Cha mẹ cần chú ý những gì để nuôi dạy một đứa trẻ hướng ngoại thành tài

(lamchame.vn) - Trẻ hướng ngoại thường dễ gặp nguy hiểm vì bản tính ưa khám phá thế giới bên ngoài. Vậy nên cha mẹ cần chú ý những điều sau đây để có cách nuôi trẻ hướng ngoại phát triển an toàn và tốt nhất.

Trước tiên, chúng ta hãy cùng tìm hiểu thế nào là một người hướng ngoại và một người hướng nội

Theo các nhà tâm lý học, khi miêu tả về một người nào đó, người ta thường hay dùng từ hướng nội hoặc hướng ngoại để định nghĩa. Hai tuýp người này có những đặc điểm tính cách gần như trái ngược nhau.

Chuyên gia tâm lý Carl Gustav Jung nhận định: Người hướng nội là người thường chỉ chú trọng tới trạng thái tâm lý bản thân, đôi khi tham gia vào các hoạt động khác cùng mọi người nhưng họ thường không có nhiều hứng thú. Trong khi đó, người hướng ngoại là những người thường dồn hết tâm lực và trí lực vào thế giới bên ngoài, họ rất ít khi để bản thân cô đơn, một mình.

Sau Carl Gustav Jung, nhà tâm lý học người Anh, Hans Eysenck tìm hiểu từ góc độ mang tính chất sinh vật học về sự khác biệt giữa người hướng nội và người hướng ngoại. Người hướng nội và người hướng ngoại khác nhau ở tốc độ phản ứng của cơ thể và đại não, và về giới hạn cảm xúc (khi chịu tác động từ bên ngoài).

Ảnh minh họa​

Khi đối diện với những tình cảnh quá kích động, người có tính hướng nội, người quá đỗi mẫn cảm, họ đôi khi chọn trốn tránh khỏi hoàn cảnh đó. Nói cách khác, người hướng nội dễ bị mất năng lượng khi ở trong đám đông hay trong những hoạt động mang tính tập thể. Còn người có tính hướng ngoại thì cần sự tác động từ thế giới bên ngoài để khơi gợi sự mạnh mẽ bên trong mình, ví dụ như chơi các môn thể thao có cảm giác mạnh, hoặc thi đấu thể dục…

Tuy nhiên, dù một người được xem là hướng nội hay hướng ngoại như thế nào đi chăng nữa thì trên thực tế, không có ai chỉ hướng nội hay chỉ hướng ngoại. Ở những hoàn cảnh tương đối đặc định họ mới thể hiện rõ nét ra như vậy. Trong mỗi người luôn tồn tại cả hai loại tính cách, tuy nhiên nét tính cách nào điển hình và vượt trội hơn thì người đó sẽ được xếp vào nhóm tính cách đó.

Vậy cha mẹ cần chú ý gì để nuôi dạy trẻ hướng ngoại:

1. Phát triển tương tác xã hội


Nếu muốn con hướng ngoại, cha mẹ cần tạo điều kiện để con tham gia nhiều tương tác xã hội, được vui chơi, trò chuyện cùng những đứa trẻ khác. Các chuyên gia tâm lý về trẻ em khuyên phụ huynh nên cho con tham gia hoạt động có cấu trúc (được lên kế hoạch bởi người lớn) hoặc hoạt động phi cấu trúc (hoạt động tự do, thường do trẻ làm chủ).

Trong hoạt động phi cấu trúc, trẻ có thể đảm nhiệm vai trò lãnh đạo, học cách quản lý nhóm. Ngược lại, tham gia hoạt động có cấu trúc, trẻ sẽ khó nghe theo hướng dẫn của người khác nhưng đây là cách giúp các em hiểu rằng quy tắc là một phần của cuộc sống. Dù có khả năng lãnh đạo, các em cũng phải làm theo những quy tắc duy trì trật tự nhất định.

