đến, bản thân phụ nữ trong quá trình mang thai sẽ có tình trạng giữ nước trong cơ thể, có hiện tượng phù, phù niêm mạc đường hô hấp trên, dẫn đến tổn thương đường hô hấp trên dễ dàng. Vì thế khi mắc COVID-19 nguy cơ bệnh diễn biến nặng tăng nhanh.
Ngoài ra, nếu phụ nữ mang thai có bệnh nền hoặc các bệnh như huyết áp, đái tháo đường, tim mạch, béo phì, bệnh mạn tính ở phổi… hoặc trên 35 tuổi mới mang thai… sẽ dễ gây ra biến chứng trong thai kỳ"- PGS.TS Trần Danh Cường nói.
Cùng với những yếu tố trên, nếu thêm mắc COVID-19 thì nguy cơ biến chứng thể nặng của phụ nữ mang thai càng cao. Khi diễn biến chuyển nặng nhanh chóng sẽ buộc phải nằm hồi sức, can thiệp thở máy, ECMO… với tỷ lệ cao, thậm chí có thể gây tử vong cho mẹ và thai nhi.
Đây là lý do các nhà quản lý, nhà khoa học thấy rằng việc chăm sóc thai kỳ, đề phòng nguy cơ cho phụ nữ mang thai trước đại dịch COVID-19 bằng vaccine là cần thiết.
"Các thai phụ nên đi tiêm vaccine COVID-19 trong bối cảnh dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp"- PGS.TS Trần Danh Cường nhấn mạnh.