Ảnh minh họa

Ngoài ra, phụ huynh nên cho trẻ tham gia các hoạt động tập thể dục để giải tỏa năng lượng. Sân chơi, trung tâm thể thao, câu lạc bộ tại trường học có thể là những khu vực giải trí an toàn, lành mạnh.

2. Trau dồi kỹ năng xã hội
Những đứa trẻ hướng ngoại có thể rất thân thiện với mọi người xung quanh. Bằng chứng là chúng xung phong được giới thiệu bản thân hoặc nhận trách nhiệm lãnh đạo nhóm nhưng có thể thiếu kỹ năng học tập xã hội vì mải nghĩ về bản thân. Trẻ có thể tỏ ra hung dữ, khó chịu khi thấy bạn hướng nội không phản ứng với hoạt động nhóm.

Một trong những vai trò của phụ huynh là hướng dẫn con về sự sẻ chia, đồng cảm với người khác, hiểu cách hành vi của chúng tác động đến người khác. Chẳng hạn, con kêu gọi bạn bè tẩy chay một người bạn khác, bạn phải can thiệp ngay lập tức và giúp con nhận ra giá trị của tình bạn, tinh thần đoàn kết. Dù con bạn nhận được nhiều sự chú ý nhất trong nhóm, hãy luôn dạy rằng: "Chia sẻ thể hiện sự quan tâm lẫn nhau. Con hãy giúp đỡ, để ý đến những bạn khác trong nhóm".

3. Công nhận điểm mạnh của trẻ
Trẻ hướng ngoại có sự tự tin cao hơn những đứa em khác, đây là một trong những ưu điểm. Nếu chứng kiến sự mạnh mẽ của con, bạn đừng ngại khen ngợi để duy trì động lực nhưng không để các em nảy sinh thói tự kiêu.

4. Tôn trọng sự khác biệt
Không chỉ công nhận ưu điểm của trẻ, cha mẹ hãy dạy trẻ tôn trọng sự khác biệt của bạn bè xung quanh. Ví dụ, trong nhóm có những em tính cách hướng nội, thường tỏ ra rụt rè, ít nói. Những đứa trẻ hướng ngoại cho rằng bạn hướng nội là người không thân thiện nên xa lánh hoặc phớt lờ. Điều này thể hiện sự thiếu tôn trọng và bao dung với người khác.

Dù trẻ thích chơi với những người có tính cách hướng ngoại như mình, bạn hãy khuyến khích con làm quen, mở lòng với những bạn hướng nội.

Mục tiêu của việc này không phải để chứng minh con bạn là người giỏi hòa đồng mà khiến con tôn trọng sự khác biệt trong tính cách của mọi người. Tất cả trẻ em lớn lên và phát triển các kỹ năng xã hội bằng cách tương tác, học hỏi và thừa nhận những tính cách khác nhau.

5. An toàn là ưu tiên hàng đầu

Ảnh minh họa

Trẻ em được dạy phải giữ an toàn cho bản thân nhưng trẻ hướng ngoại thường có xu hướng "thu hút" sự nguy hiểm vì bản tính thích khám phá và không ngại dấn thân. Những đứa trẻ hướng ngoại luôn sẵn lòng giúp đỡ bạn bè và người khác có thể coi đây là điểm yếu để lợi dụng trẻ làm việc nguy hiểm thay cho mình như bắt nạt bạn bè, chơi trò mạo hiểm. Ngoài ra, vì tính cách thân thiện, hòa đồng, các em có thể kết giao với những người bạn xấu hoặc người lạ.

Là cha mẹ của trẻ hướng ngoại, bạn nên chú ý đến ranh giới giữa an toàn và phát huy tính cách. Hướng dẫn con cách đánh giá hoặc chọn bạn bè để chơi, cảnh giác trước nguy hiểm và cân nhắc khi tham gia hoạt động nguy hiểm.

Theo lamchame.com

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU